Giấc mơ ở đền Chương Dương

13/10/2012 19:20

Lần đầu tiên trong đời tôi đi dọc sông Hồng, vào mùa thu. Hai bên bờ đê của dòng sông này bây giờ tôi mới biết có rất nhiều đền, chùa cổ kính, thâm nghiêm. Những ngôi đền, ngôi chùa có từ hàng trăm, hàng nghìn năm xưa xa, màu ngói lợp, màu gạch, vôi thâm sì bởi thời gian. Và nét chữ tượng hình trong màu mực Tàu phủ bụi thời gian dường như lúc nào cũng bí ẩn, thấp thoáng ẩn hiện bóng hình tiền nhân thuở dựng nước, giữ nước.

(Baonghean) - Lần đầu tiên trong đời tôi đi dọc sông Hồng, vào mùa thu. Hai bên bờ đê của dòng sông này bây giờ tôi mới biết có rất nhiều đền, chùa cổ kính, thâm nghiêm. Những ngôi đền, ngôi chùa có từ hàng trăm, hàng nghìn năm xưa xa, màu ngói lợp, màu gạch, vôi thâm sì bởi thời gian. Và nét chữ tượng hình trong màu mực Tàu phủ bụi thời gian dường như lúc nào cũng bí ẩn, thấp thoáng ẩn hiện bóng hình tiền nhân thuở dựng nước, giữ nước.

Tôi phóng xe trên mặt đê... Lướt qua những ngôi chùa, ngôi đền nhỏ nhắn, khiêm nhường nép vào thân đê, mà ngoài kia, trải qua một bãi dâu xanh là sông Hồng cuộn đỏ, sóng vỗ nao lòng.


Dừng xe dưới bóng cây cổ thụ không biết bao nhiêu năm rồi miệt mài đổ bóng bên bờ đê sông Hồng. Nắng trưa thu hiu hắt, đường đê vắng lặng, người canh điếm trực canh đê mùa lũ rót cho tôi chén trà đặc quánh. Gió sông Hồng như thể gió nồm nam Quảng Trị quê tôi rười rượi. Người canh điếm tóc bạc phơ phất, trong đôi mắt ông tôi đọc được niềm ngẫm ngợi khi ông kể với tôi rằng ông vừa mới tiễn thằng cháu đích tôn ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Thấy tôi mặc quân phục, ông già hỏi: "Anh bộ đội đang đi công tác?". Tôi trả lời rằng đang đi trinh sát thu thập số liệu địa hình quân sự để báo cáo cấp trên. Ông già nói: "Tôi hơn 70 tuổi rồi, đã chứng kiến chiến tranh, hòa bình diễn ra trên một dọc quãng sông này. Nói thật với anh nhé, đích thị sông Hồng là một con sông có nhiều liên quan đến việc binh đao, chinh chiến". "Tại sao lại thế ạ?", tôi tò mò. Ông già chưa trả lời, tựa vào vách tường nhà trực canh đê, tường vôi úa loang lổ, rít một hơi thuốc lào giòn giã... Và kể từ đây, tôi xin được gọi ông là "ông già sông Hồng". "Tại sao thế ạ, thưa ông?", tôi sốt ruột. Ông già sông Hồng cười nhẹ: "Anh đi với tôi... Để xe máy đấy, không xa đâu".


Ông già sông Hồng dẫn tôi đi trên mặt đường đê, đến một quãng thấy có tấm biển nhỏ đề: "Đền Chương Dương" và mũi tên chỉ hướng đi. Và ngay lập tức, một câu thơ cổ đời Trần ngân lên trong ký ức tôi... Tôi nhớ một buổi chiều cách đây hơn 30 năm, thầy giáo tiểu học chủ nhiệm của tôi hôm ấy đến lớp với một bộ quân phục đã cũ. Lũ học trò chúng tôi quá bé để hiểu rằng đó là một sự kiện trọng đại. Nhưng tôi nhớ như in trong buổi chiều tà hôm ấy, thầy giáo chủ nhiệm đã giảng cho chúng tôi nghe bài thơ chữ Hán bất hủ (qua bản dịch tiếng Việt) của Trần Quang Khải:


Chương Dương cướp giáo giặc,

Hàm Tử bắt quân thù.

