Nghệ An với nền giáo dục cách mạng ở miền Nam trước 1975

03/10/2012 18:12

(Baonghean) - Từ tháng 10/1962, trước yêu cầu phát triển của cách mạng, Tiểu ban Giáo dục miền Nam, trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung...

(Baonghean) - Từ tháng 10/1962, trước yêu cầu phát triển của cách mạng, Tiểu ban Giáo dục miền Nam, trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục ra đời với nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục cách mạng. Các nhà giáo yêu nước ở miền Nam kết hợp với gần 3.000 nhà giáo, những cán bộ ưu tú được đào tạo từ miền Bắc bổ sung vào chiến trường, đã cùng quân và dân miền Nam xây dựng nền giáo dục cách mạng, trực tiếp đào tạo thế hệ trẻ miền Nam có tri thức, có tinh thần yêu nước, góp phần to lớn vào việc nâng cao tiềm lực của cách mạng miền Nam.

Ngay từ khi tiểu ban được thành lập, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã gửi những thầy cô giáo ưu tú đi đào tạo ở Trường cán bộ của Bộ Giáo dục, của Uỷ ban thống nhất để tăng cường chi viện cho miền Nam. Hơn 200 nhà giáo Nghệ An đã có mặt hầu khắp các chiến trường, từ cơ quan Tiểu ban Giáo dục giải phóng Trung ương Cục đến các tiểu ban giáo dục ở các khu Tây, Trung Nam bộ, ở chiến trường Khu 5, ở Bình Trị Thiên, ở ven đô Sài Gòn - Gia Định. Họ không những trực tiếp giảng dạy các lớp thiếu sinh quân mà còn trực tiếp bám dân, bám đất, xây dựng phong trào, cùng quân dân miền Nam trực tiếp cầm súng kháng chiến.

Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với địch, 14 nhà giáo đã hy sinh anh dũng, nhiều nhà giáo bị thương, để lại một phần cơ thể ở chiến trường. Nhà giáo Trần Đạo (bí danh Sáu Thành) nguyên Trưởng ty Giáo dục Nghệ An, xung phong vào Nam đợt đầu 1964, vào chiến trường Nam bộ, được bổ sung vào Uỷ viên Tiểu ban Giáo dục miền Nam. Trong một lần về chỉ đạo ở khu Sài Gòn - Gia Đình, đã trực tiếp cầm súng chống càn và hy sinh vào ngày 20/11/1968 tại Củ Chi. Cô giáo Lê Thị Bạch Cát, người con gái của Nghi Hương (Cửa Lò), vừa tốt nghiệp đại học xong xung phong đi Nam, được phân công về Tiểu ban Giáo dục Sài Gòn - Gia Định, tham gia Ban lãnh đạo Thành đoàn. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, cô đã lãnh đạo một đội biệt động tiến sâu vào nội thành, chiến đấu và hy sinh rất anh dũng. Ngay sau ngày 30/4/1975, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Sài Gòn - Gia Định (TP Hồ Chí Minh) đã biểu dương gương chiến đấu anh hùng của cô và lấy tên Lê Thị Bạch Cát đặt tên cho một con đường của thành phố mang tên Bác. Nhà giáo Nguyễn Hồng (Yên Thành) hy sinh ở Cần Thơ; Kiều Ngọc Thất, Văn Đức Yến, Nguyễn Văn Đào hy sinh ở miền Đông Nam bộ… Nhà giáo Chu Văn Cấp (bí danh là Chu Thành Nghệ, nhân dân Mỹ Tho thường gọi thầy Ba Nghệ) vào chiến trường Mỹ Tho năm 1965, trực tiếp làm Trưởng tiểu ban Giáo dục tỉnh. Trong một trận địch vào căn cứ, bị bắt giải qua 7 nhà lao ở đất liền, bị tra tấn dã man nhưng nhà giáo Chu Văn Cấp vẫn kiên quyết không khai báo nên bị đày ra Côn Đảo, ở cùng khám với người tử tù cộng sản nổi tiếng Lê Quang Vịnh… Nhiều nhà giáo Nghệ An đã trưởng thành trong bom đạn ác liệt, trong đói cơm thiếu muối, trở thành những cán bộ tin cậy ở các cơ quan Đảng, mặt trận ở miền Nam và ở các địa phương. Tiêu biểu là nhà giáo Nguyễn Hữu Dụng (quê Nam Đàn), nguyên là cán bộ Nam tiến thời kỳ chống Pháp, là Vụ trưởng Vụ Phổ thông ở miền Bắc, được cử đi B năm 1964, vào bổ sung làm Trưởng tiểu ban Giáo dục miền Nam, Uỷ viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, nêu gương là người anh cả mẫu mực ở chiến khu, tận tụy, liêm khiết và sống có tiết tháo. Sau năm 1975, ông ra Bắc làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Ở cơ quan Tiểu ban Giáo dục miền Nam (sau 1969 là Bộ Giáo dục Giải phóng) còn có các nhà giáo Phan Văn Hoan (Hoa Thành) - Phó Văn phòng Bộ, Ngô Đức Tiến - cán bộ phòng Tuyên huấn tổng hợp, viết bài cho buổi phát thanh giải phóng vào tuối thứ 4, thứ 6 hàng tuần, có Võ Minh Huệ ở phòng Tổ chức…

Hơn 200 nhà giáo Nghệ An được cử đi B trong những năm chống Mỹ cứu nước, có người đã nằm lại các chiến trường, có người còn ở lại công tác ở chiến trường cũ, có người trở về quê hương, nhưng ai cũng chung ý nghĩ, những năm tháng hoạt động giáo dục ở chiến trường miền Nam là những năm tháng của tuổi thanh xuân cao đẹp của đời mình. Nhờ vậy, sau ngày miền Nam được giải phóng, dù công tác ở đâu, lĩnh vực nào, những nhà giáo chiến sỹ ngày ấy vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vẫn luôn nhớ về nhau, cả người đã khuất và người còn sống, nhắc nhau nhớ về nguồn, về Tiểu ban Giáo dục miền Nam 50 năm ấy (1962 - 2012), với niềm tự hào chính đáng: Nghệ An đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục giải phóng.


Ngô Đức Tiến