"Khung" nào cho đám cưới?

12/10/2012 20:58

(Baonghean) Trong đời mỗi một con người, thường chỉ một lần làm đám cưới, ai cũng muốn lễ cưới được tổ chức sang trọng, chu đáo, cho "bằng chị bằng em". Vậy nên, nhà giàu đã đành, nhà nghèo cũng cố gắng vay mượn để lo cho đám cưới tươm tất, dù sau đó, phải " kéo cày trả nợ".

Nhằm đưa việc cưới vào nền nếp, tránh lãng phí, tốn kém, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 27 về "thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội". Và, trong Điều 19 về Những điều đảng viên không được làm có đưa nội dung này vào. Trong quy ước, hương ước của các xã, phường, thị trấn thực hiện xây dựng đời sống văn hóa mới cũng có quy định về việc cưới theo nếp sống mới. Vấn đề cưới hỏi đã làm tốn không ít giấy mực và được nhắc nhiều trên các diễn đàn, từ hội trường đến thông tin vỉa hè, tất cả với mong muốn việc cưới được đơn giản hóa, đỡ phiền hà, tốn kém, đám cưới không bị thương mại hóa. Vậy, nguyên nhân vì sao một chủ trương của Đảng - ý Đảng đã hợp lòng dân, lại không đi được vào cuộc sống?


Điều dễ hiểu, là vẫn còn nhiều đám cưới rình rang, phô trương, lãng phí của không ít gia đình cán bộ đảng viên, những cán bộ có chức quyền. Dù trên diễn đàn, họ vẫn thường thuyết giảng về xây dựng nếp sống văn hóa mới, về thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí, phiền hà; sống và làm việc theo pháp luật..., song bản thân lại thiếu gương mẫu, nên dù đã có chỉ thị, quy định,...nhưng mấy người thực hiện.


Mới đây, ngày 3/10/2012, BTV Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 11 về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Sở dĩ Hà Nội đưa ra dự thảo này do hiện vẫn còn nhiều cán bộ không gương mẫu trong tổ chức tiệc cưới cho bản thân, con em trong gia đình, gây lãng phí, tốn kém. Chỉ thị có quy định "khung": "...cán bộ, đảng viên đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải gương mẫu chấp hành trong việc tổ chức cưới cho con, hay cho bản thân. Khách mời dự tiệc cưới không được quá 300 người, số mâm không quá 50, nếu tổ chức chung nhà trai nhà gái thì không được mời quá 600 khách". Chị thị cũng quy định rõ cán bộ, đảng viên không được tổ chức đám cưới ở nơi sang trọng xa hoa, đắt tiền không phù hợp với điều kiện chung của nhân dân như khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp.


Khoan hãy bàn về tính khả thi cũng như hiệu quả của chỉ thị này, điều đáng bàn là Thành ủy Hà Nội đã quyết tâm làm một việc mà theo tôi là rất khó hiện nay, là việc làm đáng hoan nghênh! Nói khó là bởi... rất khó thực hiện, nhất là với những cán bộ có chức quyền, có nhiều mối quan hệ thân bằng quyến thuộc (yếu tố chủ quan). Khó là bởi, nếu được mời, ai dám không đến dự đám cưới để chúc phúc cho đôi bạn trẻ - dù thân hay sơ (yếu tố khách quan). Khó nữa, ai là người kiểm soát, giám sát, ai đếm số người, mâm cỗ cưới ? Nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả đi vào cuộc sống của chỉ thị này. Nhưng dù sao, đó là thái độ kiên quyết đối với thói lãng phí, phiền hà, phô trương của nhiều đám cưới, nhất là của con em cán bộ có chức quyền, có địa vị xã hội của Thủ đô! Điều này đồng nghĩa đòi hỏi quyết tâm rất cao, từ sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là những người đứng đầu, cũng như chế tài xử phạt!


Đám cưới, suy cho cùng là chuyện riêng mỗi gia đình. Việc tổ chức thế nào, mời bao nhiêu thực khách khó có thể "định khung" được, mời 300 hay mấy trăm người còn tùy thuộc vào mối quan hệ họ hàng thân tộc, quan hệ xã hội, quan hệ công tác; lại càng phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người, nhất là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có chức quyền. Nếu cán bộ không gương mẫu, cơ quan chức năng và người đứng đầu không kiên quyết, e rằng, chỉ thị khó đi vào cuộc sống.


Ở tỉnh ta, việc thực hiện cưới theo nếp sống mới, đã được bao nhiêu đám? Có chăng, đó chỉ là một số "mô hình" điểm! Tổ chức Đoàn luôn kêu gọi ĐVTN thực hiện cưới theo nếp sống mới, nhưng nhiều "thủ lĩnh" của Đoàn lại không gương mẫu, đã tổ chức đám cưới linh đình! Mùa cưới, vào những ngày lành tháng tốt, tại những khách sạn sang trọng, từ Thành phố Vinh cho đến thị trấn, huyện, lỵ, nhiều đám cưới được tổ chức "hoành tráng", ô tô "xịn" xếp thành hàng, thành dãy dài, người dự đám cưới như nêm. Thử hỏi, đó là đám cưới của ai, nếu không phải là của gia đình một số cán bộ có chức quyền, có địa vị trong xã hội...?!


Sao Biển