Thái bình nên gắng sức,

Non nước ấy ngàn thu.


Rồi thầy nói: "Ngày mai, thầy tái ngũ. Hôm nay là buổi học cuối cùng... Các em ạ, đất nước mình lại có chiến tranh, thầy được lệnh trở lại quân đội. Khi thầy trở về, chắc các em lớn rồi. Học giỏi và ngoan nhé, các em thân yêu của thầy...". Chúng tôi đã khóc... Thầy giáo chủ nhiệm cũng rươm rướm nước mắt. Thầy giáo của chúng tôi từng đi B, chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, hết chiến tranh thầy giải ngũ, trở về với quân hàm trung úy phục viên và một vết sẹo dài trên cánh tay. Sáng hôm sau, cả trường tiễn thầy lên đến huyện đội, xe ô tô đã chờ sΩn chở thầy và đồng đội thẳng ra biên giới phía Bắc. Và từ ấy đến nay, chúng tôi không hề có tin tức gì về thầy nữa?


Sân đền Chương Dương vắng lặng, lá thu vàng rải khắp lối đi lát gạch nâu trầm. Không gian thấm đẫm một màu huyền tích. Tôi như chú bé học trò tiểu học năm xưa, bồi hồi xúc động trước một niềm thành kính và linh thiêng!




Nhánh còn lại của "Cây đa hoa gạo" năm xưa.Ảnh: internet

Cây đa già nua, từng được mệnh danh là "cây đa hoa gạo" vẫn còn một nhánh tỏa bóng mát rượi xuống sân đền. Tương truyền, cách đây hơn 1.000 năm, đền Chương Dương khi đó là ngôi đình đã được lập từ thời Ngô Quyền, thờ Thành hoàng Dương Tam Kha, con trai Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Sau lễ khánh thành ngôi đình, dân làng cắm hai cành cây đa và cành cây gạo vốn để treo chiêng và treo trống xuống đất. Bãi sông Hồng phù sa màu mỡ, mưa bụi mùa xuân như rắc phấn đã làm hai cành cây đa, cây gạo bén rễ mọc lên quấn quýt bên nhau, lớn lên từng ngày. Rồi đến một ngày, rễ cây đa đã buông ôm trùm cây gạo. Đến tháng Ba hoa gạo nở rừng rực như một đám cháy bên sông, nhưng nhìn từ xa chẳng ai thấy cây gạo đâu cả, chỉ thấy:


Cây đa hoa gạo thắm tươi,

Chương Dương bến cũ thuyền xuôi thuận dòng.


Cho đến mùa Hè năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai,Trần Quang Khải chỉ huy quân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên Mông tại bến sông này, ngôi đình được chuyển thành đền Chương Dương, thờ các vị danh tướng Đại Việt có công với nước. Chỉ trong vòng hai tháng của mùa Hè năm 1285, quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vua Trần Nhân Tông đã tiến hành "cuộc chiến tranh nhân dân", từ chỗ bị bao vây, truy đuổi phải rút lui, đã đánh thắng liên tiếp hai trận Hàm Tử Quan, Chương Dương Độ trên sông Hồng, tổ chức phản công chiến lược làm xoay chuyển tình thế, giành lại độc lập, chủ quyền. Tướng giặc Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho quan quân khiêng chạy về bên kia biên giới!


Ông già sông Hồng lại dẫn tôi ra bến Chương Dương, chỉ cách ngôi đền chừng ba trăm mét. Một con đường nhỏ xẻ chếch thân đê lao thẳng xuống mép nước sông Hồng. Bến đò nhỏ khuất giữa những lũy tre xanh ken dày, bình lặng như bao bến đò sông nước đất Việt mà tôi từng đến. Cũng như ở ngôi đền Chương Dương, chẳng có một dấu tích gì để tôi có thể nhận ra rằng 727 năm trước, nơi đây là chiến trường giao tranh ác liệt. Nơi đây, trong một sớm mai nắng hè xao xuyến, quân Đại Việt trên những chiến thuyền gỗ nhỏ thuôn dài, dũng mãnh xông lên, cánh tay thích hai chữ "Sát Thát" với lòng yêu nước như máu sôi trong từng huyết quản, quyết đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.


