Cần làm rõ trách nhiệm, chỉ ra nguyên nhân, giải quyết triệt để

23/10/2012 16:54

Kỳ 2: CUỘC SỐNG TRÔI NỔI Ở LÒNG HỒ

(Baonghean) - Cố tình không di dời, bỏ quê mới “nhảy dù” về lòng hồ, một bộ phận người dân tái định cư đang phải đối mặt với bao hiểm nguy và một tương lai đầy bất trắc kèm theo đó là những hậu quả xã hội khó lường !

>>Kỳ 1: HIỆU QUẢ ĐA MỤC TIÊU

Sau khi cảm nhận được sức sống mới trên các khu tái định cư (TĐC) ở Ngọc Lâm và Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, chúng tôi ngược Quốc lộ 7 để tiếp cận với cuộc sống của những người dân TĐC trở về vùng lòng hồ. Sau hơn 1 tiếng di chuyển bằng thuyền máy, cụm 2 - Sốp Xuân - 1 trong 5 điểm cư trú bất hợp pháp của dân hồi cư hiện lên với khoảng chục túp lều tạm bợ nằm chênh vênh trên sườn núi, soi hình ảnh nghèo nàn, tạm bợ xuống mặt nước lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Thuyền vừa cập bến, đón chúng tôi là những ánh mắt trẻ thơ lấm lét, trên mình là bộ áo quần nhàu nhĩ. Trong căn chòi chừng 10m2 nằm nghiêng nghiêng mép hồ, một nhóm thanh niên đang đánh bài giải khuây, trong một căn chòi khác tồi tàn không kém có chừng 10 đứa trẻ từ 1- 12 tuổi lấm lem bùn đất dán mắt vào màn hình chiếc tivi hiếm hoi chạy bằng điện suối.



Cha con anh Lô Văn Hùng đang sống trong túp lều ở Sốp Xuân,
lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.

Cạnh đó là ngôi nhà của Lương Văn Sinh. Năm nay 23 tuổi nhưng Sinh đã lấy vợ, có 2 đứa con, đứa lớn 2 tuổi, đứa nhỏ 1 tuổi nằm nheo nhóc trên liếp tre. Cả gia đình Sinh gồm bố là Lương Văn Đồng và mẹ Lương Thị Hoành cùng vợ con anh đã bán ngôi nhà ở khu TĐC bỏ về đây vào đầu năm 2012. Có được tiền trong tay, Sinh cùng bạn bè đã nướng sạch vào ăn chơi ở miền xuôi nên cuộc sống của cả gia đình lâm vào cảnh tay trắng, chạy ăn từng bữa. Mới rồi, vợ chồng Sinh làm chòi ra ở riêng nên cuộc sống càng thêm bi đát. Mọi sinh hoạt trong gia đình, việc chăm sóc cho 2 đứa con nheo nhóc phụ thuộc vào sức già của người mẹ và sự tảo tần của vợ. Anh Tứ, cán bộ huyện Tương Dương kể lại câu chuyện lúc vợ Sinh sinh đứa thứ hai, bữa ăn của cả nhà chỉ có cơm với măng. Đoàn công tác cán bộ huyện Tương Dương thấy cám cảnh quá phải chia bớt khẩu phần ăn cho gia đình Sinh và người vợ khổ sở đó. Vậy mà, trong lúc trao đổi với chúng tôi, Sinh cũng chẳng một lời than phiền về cuộc sống hiện tại, cũng không biết cả nhà anh ta vi phạm pháp luật khi tự ý “nhảy dù” vào vùng lòng hồ, phá rừng làm nương rẫy. “Ở Thanh Chương làm ăn khó khăn, cái gì cũng phải mua mà nhà mình thì không có tiền”, Sinh phân trần mà không ý thức được rằng, cuộc sống hiện tại cực kỳ bấp bênh, lúc ốm đau bệnh tật cũng chẳng biết chạy chữa ở đâu, thậm chí mấy đứa con cũng chưa được khai sinh, nói gì đến chuyện sẽ được cắp sách đến trường như chúng bạn. Trong khi đó, cuộc sống của đại bộ phận đồng hương anh ta đang ngày một khá lên trên quê hương mới bằng bản chất cần cù chăm chỉ và chính sách hỗ trợ sinh kế của các cấp chính quyền.

