Hai bản tự kiểm thảo – Một tấm lòng vì Đảng

17/09/2012 17:54

Đúng vào dịp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đang tổ chức thực hiên tự phê bình tập thể và cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) thì tôi tình cờ được đọc và biết 2 tài liệu quý. Đó là bản “Tự kiểm thảo” của đồng chí Nguyễn Sỹ Quế (sau này là Bí thư Tỉnh uỷ) viết vào ngày 5/9/1963 khi ở cương vị Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An và nội dung tự kiểm thảo của đồng chí Lê Minh Châu trên cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An vào năm 1953 trong đợt “chỉnh huấn, chỉnh quân” của Đảng trước khi mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

(Baonghean) - Đúng vào dịp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đang tổ chức thực hiên tự phê bình tập thể và cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) thì tôi tình cờ được đọc và biết 2 tài liệu quý. Đó là bản “Tự kiểm thảo” của đồng chí Nguyễn Sỹ Quế (sau này là Bí thư Tỉnh uỷ) viết vào ngày 5/9/1963 khi ở cương vị Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An và nội dung tự kiểm thảo của đồng chí Lê Minh Châu trên cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An vào năm 1953 trong đợt “chỉnh huấn, chỉnh quân” của Đảng trước khi mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bản tự kiểm thảo của đồng chí Nguyễn Sỹ Quế được đánh máy chữ vừa hết 2 trang giấy rất mỏng mà các cơ quan Nhà nước thường dùng thời đó, phía dưới có chữ ký của người viết; còn bản “Tự kiểm thảo” của đồng chí Lê Minh Châu thì được một đồng chí nguyên là cán bộ Tỉnh ủy nhớ lại. Theo trí nhớ của đồng chí đó thì bản “Tự kiểm thảo” của Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Châu dày tới hơn 20 trang giấy viết tay. Trong đó, người đứng đầu Đảng bộ Nghệ An kiểm điểm kỹ trách nhiệm lãnh đạo của mình trên 3 lĩnh vực là lãnh đạo kháng chiến, lãnh đạo hậu phương và lãnh đạo công tác xây dựng Đảng.

Còn trong bản “Tự kiểm thảo” viết vào ngày 5/9/1963, không nêu phần ưu điểm mà đồng chí Nguyễn Sỹ Quế viết thẳng vào mục “Những khuyết điểm và nhược điểm”. Sau khi tự nhận là Chủ tịch tỉnh nhưng bản thân có lúc thiếu nhạy cảm trước sự chuyển biến của tình hình cách mạng nên vận dụng thiếu sâu sắc chủ trương của Trung ương, của Tỉnh uỷ vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo kế hoạch phát triển kinh tế trong điều kiện cụ thể của tỉnh nhà. Đồng chí cũng tự nhận bản thân còn tác phong chung chung, sự vụ, thiếu toàn diện và chưa có sự lãnh đạo chỉ đạo mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế. Có lúc bản thân chưa theo kịp với phong trào cách mạng của quần chúng.

Những dòng cuối cùng của “Bản tự kiểm thảo” đồng chí viết đầy trăn trở với miền Tây Nghệ An “Vấn đề đầu tư vào miền Tây cũng như kế hoạch miền Tây; vấn đề quản lý cũng mới kiểm tra qua loa, chưa kịp tập trung nghiên cứu kỹ càng”.

Đồng chí Lê Minh Châu và đồng chí Nguyễn Sỹ Quế là 2 “người đứng đầu” tỉnh ở hai thời kỳ khác nhau nhưng có một điểm chung khi “tự phê bình” là gần như không nói đến ưu điểm. Trong trình bày những khuyết điểm, nhược điểm, cả 2 đồng chí không ngần ngại dùng từ như “yếu kém”, “qua loa” khi nói về những khuyết điểm của mình, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Hơn thế, những mặt yếu trên lĩnh vực mình phụ trách, thậm chí cả thiệt hại của phong trào cách mạng trong tỉnh các đồng chí không giấu diếm, không né tránh mà thẳng thắn nhận trách nhiệm một cách trung thực nhất. Qua từng câu chữ, hành văn rõ ràng, người tự phê bình không chỉ thể hiện được bản lĩnh chính trị mà còn là bày tỏ tình cảm, sự trăn trở của người đảng viên trước cương vị đứng đầu đầy trọng trách trước dân, trước Đảng.

Hy vọng các bản tự kiểm thảo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Châu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và của Chủ tịch tỉnh Nguyễn Sỹ Quế trong thời kỳ đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc là tấm gương cho đợt “tự phê bình và phê bình” thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) cho các đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, các cấp uỷ viên và các đảng viên của Đảng bộ Nghệ An hiện nay.


Lê Thạch Vĩnh