Trưa nắng vàng thu man mác, gió sông Hồng u ẩn. Khách lên đò thưa thớt. Qua bến đò này là có thể đặt chân lên đất Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông già sông Hồng chỉ cho tôi: "Hàm Tử Quan kia kìa, anh bộ đội, qua đò này là đến nơi thôi!". Theo hướng tay ông già, chếch lên phía thượng nguồn sông Hồng phía tả ngạn, tôi nhìn thấy một bờ bãi thẫm xanh mờ trong làn hơi nước trắng. Tôi biết, đấy là nơi sông Hồng bỗng thắt lại, lòng sông hẹp, nước chảy xiết, địa hình hiểm trở nên quân Nguyên Mông chọn lập cứ điểm phòng thủ từ xa cho kinh thành Thăng Long lúc này đã chiếm giữ. Ông già sông Hồng nói: "Tôi nhớ cách đây chừng chục năm, tại chính bến sông này đã đào được rất nhiều hài cốt. Nhiều chỗ có 2 hộp sọ người mà chỉ có một bộ xương. Có lẽ là hài cốt các chiến binh Đại Việt xưa đã được đồng đội chôn cất tại chính nơi họ nằm xuống. Đến ngày 10 tháng 8 âm lịch, mời anh về dự hội làng, có đua thuyền rồng, vui lắm...".


Tích xưa nói rằng, cứ ba trăm năm thì biển xanh hóa thành ruộng dâu. Tôi nhìn ra bến bãi sông Hồng, những bãi dâu xanh trải dài, chen lẫn những cồn cát được sà lan hút lên từ lòng sông trầm tích. Thuở khai sinh lập địa, nơi này cũng là biển cả hay sao? Tiếng ông già sông Hồng phảng phất trong tiếng sóng dòng sông đỏ thẫm phù sa: "Tôi không chứng kiến nhưng mấy năm trước được nghe bà con kháo nhau rằng, dân cửu vạn đã nhặt được các mũi tên bịt sắt, lưỡi giáo, mác trong những núi cát được sà lan hút lên từ lòng sông Hồng...". Ôi, nếu đúng như thế thì sông Hồng-con sông Cái của Đại Việt thật vĩ đại, sông lưu giữ hết mọi ký ức của thời đại, và không một điều gì có thể bị quên lãng!


Ông già sông Hồng đã trở lại vị trí canh trực của ông trên mặt đê lúc này đã bắt đầu tấp nập bởi các xe tải chở cát và vật liệu xây dựng. Một công việc phát sinh thêm cho ông già là ngăn chặn những chuyến xe tải quá nặng không được chạy trên mặt đê nhằm giữ an toàn cho đê không bị các tải trọng quá lớn làm ảnh hưởng cường độ chịu lực.


