"Khát màu sự sống"

30/09/2012 16:59

(Baonghean) Trong một bài thơ, Hoàng Thị Diệu Thuần viết: "Mắt tôi nhạt nhòa khát màu sự sống". Khát vọng sống - cũng là lẽ thường tình với một người trẻ tuổi như thế, cũng là lẽ thường tình với một người được sinh ra và bao bọc trong tình yêu thương như thế, khi bạo bệnh xuất hiện và đe dọa có thể cướp đi tất cả bất cứ lúc nào. Nhưng thật hiếm thấy một bản lĩnh, một tâm hồn nhạy cảm, một cách sống với cơn đau và ru cơn đau như cô bé Diệu Thuần đã có, suốt 7 năm qua từ lúc đời sống của cô gắn liền với căn bệnh mà cả thế giới khiếp sợ: ung thư...


Sinh năm 1987, tại xóm Khe Đổ, xã Nghĩa Xuân, huyện miền núi Quỳ Hợp, Thuần có một tuổi thơ êm đềm như bao đứa trẻ khác. Nhà nghèo, bố mẹ vất vả, nhưng cô bé Thuần và người anh trai của mình luôn được sống trong tình yêu thương, sự đầm ấm. Ông Hoàng Văn Vinh, bố của Thuần, ngậm ngùi: "Tôi nhớ mãi những năm tháng vất vả ngày con Thuần còn nhỏ. Vợ chồng tôi, ngoài giờ làm việc nhà nước còn trồng mía, phải đặt con ở lều dựng tạm để làm. Vất vả nhưng cũng vui. Rồi dần dần cũng làm được nhà...".

Căn nhà đó đã gắn bó với Diệu Thuần như chính tuổi thơ và cuộc đời cô, bởi ở đó, cô đã hiểu thế nào là gia đình, thế nào là tình thương, ở đó cô đã hạnh phúc với những lần quây quần cùng cả nhà đàn hát. Từ căn nhà nhỏ đó, bao lần đã vút lên tiếng sáo ngân nga, tiếng đàn acmonica và tiếng ghi ta trầm bổng. Từ căn nhà nhỏ đó, Diệu Thuần đã thấm thía cái vị ngọt ngào của mía và của tình thân. Cô bé hồn nhiên lớn lên với những sở thích và năng khiếu dần hình thành, dần rõ rệt... Sau này, nói về tuổi thơ của mình, Thuần như tràn nước mắt: "Thời thơ ấu của tôi tràn ngập tiếng cười trên những triền đồi, bờ khe cùng lũ bạn học và lũ trẻ con trong làng. Ngôi trường tiểu học nằm ngay cạnh nhà, phía sau là một con suối, trước mặt là một ngọn đồi trồng rất nhiều cây trẩu. Mỗi mùa hoa nở trắng đồi, lũ trẻ con háo hức đi học sớm để hò nhau chạy lên đồi hái hoa. Tiếng trống trường, tiếng hát đồng ca, tiếng hò nhau của lũ bạn, tiếng trâu bò, ếch nhái in hằn trong ký ức của tôi, một vệt dài đẹp đẽ để mỗi khi nhớ về thấy nhói lên một nỗi đau dịu nhẹ. Tôi đón nhận tất cả những gì đất trời ban tặng cho mình một cách tự nhiên nhất và cố giữ cho mình - dù không còn trọn vẹn nữa - sự tự nhiên mộc mạc của một con người xuất thân từ vùng rừng núi".

Diệu Thuần chia sẻ, khi cuộc sống phần nhiều nằm trên giường bệnh, cô sống với quá khứ hơn là với hiện tại, và cô tìm về hạnh phúc của quá khứ như một liều thuốc để xoa dịu nỗi đau của hiện tại.



"Lên lớp 7 Thuần bắt đầu bộc lộ thiên hướng nghệ thuật", ông Vinh kể lại. "Nó thích đàn hát và đàn hát suốt. Nhiều người đoán nó sẽ học văn theo nghề của tôi". Nhưng khi vào cấp 3, Diệu Thuần quyết định học chuyên Nga sau khi thi đỗ vào Trường chuyên Phan Bội Châu của tỉnh. Nhiều thầy cô ở đây vẫn còn nhớ em nữ sinh nhỏ nhắn người miền núi xuống học. "Đó là một cô bé ngoan, hiền, học giỏi" - nhiều người vẫn còn nhắc lại.



Hoàng Thị Diệu


Thế rồi cuộc đời của cô bé ấy đã hoàn toàn thay đổi khi phát hiện ra căn bệnh ung thư máu vào đúng lúc tất cả dường như rộng mở: cánh cửa đại học, cuộc sống Hà thành, những cơ hội thực hiện nhiều mơ ước. Học được 2 tuần ở Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành Tài chính - Ngân hàng, Diệu Thuần phải nghe cái tin đau đớn ấy và ban đầu, cô bé không tin vào tai mình.

