Bài toán khó

17/09/2012 17:44

Trong khi nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề do lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày đang bị người dân xả ra khắp nơi, từ ngõ nhà, đường làng, ngõ xóm đến kênh mương, ao hồ…, thì ở một số địa phương nông thôn trên địa bàn tỉnh, việc thu gom rác thải đã được duy trì từ nhiều năm nay, tạo được mỹ quan cho xóm làng. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp, ý thức nhân rộng những điển hình làm tốt.

(Baonghean) - Trong khi nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề do lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày đang bị người dân xả ra khắp nơi, từ ngõ nhà, đường làng, ngõ xóm đến kênh mương, ao hồ…, thì ở một số địa phương nông thôn trên địa bàn tỉnh, việc thu gom rác thải đã được duy trì từ nhiều năm nay, tạo được mỹ quan cho xóm làng. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp, ý thức nhân rộng những điển hình làm tốt.

Ở xã Sơn Thành (Yên Thành) từ lâu không còn tình trạng rác thải, túi ni lông, chai lọ vứt bừa bãi và các điểm tập kết rác thải tự phát. Anh Lê Văn Du, ở xóm 10, cho biết: “Mỗi gia đình đều có hố rác trong vườn để phân loại rác, loại mô phân hủy được thì các gia đình tự xử lý, loại mô nào không phân hủy được thì tập kết lại, tuần 2 lần tiểu ban bảo vệ môi trường của xóm đi thu gom từng gia đình đưa ra bãi tập kết chung của xóm. Gia đình mô phân loại rác đúng và xử lý tốt sẽ được biểu dương, ngược lại, gia đình mô mà thu gom, xử lý và phân loại không đúng hay đổ rác không đúng nơi quy định thì bị phê bình trên loa phát thanh của xóm, đài phát thanh của xã và bị xử phạt hành chính. Do đó ai cũng lo mà làm cho đúng, không bị nhắc nhở nhiều”.



Thu gom rác thải ở xã Nghi Xuân (Nghi Lộc)

Với sự dày công chuẩn bị, từ nghị quyết đến kế hoạch triển khai, xã Sơn Thành đã thành lập Ban chỉ đạo và ở 19/19 xóm thành lập tiểu ban bảo vệ môi trường, gồm xóm trưởng, y tế xóm, trong đó phụ nữ có vai trò chủ công trong việc tuyên truyền cũng như thu gom, xử lý rác thải ở các xóm. Vào ngày 18 và 30 hàng tháng, toàn xã tổ chức tổng vệ sinh; còn thứ 7 hay Chủ nhật hàng tuần, ở từng xóm, từng tổ liên gia nếu thấy khu vực mình bẩn thì làm vệ sinh để đảm bảo sạch sẽ. Chị Lê Thị Nguyên – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Thành, cho biết: Thông thường, khu vực giáp ranh giữa các xã có những bãi rác thải tự phát, cho nên, ngoài việc đảm bảo vệ sinh trong nội xã, xã cũng đã giao cho lực lượng công an xã và cán bộ, công chức xã trực chiến phòng chống lụt bão, cháy rừng hàng ngày có trách nhiệm tuần tra, giám sát thường xuyên, không để người dân các xã giáp ranh đổ rác vào địa bàn. Xã cũng quy định ở mỗi xóm có 2 người bảo vệ đồng ruộng có nhiệm vụ thu gom các loại bao bì, chai lọ do nông dân bỏ sót lại trên đồng ruộng. Nhờ đó, môi trường ở xã Sơn Thành hôm nay đã thật sạch từ trong từng gia đình đến ngoài công cộng.

Đến xã Nam Cát (Nam Đàn), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những tuyến đường, từ tuyến đường chính dẫn vào trung tâm xã đến các trục đường nội xóm, liên xóm đều rất sạch. Bà Lê Thị Nhung, xóm Thọ Mới, cho hay: “Các gia đình đều phải có ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh chung và láng giềng có trách nhiệm giám sát lẫn nhau”. Chủ tịch UBND xã Nam Cát cho biết: Công tác bảo vệ môi trường được xã xây dựng hẳn một đề án cùng với phong trào “5 không, 3 sạch” do Hội Phụ nữ phát động và thực hiện rất tốt. Thời gian qua, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã tập trung giải quyết được các vấn đề môi trường ở các khu vực công cộng… Các hộ dân rất đồng tình ủng hộ và chấp hành chủ trương của xã, đồng thời đóng góp mỗi khẩu 1.500 đồng/tháng (đối với gia đình sản xuất nông nghiệp) và 10, 20, 30, thậm chí là 50 nghìn đồng/tháng đối với các hộ tham gia dịch vụ, kinh doanh buôn bán, làm trang trại. Từ nguồn thu được này, cộng với nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho công tác đảm bảo môi trường ở địa phương để phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn xã và trả công cho những người trực tiếp gom rác thải ở các xóm. Hàng tháng, vào ngày 28, 29, Hội Phụ nữ và Trạm Y tế xã đứng ra chủ trì tổ chức cho toàn dân làm vệ sinh và xử lý môi trường ở những khu vực công cộng. Hiện tại, Nam Cát đang tiếp tục chỉ đạo gắn việc mở mang hệ thống đường GTNT và làm bê tông theo tiêu chí nông thôn mới với việc xây dựng hệ thống thoát nước thải 2 bên đường để dẫn thẳng ra đồng, kế hoạch hết năm 2012 này các xóm sẽ hoàn thành...