Chỉ còn lại mình tôi trong sân đền Chương Dương im ắng. Những đốm nắng mùa thu rơi rụng và lá vàng rải khắp. Tôi nâng lưỡi giáo sắt đã gỉ sét, thận trọng đặt bên am thờ nhỏ dưới gốc đa hoa gạo, rồi thắp lên một nén nhang. Lưỡi giáo của chiến binh Đại Việt, không biết có phải từ thời đánh giặc Nguyên Mông hay là từ thời An Dương Vương giữ thành Cổ Loa, lạnh băng và trĩu nặng. Tựa lưng vào gốc đa hoa gạo, tôi cảm giác như được chạm vào một dòng nguồn mạch linh thiêng. Và, tôi nhìn thấy... tôi bước lên chiến thuyền gỗ thuôn dài, các tráng binh đã xếp hàng đầy đủ. Chủ tướng của tôi lưng thắt dải lụa đỏ, lưỡi giáo sáng trưng lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời, oai vệ trên chiến thuyền chỉ huy. Mấy hôm nay tôi đã nghe các bô lão trong làng và các tướng quân bàn bạc trận này quyết sống mái với quân thù! Làng mở hội khao quân, chum rượu gạo quý của làng đã được các cụ bô lão cho khiêng ra sân đình. Mọi người chuyền nhau bát rượu gạo quê say nồng... Có điều gì lưu luyến lắm khiến tôi đưa mắt lên bờ, và tôi nhìn thấy nàng trong rất đông người ra bờ sông tiễn đại quân đi chiến đấu. Nàng đi như chạy trên bờ đê xiêu xiêu... Nàng gọi tên tôi... Ôi, nàng! Người con gái Kinh Bắc tôi thầm thương trộm nhớ. Nàng đã đến đây bằng cách nào, đường xa vạn dặm. Tôi đứng vụt dậy trên chiến thuyền tròng trành, chỉ kịp hét to với nàng một câu thương mến, rằng nàng hãy về quê chăm sóc mẹ già, tôi đi đánh giặc trận này là trận cuối cùng, rồi sẽ về ngỏ lời với em... Chủ tướng ra lệnh, chiến thuyền vút đi trên sông Hồng dậy sóng.


Giấc mơ bất chợt ở đền Chương Dương đã ám ảnh tôi một thời gian dài. Nhất là những lúc cuối mỗi buổi chiều hết giờ làm việc, tôi từ phố Phan Đình Phùng sang Tư Đình, phóng xe trên cầu Chương Dương, cầu Long Biên, đi qua sông Hồng vào mùa nước lũ dâng cao. Nước sông Hồng đỏ ngầu dâng lên mấp mé, rồi ngập dần bãi giữa mà tôi biết, nơi ấy từng là trận địa phòng không, nơi quân ta bố trí cao xạ, tên lửa quật ngã máy bay Mỹ vào mùa đông 1972. Và trước đó nữa, đêm 17/2/1947, đại quân âm thầm tổ chức cuộc rút lui chiến lược, rút qua sông Hồng, "người ra đi đầu không ngoảnh lại", để lại một Thăng Long-Hà Nội u hoài, đau thương dưới gót giày quân xâm lược. Để rồi 8 năm sau đó từ năm cửa ô quân ta ào ạt tiến về giải phóng Thủ đô.

Sông Hồng là nơi chia ly và cũng là nơi đoàn tụ, con sông thần thánh của nước Đại Việt cùng những đền, chùa, miếu mạo nằm ẩn khuất dọc hai triền đê hữu, tả, là một thành trì vững chãi... Và tôi, không hiểu sao không thể dứt được cái ý nghĩ mang bệnh nghề nghiệp nhà binh của tôi rằng, trong tâm khảm của mỗi người dân Việt, những ngôi chùa, ngôi đền, miếu mạo ấy, chính là các "đồn trú", "cứ điểm" chốt giữ ở những vị trí hiểm yếu trên hệ thống công sự, vật cản phòng tuyến sông Hồng. Ở đó, lưu giữ ký ức, kỷ niệm của lớp lớp người Việt mà khi cần sẽ chuyển thành sức mạnh vô bờ, khôn tả của lòng yêu nước, thương nòi quyết gìn giữ nền độc lập. Ngôi đền Chương Dương ở thôn Chương Dương 2, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội vào buổi trưa huyền hoặc hôm ấy còn lưu giữ một giấc mơ tuyệt vời của tôi nữa... Trong suốt một mùa thu Hà Nội, tôi mong được gặp lại giấc mơ ấy, để biết mình có còn sống mà trở về từ trận huyết chiến đẫm máu trên sông Hồng truy đuổi quân Nguyên Mông? Và nàng, người con gái Kinh Bắc tôi thầm thương trộm nhớ ấy, có còn chờ đợi tôi nữa hay không?!


Hà Nội, mùa Thu năm 2012


Trần Hoài (Hà Nội)