Tham gia phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

22/08/2012 18:45

(Baonghean.vn) - Sáng nay 22/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh qua...

(Baonghean.vn) -Sáng nay 22/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh qua truyền hình trực tuyến từ Văn phòng Quốc hội đến 63 tỉnh, thành phố. Đồng chí Phạm Văn Tấn - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì điểm cầu tại Nghệ An.

Theo kế hoạch, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ giải trình các giải pháp giải quyết khiếu nại tố cáo các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai; biện pháp theo dõi, xử lý hoặc thu hồi tài sản sau thanh tra; hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...

Đồng chí Phạm Văn Tấn - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì điểm cầu tại Nghệ An đã đưa ra 4 câu hỏi chất vấn bộ trưởng. Trong đó vấn đề vụ KNTC (theo báo cáo) còn 528 vụ KNTC kéo dài, bức xúc, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai. Xin hỏi: vụ kéo dài nhất là bao nhiêu năm, đã bao nhiêu cấp giải quyết, tại sao không dứt điểm, trong số đó có bao nhiệu vụ liên quan đến đất đai.


Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh giải trình:
Khiếu nại tăng cao do giải quyết chưa đến nơi đến chốn, trong đó một phần do sự yếu kém, lơi lỏng của các cơ quan địa phương. Bên cạnh đó thời gian qua có nhiều dự án đầu tư buộc phải thu hồi đất, đây cũng chính là lý do khiến khiếu nại về đất đai tăng cao, chiếm 70% tổng số vụ khiếu nại. Tháng 6.2012, tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ và một số bộ ngành như Bộ Công an, Tài nguyên - Môi trường lập ra 25 đoàn công tác rà soát tình hình khiếu nại tại 51 tỉnh thành. Qua đó có thể thấy số liệu về các vụ khiếu nại chưa chính xác. Có một vụ khiếu nại được gửi đi nhiều cơ quan và từ đó được tập hợp thành nhiều vụ. Đến nay có 300 vụ khiếu nại đang được cơ quan chức năng xem xét. Số vụ còn lại đang tập hợp để tiếp tục xem xét. Do số liệu tập hợp chưa đầy đủ nên tôi chưa thể trả lời được vụ khiếu nại nào kéo dài nhất nhưng có vụ kéo dài 20 năm đến nay vẫn còn khiếu nại. Chủ yếu các vụ khiếu nại này rơi vào lĩnh vực đất đai.

Tại buổi chất vấn, có nhiều câu hỏi xung quanh việc quản lý vốn tập đoàn, tổng công ty còn yếu kém, thanh tra nhiều nhưng tỷ lệ thực hiện sau kết luận thấp, chất lượng thanh tra chưa cao; chậm ban hành kết luận thanh tra, trách nhiệm phối hợp giữa Thanh tra chính phủ với các cơ quan nhà nước khác trong việc công bố kết luận thanh tra. Đặc biệt tại buổi chất vấn, nhiều đại biểu đặt câu hỏi xung quanh việc bổ nhiệm cán bộ và phát hiện sai phạm tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và công tác thanh tra phát hiện tham nhũng chủ yếu tại các tập đoàn kinh tế nhà nước; Vấn đề đạo đức của cán bộ thanh tra, có hay không xu hướng hành chính hóa trong xử lý tham nhũng; Luật Khiếu nại tố cáo có hiệu lực từ ngày 1/7/2012 nhưng đến nay chưa có nghị định hướng dẫn thi hành?...

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh lần lượt trả lời các câu hỏi của các đại biểu các tỉnh, thành: Mục đích thanh tra là tìm ra mặt làm được và chưa được của đối tượng bị thanh tra để chấn chỉnh sai phạm, buộc đối tượng thanh tra thực hiện theo kết luận thanh tra để hoạt động cho đúng quy định. Theo quy chế hoạt động của thanh tra, những sự việc nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan thanh tra sẽ làm việc với cơ quan điều tra để xác định lại sai phạm, sau đó chuyển cho cơ quan điều tra. Việc chuyển cơ quan điều tra ít là do thanh tra có khuyết điểm phát hiện vi phạm chưa đến nơi đến chốn, tôi sẽ tiếp thu để thanh tra sâu sát hơn... Bên cạnh việc thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân thu hồi chưa cao là do kết luận của một số vụ việc chưa có tính khả thi cao, chưa có chế tài quy định kết luận thanh tra, công tác theo dõi việc thanh tra chưa tốt. Đồng thời kiến nghị thành lập một Vụ Giám sát thực hiện kết luận thanh tra. Vụ này sẽ có nhiệm vụ đôn đốc các địa phương thực hiện kết luận thanh tra được tốt.


Tuy nhiên trả lời các vấn đề liên quan đến vụ Vinalines và trách nhiệm của thanh tra vẫn chưa làm cho các đại biểu thỏa mãn và có những câu hỏi sẽ được Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị trả lời bằng văn bản.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang giải trình thêm các vấn đề liên quan…

Kết thúc buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu bế mạc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ trưởng, người đứng các ngành phải thực hiện sau phiên họp.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH có trách nhiệm làm tốt hơn tham mưu, triển khai công tác đào tạo nghề để đạt được chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, T.Ư đề ra cho năm nay và 5 năm tới; phối hợp các ngành liên quan kiểm soát cho được, xử lý nghiêm lao động nước ngoài trên thị trường Việt Nam vi phạm pháp luật.

Thống đốc NHNN có trách nhiệm giải quyết cho được nợ xấu của ngân hàng đồng thời tăng nợ tốt; giải quyết tình trạng tài chính của ngân hàng và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trong thời gian tới (mỗi năm đều phải có chuyển biến); cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng ngân hàng có chuyển biến tích cực và lành mạnh trong thời gian tới nhưng không được để tổ chức tín dụng, tài chính nào thuộc quyền quản lý của NHNN bị đổ vỡ ảnh hưởng đến hệ thống.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Thống đốc NHNH có trách nhiệm kiềm chế lạm phát đồng thời bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng hợp lý để hồi phục sản xuất kinh doanh; không để suy giảm kinh tế giúp ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Tổng Thanh tra Chính phủ phải giải quyết cơ bản khiếu nại tố cáo còn tồn đọng thuộc cấp Trung ương từ nay đến cuối năm; xây dựng ngành thanh tra để hạn chế tối đa khiếu nại tố cáo mới. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở ngành thanh tra phải nâng cao năng lực hiệu quả, chất lượng hệ thống thanh tra để đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.


Thảo Nhi