Sức nặng của lá phiếu

14/10/2012 15:32

(Baonghean) Thế là Quốc hội đã thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm của các vị đại biểu quốc hội và HĐND đối với các chức danh được Quốc hội và HĐND tiến cử hoặc phê chuẩn.

Theo kết luận của hội nghị thì chức danh nào nhận được 70% số phiếu không tín nhiệm ở lần thăm dò thứ nhất hoặc 50% trở lên số phiếu không tín nhiệm ở cả 2 lần thăm dò thì Quốc hội sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm với chức danh đó, hoặc có ý kiến nói là chức danh đó nên tự nguyện từ chức! Nói tóm lại, từ đây vai trò và vị trí của đại biểu Quốc hội và HĐND đã được nâng lên một bước.

Ai cũng biết, khi vai trò vị trí một cơ quan, một tổ chức được nâng cao thì đi đôi với nó là vấn đề trách nhiệm của cơ quan tổ chức đó sẽ nặng nề hơn. Từ đây, nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải có "con mắt xanh" để nhìn và đánh giá phẩm chất, năng lực các chức danh trong hệ thống tổ chức cán bộ. Đó là việc hoàn toàn không dễ dàng.

Xưa nay, ai cũng biết, xét việc vốn khó, xét người khó hơn! Các đại biểu Quốc hội và HĐND được cử tri cả nước tín nhiệm và tin tưởng, thêm một lần nữa, hẳn các vị sẽ phải phát huy hết năng lực, phẩm chất của mình để thay mặt nhân dân bỏ lá phiếu tín nhiệm đối với các chức danh một cách vô tư, khách quan, khoa học, chính xác. Nhân dân mong mỏi có một hệ thống cán bộ đức trọng, tài cao để đưa đất nước đến giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh một phần cũng phụ thuộc vào lá phiếu của các vị! Vấn đề của các vị đại biểu Quốc hội là vấn đề trách nhiệm chứ không hẳn là vấn đề quyền lực. Cái quyền cao nhất, khó nhất ở cuộc đời này là quyền xét người, đánh giá người, sử dụng người đã thuộc về nhân dân, thông qua lá phiếu của các vị đại biểu Quốc hội vì các vị là đại biểu do dân bầu ra. Sự sáng suốt của các vị chính là sự sáng suốt của nhân dân là vì thế!

Nhớ lại những lần có chủ trương giảm biên chế trước đây, trong dân gian lưu hành câu chuyện "Răng sâu không nhổ lại nhổ răng lành"! Bỏ phiếu tín nhiệm lần này, chúng ta cố gắng không để xảy ra những chuyện tiếu lâm đáng cười như thế! Lại có một truyện truyền kỳ được kể từ xưa. Quan tể tướng ngồi cạnh vua ở bờ biển. Tể tướng nhìn thấy một chiếc thuyền đánh cá nhấp nhô ở phía chân trời. Vua bảo: "Làm gì có!". Tể tướng lại nhìn thấy một tên cướp biển xuất hiện ở chân trời. Vua lại bảo "Làm gì có!". Tể tướng nhìn thấy gì, vua cũng đều không thấy vì "tầm nhìn xa "của tể tướng trên 10km, trong khi "tầm nhìn xa" của vua chỉ là 4 km trong mưa!

Như vậy, trước một sự thực xảy ra trên biển, nếu bỏ phiếu cho sự thực ấy thì lá phiếu của vua và tể tướng bao giờ cũng khác nhau. Các đại biểu Quốc hội thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm cho một chức danh nào đó có ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói: Gặp phải cái anh đi họp đều đặn, không nói gì, không phạm khuyết điểm gì, công việc cứ làng nhàng, bỏ phiếu tín nhiệm cho anh ta như thế nào? Khó chứ chẳng chơi! Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội ở các địa phương làm gì có điều kiện đi sâu, đi sát để có hiểu biết cặn kẽ về một đồng chí cán bộ đang hoạt động ở Trung ương? Vậy, làm sao để bỏ lá phiếu tín nhiệm của mình cho chính xác...?

Lá phiếu tín nhiệm có sức nặng của nó! Sức nặng đó lại đang đè lên vai chính các vị đại biểu Quốc hội với ý thức trách nhiệm cao cả là góp phần chọn lọc đội ngũ cán bộ ưu tú để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân và đất nước.


Thạch Quỳ