Phải nghỉ 1 năm để điều trị, đầu tiên Thuần không chịu, song những cơn đau, sự mệt mỏi dần "thuyết phục" được cô. Sau đó là 4 năm vừa học vừa điều trị bệnh. Những lúc rảnh rỗi, vượt lên cơn đau của thể xác lẫn tinh thần, Thuần đi học thêm ghi ta. "Nó hoàn thành khóa học ghi ta cổ điển, và chơi hay hơn bố nhiều", ông bố giáo viên dạy Văn tự hào nói về cô con gái. Tốt nghiệp đại học năm 2010, Thuần kiên quyết kiếm việc làm để có thể sống bình thường như bao người khác. Cô thi tuyển vào hai đơn vị nhưng với phiếu khám sức khỏe của cô, họ đã lần lượt từ chối.


Những lần xạ trị, những tác động của hóa chất đã làm cho cơ thể cô bé tổn thương. Diệu Thuần trở nên bé nhỏ, mong manh, trong khi "cơn khát" sự sống vẫn lớn lên. Ngày biết con bị bệnh, người bố đã nhỏ những giọt nước mắt của người đàn ông, người đã từng trải qua bao nhiêu khổ đau cam go của cuộc sống. Có lẽ với con người dày dặn này, đây là lần đầu tiên nỗi đau mới như vậy, sâu như vậy, nhức nhối như vậy. Người con nhìn thấu được những giọt nước mắt trên mặt và cả những giọt chảy tràn trong lòng bố. Cô bé viết nên nỗi đau bằng những câu thơ: "Đỏ và trắng từ nay là màu cuộc sống/ Máu và màu tóc cậu là cuộc sống của con". Còn với mẹ, người thân yêu và gắn bó nhất, Diệu Thuần thầm thì chia sẻ điều riêng tư nhất mà cô khó có thể nói với bất cứ ai, đó là nỗi cô đơn: "Chỉ biết rằng con rất một mình, mẹ ơi!". Thơ giúp cô bé nói lên nỗi đau, giúp cô bé ru nỗi đau và sống cùng nhịp với nỗi đau: "Chiều nay mưa gió ôm nhau tình tự/ Con đóng cửa/ Một mình/ Tình tự với cơn đau".



ThuầnBìa cuốn sách "Như hoa hướng dương".


Những bài thơ đó, cùng với nhật ký và tản văn của Diệu Thuần vừa qua đã được Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây cho xuất bản và tái bản lần hai, với mong muốn nghị lực phi thường chống chọi với bạo bệnh của cô bé sẽ giúp ích cho những người cùng cảnh ngộ. Buổi giới thiệu cuốn sách Như hoa hướng dương của Diệu Thuần, vào ngày 25/8 tại Hà Nội, đã khiến cho bao người tham dự rơi nước mắt. Người ta xúc7 năm qua, mà còn vì nụ cười hiền lành ấm áp của cô luôn nở trên môi, bên cạnh người mẹ ân cần thương yêu của mình.


Không có đủ số tiền mong muốn để thực hiện phẫu thuật ở Israel, ngày 25/9 vừa qua, Diệu Thuần đã được các bác sỹ chuyên khoa của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thực hiện ghép tủy.

Người cho tủy là Hoàng Cao Long, anh trai của Thuần. Chờ đợi từng giây từng khắc suốt từ 2 giờ 40 phút chiều cho tới 5 giờ 30, bà Cao Thị Hương, mẹ Diệu Thuần, thở phào nhẹ nhõm nói với chúng tôi: "Ca ghép tủy thành công rồi". Diệu Thuần được đưa về phòng, cơ thể đau đớn, mệt mỏi, nhưng nét mặt tỉnh táo, tinh thần thoải mái.

Bà Hương như trút được gánh nặng, khẽ mỉm cười: "Tôi lo không ăn không ngủ được mấy ngày nay. Nhưng mọi sự may mắn rồi! Các bác sỹ tận tình lắm, từ Thạc sỹ Bình trưởng khoa cho đến các bác sỹ Nhài, bác sỹ Dung, bác sỹ Hằng..., ai cũng quan tâm động viên, giúp đỡ. Họ đều nói cứ yên tâm điều trị, hy vọng mọi chuyện sẽ may mắn". Còn người anh trai hơn Thuần 2 tuổi, khi được hỏi về sức khỏe hiện tại thì cười nửa đùa nửa thật nói rằng: "Còn khỏe hơn cả khi chưa cho tủy!".


Những tế bào mới đang cựa quậy trong cơ thể Diệu Thuần, khiến cô đau, nhưng đó chính là một sự sống đang được nhen nhóm. Và rất có thể, sự sống ấy sẽ sinh sôi nảy nở, sẽ tưới mát cho cơ thể Diệu Thuần và mang lại nhiều hy vọng, nhiều niềm vui nữa cho kẻ "ham thích những điều vui vẻ hơn nỗi muộn phiền"- như cô tự nhận về mình.


Thái Quỳnh