Nhiều địa phương khác trong tỉnh như xã Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc), xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương), xã Tân Phú (Tân Kỳ), Tây Thành, Đô Thành (Yên Thành)… cũng đã triển khai việc thu gom rác thải có hiệu quả, đạt trên 80% rác thải được thu gom, không có tình trạng rác ứ đọng, gây ô nhiễm cho chính người dân. Qua tìm hiểu thực tế ở các địa phương làm tốt công tác thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh cho thấy, trước hết do công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể; lấy hội phụ nữ và trạm y tế làm nòng cốt; có chủ trương hợp lòng dân nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ.

Huyện Yên Thành là địa phương làm tốt công tác thu gom rác thải với hầu hết các xã, thị trấn triển khai đạt tỷ lệ thu gom rác thải rắn trên địa bàn toàn huyện là 77% hiện cũng đang chủ yếu xử lý rác bằng phương pháp đốt. Có xã thì các gia đình tự phân loại rác để đốt tại chỗ trong từng gia đình; có xã thì thành lập tổ, đội thu gom rác vận chuyển tập kết tập trung ở một khu vực đất trống hoặc bãi rác thải tạm thời của xóm, của xã rồi đốt. Được biết, hiện tại 20/39 xã, thị trấn của Yên Thành đang tiến hành xây dựng bãi rác thải tập trung nhưng chưa hoàn thành và 6 xã chưa có bãi rác thải tập trung mà mới chỉ bố trí các hố rác thải ở các xóm. Riêng bãi rác tập trung của huyện được quy hoạch ban đầu đã ảnh hưởng đến nguồn nước và người dân nên đang xin được chọn lại địa điểm khác.

Như vậy, có thể thấy việc xử lý rác thải đang là một vấn đề nan giải. Đồng thời, về nguyên tắc, xử lý rác thải, không cho phép dùng biện pháp đốt mà chỉ có thể áp dụng theo nguyên tắc “3R”, đó là giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng. Nhưng ngoại trừ Thành phố Vinh và một số địa phương phụ cận thành phố thuộc các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc (được UBND tỉnh chấp thuận) rác thải được thu gom, vận chuyển và xử lý tại bãi rác Nghi Yên thì tình trạng đốt rác để xử lý đang diễn ra rất nhiều ở các địa phương. Việc áp dụng biện pháp đốt này ở mặt tích cực nào đó là làm giảm tải về mặt cơ học khối lượng rác thải hữu cơ, túi ni lông, các chất dẻo, nhưng lại tạo ra môi trường không khí dẫn xuất diôxin cực độc. Hay như việc chôn lấp cũng gây ra ô nhiễm nước ngầm và nước bề mặt, trong khi đa số người dân ở vùng nông thôn chủ yếu đang sử dụng nguồn nước ngầm để sinh hoạt. Như vậy, việc áp dụng các biện pháp xử lý rác thải ở các địa phương bằng hình thức đốt hoặc chôn lấp là thiếu khoa học và không được phép thực hiện. Thực tế, nhiều địa phương đã có quy hoạch bãi rác tập trung nhưng vẫn chưa bố trí được diện tích đất và thiếu kinh phí xây dựng. Riêng bãi rác tập trung cấp huyện, hầu hết các huyện đã có quy hoạch nhưng do chưa lựa chọn được địa điểm hoặc phải thay đổi địa điểm; có địa phương thì chậm giải phóng mặt bằng và chậm triển khai thi công bởi nguồn kinh phí chưa có (ngoại trừ một số huyện Tân Kỳ, Quỳnh Lưu đã xây dựng xong bãi rác). Thậm chí, hiện tại các huyện Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Con Cuông chưa quy hoạch được bãi rác thải. Chính vấn đề này đang tạo mâu thuẫn và lúng túng cho các địa phương trong công tác thu gom, xử lý rác thải. Tìm giải pháp thu gom, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn đang là bài toán khó của các địa phương trong tỉnh.

Để giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn một cách đồng bộ, hiệu quả, khoa học và đảm bảo môi trường, tỉnh cần đẩy mạnh và ưu tiên nguồn ngân sách cho công tác xây dựng các bãi xử lý rác hợp vệ sinh ở tất cả các huyện, đồng thời có giải pháp cho các huyện chưa tìm được địa điểm quy hoạch bãi rác. Quan tâm tạo ra cơ chế, chính sách nhằm thu hút các dự án tham gia chế biến rác, có thể các doanh nghiệp này cũng được hưởng lợi như các doanh nghiệp hoạt động công ích về môi trường, bởi các máy móc, thiết bị ở lĩnh vực này vừa có giá thành cao, vừa tuổi thọ sử dụng ít do tiếp xúc với rác có tính a xít, độ mặn cao, trong khi đó hoạt động trong lĩnh vực này lãi suất kinh doanh không nhiều. Mặt khác, như chúng ta đều biết, túi ni lông là loại rác hiện đang chiếm dụng quỹ đất rất lớn, cho nên vấn đề đặt ra là cần hạn chế thói quen sử dụng túi ni lông trong nhân dân. Vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn, nhằm hạn chế các loại rác hữu cơ phân hủy được đổ vào môi trường chung mà có thể chôn lấp trong khu vườn của từng gia đình, trả lại vòng tuần hoàn của rác. Đẩy mạnh việc áp dụng mô hình quản lý rác thải “3R” nhằm giảm thiểu sử dụng diện tích đất công cộng cho xây dựng bãi rác. Để làm được việc này cần huy động các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở như phụ nữ, đoàn thanh niên, nông dân, cựu chiến binh… trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.


Mai Hoa