Tại một điểm “nhảy dù” khác có tên khe Tàng (theo sổ sách cán bộ huyện Tương Dương là cụm 3) có khoảng chục nóc nhà hay nói đúng hơn là lán tạm của dân TĐC chen chúc nhau dựng lên trên khoảnh đất hẹp nép mình giữa núi và suối, phía dưới cơ man gia súc, gia cầm được nuôi nhốt, mùi xú uế thốc lên nồng nặc, kéo theo đó là từng đàn ruồi nhặng bay vo ve. Cả cụm khe Tàng mấy tháng nay cứ rầu rĩ vì chuyện buồn của nhà ông Lo Văn Lợi. Vợ chồng Lo Văn Lợi và Lương Thị Dung về bản Kim Hồng được 3 tháng thì âm thầm bán nhà cửa tìm về khe Tàng “xẻ thịt” rừng đầu nguồn làm rẫy mưu sinh mà không chút đoái hoài, tiếc nuối quê mới. Cả nhà chấp nhận sống trong điều kiện thiếu thốn, kể cả 2 cậu con trai sinh năm 1992 và 1995 cũng không đi học. Tất cả theo cha phá rừng làm rẫy. Lo Văn Lợi cứ đinh ninh cuộc sống thế là viên mãn, ai ngờ tai họa khủng khiếp ập xuống! Đó là cuối tháng 6 vừa qua, con trai cả Lo Văn Kèo cùng 2 bạn ngủ trong chòi canh rẫy thì mưa to xối xả, làm cây bật gốc đổ ập vào chòi, cướp đi sinh mạng em và một người bạn. Tưởng rằng, tai họa đó sẽ làm thức tỉnh chí ít là gia đình ông Lợi để họ về lại khu TĐC với hàng ngàn đồng hương của mình. Thế mà cuộc sống nặng nề đó vẫn tiếp diễn và sẽ không ai dám chắc những chuyện buồn lòng tương tự sẽ không xẩy ra.

Các cụm “nhảy dù”, trong điều kiện sống với rất nhiều cái không mà chúng tôi không thể thống kê xuể vì đối tượng dễ tổn thương nhất chính là thế hệ “măng non”. Sự ích kỷ của người lớn, dù vô tình hay cố ý, cũng cướp đi tuổi thơ đáng được nâng niu, chăm bẵm. Miễn cưỡng theo cha mẹ, hàng chục đứa trẻ cứ lớn lên trần trụi, hoang dã giữa chốn đại ngàn. Lò Văn Ỏn ở cụm Sốp Xuân nhỏ bé hơn nhiều so với tuổi 12 của mình. Cha mẹ lên rẫy cả ngày, mình Ỏn mang "trọng trách" chăm nom cho 2 em Lương Thị Lê (4 tuổi) và Lương Văn Nghị (1 tuổi). Ỏn hồn nhiên mời chúng tôi vào nhà, nơi cư ngụ của đại gia đình 8 người để khoe tấm ảnh của em chụp với em gái khi ở Thanh Chương. Đó là tấm ảnh em được mặc áo quần mới, mặt mũi sáng sủa chứ không như hình ảnh nhàu nhĩ, chân tay lấm lem như của em bây giờ. “Đây là kỷ niệm duy nhất của cháu ở Thanh Chương chú à”, Ỏn thành thật nói, một tay bồng Nghị (đứa em bị còi xương) bên hông, tay kia chỉ vào bức ảnh. 12 tuổi nhưng chưa ngày nào Ỏn đến trường nên em không biết chữ, cũng không có khái niệm trường lớp, thầy cô, bè bạn. Hỏi, em có muốn đến trường? Ỏn thật thà lắc đầu, ngọng ngịu bảo: “Không. Cháu chưa khi mô đi học cả, chỉ ở nhà lên rẫy và trông em thôi. Con Lê và thằng Nghị hắn cũng không đi học”. Ỏn chạy lại cạnh bếp, mở cái niêu cơm chỉ còn lơ phơ vài nắm xôi. “Trưa nay anh em cháu ăn xôi với tuộc (ruốc). Nếu mẹ về sớm thì nấu cơm ăn với măng chấm muối”. Ỏn nắm một vốc xôi cho vào miệng mắt nheo nheo tinh nghịch, mấy đứa em đứng bên ùa lại tranh phần với anh...



Những ngôi nhà của bà con bản Kim Hồng “nhảy dù” giữa lòng khe
rất nguy hiểm trong mùa mưa lũ.

