Hiệu quả giáo dục lịch sử qua biển tên đường phố?

26/10/2012 20:52

(Baonghean) - Xuất phát từ yêu cầu cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho người dân, nhất là thế hệ trẻ, chủ trương về việc giáo dục lịch sử qua biển tên đường phố và trong các trường học của UBND tỉnh là đúng và cần thiết. Đến nay, sau nhiều cuộc họp đã đi đến thống nhất chọn địa bàn TP. Vinh làm thí điểm ở một số trường công lập và các tuyến phố chính. Tuy đang ở bước thí điểm nhưng dư luận đã rất quan tâm và có nhiều điều băn khoăn.

Về các trường học, bước đầu Sở GD-ĐT chọn cả 4 cấp học làm thí điểm là các trường công lập trên địa bàn TP Vinh (4 trường THPT là Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Hà Huy Tập, Lê Viết Thuật; 3 trường THCS là Hà Huy Tập, Quang Trung, Lê Mao; 1 trường Tiểu học là Hà Huy Tập 2, và 1 trường Mầm non là Hà Huy Tập). Các trường học chọn hình thức đặt biển ghi nội dung giới thiệu về danh nhân, chất liệu đá granit đặt ở vị trí trang trọng trong khuôn viên nhà trường, phần trên biển còn có chân dung của danh nhân. Nhiều nhà giáo và phụ huynh cho rằng: Đặt biển giới thiệu danh nhân trong các trường học là cần thiết, nếu các trường đã có tượng danh nhân nay lại thêm biển giới thiệu danh nhân càng tôn thêm cảnh quan trang trọng cho ngôi trường.

Tuy nhiên, hiện nay dư luận băn khoăn nhiều nhất là biển giới thiệu danh nhân đặt trên các đường phố, vừa tốn kém mà tác dụng giáo dục lịch sử rất hạn chế. Tốn kém vì phải thay một loạt biển cũ, biển tên đường mới cũng không thể lớn hơn vì sẽ ảnh hưởng ATGT. Được biết, chất liệu mới là biển hộp inox 2 mặt, mặt biển dán đề can màu xanh da trời, chữ và viền biển bằng đề can trắng phản quang. Do hạn chế về diện tích nên phần giới thiệu danh nhân rất nhỏ, hết sức vắn tắt, chỉ có người đi bộ mới đọc được. Qua trao đổi, nhiều người dân TP Vinh, trong đó có cả một số cán bộ văn hóa cũng chung sự băn khoăn này. Theo ông Phạm Đình, cán bộ hưu trí phường Lê Mao cho rằng, giáo dục lịch sử về danh nhân có hiệu quả nên phối hợp nhiều hình thức khác nhau như thường xuyên phát trên đài truyền thanh phường, xã có đường phố mang tên danh nhân đó, hoặc đặt biển to hơn với nội dung đầy đủ hơn tại các nhà văn hóa khối xóm, phường, xã hay các điểm văn hóa công cộng khác sẽ hiệu quả hơn, lại có tính thẩm mỹ cao hơn.

Được biết, theo kế hoạch, việc đặt biển giới thiệu danh nhân trong trường học sẽ tiến hành vào đầu năm học (2012 - 2013), nhưng đến nay các trường chọn thí điểm vẫn chưa được duyệt để thực hiện; với các tuyến phố chính ở TP. Vinh xong trước ngày lễ Quốc khánh (2/9/2012), nhưng nay vẫn mới trình duyệt, điều đó thể hiện sự thận trọng của các cấp ngành đồng thời cũng gặp không ít khó khăn trong việc triển khai. Mong rằng Hội đồng thẩm định cần tiếp tục trưng cầu ý kiến rộng hơn để có những điều chỉnh cần thiết trước khi thực hiện thí điểm.


Mai Hồ Minh