Cũng tại Sốp Xuân, chỉ vì theo cha mẹ mà chuyện học hành của các em nhỏ đành “đứt gánh giữa đường”. Đó là câu chuyện của 2 chị em Lô Thị Hoa (18 tuổi) và Lô Thị Mùi (15 tuổi). Trước khi gia đình “nhảy dù” vào vùng lòng hồ, Hoa đang học lớp 11 Trường Dân tộc nội trú Tương Dương, còn Mùi học Trường THCS Ngọc Lâm với nhiều ước mơ mở ra trước mắt. Vậy mà giờ này, thay vì đến lớp, cả 2 chị em phải lọ mọ đi kiếm củi trong rừng. Thân hình nhỏ bé, còng xuống vì cái gùi chất đầy củi sau lưng, đôi chân nhẫn nại nhích từng bước trên sườn đồi dốc đứng. Ban đầu, 2 chị em không muốn tiếp xúc hay nói chuyện gì cùng chúng tôi bởi cảm giác ngại ngùng ở cái tuổi mới lớn. Thuyết phục mãi, cô chị mới giới thiệu về gia đình, tựu trung lại là đành theo cha mẹ vào đây mưu sinh. “Em cũng muốn học xong cấp 3 rồi kiếm lấy cái nghề nhưng gia đình về đây nên phải bỏ học.…” Hoa bỏ lửng câu nói, mắt đượm buồn nhìn sang Mùi. Hai đứa em út Lô Thị Thơm (học xong lớp 6) và Lô Thị Hồng (học xong lớp 4) ở Thanh Chương cũng trong cảnh theo gia đình lên đây bỏ học. Ở Sốp Xuân, tình cảnh như chị em Hoa không phải là hiếm; nhẩm tính một hồi, Hòa và Mùi đọc vanh vách tên 7 – 8 bạn bỏ học theo cha mẹ vào đây như: Bảo, Nhất, Hải, Núi…

Giữa núi rừng hoang vu, mặt trời ngả nhanh sang hướng Tây. Trong khung cảnh chiều tà, không gian Sốp Xuân càng thêm tối tăm. Từng đoàn người mệt mỏi bước trong rừng ra sau một ngày lên rẫy. Lũ trẻ con lít nhít nhảy ùm xuống tắm gần mép hồ. Chúng tôi ghé thăm gia đình Lô Văn Hùng có vợ Lô Thị Liên đã bỏ nhà đi Trung Quốc 3 tháng nay. Bước vào cái chòi nhỏ của 3 cha con Hùng, cảm giác thật lạnh lẽo vì chẳng có vật dụng gì, cũng có thể vì thiếu đôi bàn tay người mẹ, người vợ. Thấy khách lạ, đứa con đầu chạy vào nhà cuốn tròn trong chiếu như con sâu. Hỏi ra mới biết, nó xấu hổ vì gia đình túng bấn đến nỗi trên người không một manh áo. Hình ảnh đứa con trai đầu của Lô Văn Hùng cứ ám ảnh chúng tôi lúc ngược lòng hồ quay trở ra. Cuộc “thoái lui” khỏi khu TĐC trở về quê cũ của những hộ dân trên được lý giải là do mưu sinh. Nhưng thực tế chúng tôi chứng kiến quả là nghiệt ngã! Nghèo đói vẫn cứ bủa vây lấy cuộc sống họ như không gian tù túng, cô lập của vùng lòng hồ. Đau lòng hơn là cả một thế hệ trẻ em có một tuổi thơ hoàn toàn bị đánh cắp. Có em học hành đứt đoạn, có em không hề được học hành, có cả những đứa trẻ sinh ra không có giấy khai sinh, không được chăm sóc y tế… Thử hỏi, nếu hiện trạng này còn tồn tại thì tương lai của các em sẽ ra sao? Ở một vùng đất có vô vàn cái không sẽ đồng nghĩa với vô vàn hệ lụy. Quyết liệt di dân ra khỏi vùng lòng hồ, tạo cho các gia đình này sinh kế để nuôi sống bản thân là biện pháp cần được thực hiện khẩn trương, cấp bách để không chỉ xóa đi góc tối đáng buồn trong vùng lòng hồ thủy điện mà còn thể hiện trách nhiệm đối với thế hệ măng non vô tội kia.
(Còn nữa)


Nhóm PV