Còn buông lỏng quản lý
Trong khi khu vực thành thị đang hướng đến xây dựng các nhà thuốc đạt chuẩn GPP (chủ nhà thuốc phải có chứng chỉ hành nghề dược và phải có mặt tại cửa hàng trong thời gian hoạt động; nhân viên bán thuốc phải có bằng chuyên môn dược; khu vực bán có diện tích tối thiểu là 10m2...) thì ở các phiên chợ vùng nông thôn, chỉ với khoảng dăm chục loại thuốc chữa bệnh bày trên chiếc bàn gỗ, thùng xốp hay tấm nilon trải dưới đất, thế là một "hiệu thuốc" có thể hành nghề. Điều đáng nói là, việc bán thuốc này đang diễn ra một cách công khai, nhưng lại không thấy bóng dáng của lực lượng thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường xử phạt hành vi kinh doanh thuốc trái phép này.
(Baonghean) - Trong khi khu vực thành thị đang hướng đến xây dựng các nhà thuốc đạt chuẩn GPP (chủ nhà thuốc phải có chứng chỉ hành nghề dược và phải có mặt tại cửa hàng trong thời gian hoạt động; nhân viên bán thuốc phải có bằng chuyên môn dược; khu vực bán có diện tích tối thiểu là 10m2...) thì ở các phiên chợ vùng nông thôn, chỉ với khoảng dăm chục loại thuốc chữa bệnh bày trên chiếc bàn gỗ, thùng xốp hay tấm nilon trải dưới đất, thế là một "hiệu thuốc" có thể hành nghề. Điều đáng nói là, việc bán thuốc này đang diễn ra một cách công khai, nhưng lại không thấy bóng dáng của lực lượng thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường xử phạt hành vi kinh doanh thuốc trái phép này.
Có mặt tại chợ Đò - xã Nam Cường (Nam Đàn), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy thuốc tân dược được bày bán tràn lan bên cạnh những mặt hàng rau quả, thực phẩm và quần áo. Hỏi ra mới biết, hoạt động kinh doanh thuốc chữa bệnh tại chợ này đã diễn ra từ lâu và "bình thường" như mua bán mớ rau, con cá vậy. Người mua chỉ cần kể bệnh là người bán đưa ngay thuốc và hướng dẫn qua loa cách sử dụng. Tại phiên chợ này, chúng tôi đếm được 4 quầy thuốc "3 không” (không giấy phép kinh doanh, không niêm yết giá, không có đơn thuốc của bác sỹ) đang bày bán công khai. Trong vai một người bệnh, đến “quầy thuốc” của một bà chủ hàng đã đứng tuổi hỏi mua thuốc nóng sốt, ho có đờm - không cần hỏi thêm về triệu chứng hay thể trạng của người mua thuốc, bà chủ cửa hàng nhanh tay gói cho 3 loại gồm 10 gói dạng bột và một chai dạng siro. Khi được hỏi uống thuốc này vào lúc nào thì bà chủ mới hướng dẫn: “Trước hay sau bữa ăn đều được cả, cứ theo chỉ dẫn in trên bao bì mà uống, nếu không thấy đỡ, phiên sau ra đây tôi đổi thuốc khác cho”...
Quầy thuốc tân dược không có giấy phép được bày bán công khai tại chợ Đò
- xã Nam Cường (Nam Đàn).
Hầu hết người kinh doanh mặt hàng này thường là các tiểu thương có kinh nghiệm buôn bán thuốc lâu năm, hiếm người được đào tạo qua trường lớp chuyên môn. Đa phần thuốc ở chợ là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, khó kiểm định về chất lượng. Tuy nhiên, do tâm lý người dân muốn mua thuốc rẻ tiền và tiện dụng khi đi chợ nên những quầy thuốc "3 không” vẫn hoạt động tốt. Khi được hỏi vì sao không đến khám và mua thuốc tại trạm y tế xã, chị Nguyễn Thị Nhung (xóm 9, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn) cho hay: “Nhà tôi gần chợ nên mỗi khi trong gia đình có người bị bệnh nhẹ đều ghé qua chợ mua thuốc cho tiện; vả lại thuốc ở đây bao giờ cũng rẻ hơn vài giá so với ở trạm và hiệu thuốc”.
Cùng với thuốc tân dược, các loại thuốc nam, đông y với đủ loại rễ cây, củ, quả cũng được bày bán khá nhiều ở các phiên chợ quê thường được gói trong những tờ báo, túi nilon và được quảng cáo là thuốc gia truyền hoặc là bài thuốc của người Mường, người Tày... Ngay ở cổng chợ Vực- xã Hưng Xá (Hưng Nguyên ), chúng tôi cũng bắt gặp một người đàn ông trung niên bày biện bán nhiều các gói thuốc to, nhỏ và chai nước màu sậm trên tấm bạt trải vội dưới nền đất, miệng không ngớt rao bán: “Chỉ 20 ngàn đồng một chai, người lớn, trẻ em nóng sốt, ho khan, ho có đờm mua ngay về uống sẽ dứt cơn ho liền..., đảm bảo không khỏi cứ đem ra đây tôi đền tiền gấp đôi ”. Nghe vậy, nhiều người đi chợ cũng sà vào ngắm nghía, mua về dùng thử. Chỉ cần liếc qua cũng thấy được những chai, những gói này đều không có bất cứ dòng chữ nào ghi thành phần thuốc, nơi sản xuất cũng như hạn sử dụng. Khi nhóm khách hàng này mua xong thuốc ho, ông thầy lang lại tiếp tục tung “chiêu” quảng cáo rao bán tiếp nhiều loại thuốc khác nhau, loại nào cũng được chế theo phương thức gia truyền với công dụng chữa bách bệnh, từ đau dạ dày, gan, thận đến bệnh đau đầu, xương khớp...
Từ thực tế trên, qua trao đổi với một lãnh đạo phòng chức năng thuộc Sở Y tế, được biết: Thuốc chữa bệnh được xem là con dao hai lưỡi, có thể cứu người song cũng có thể có tác dụng ngược lại. Việc điều trị bằng tân dược không đúng cách sẽ có tác dụng phụ, làm vô hiệu hóa hệ miễn dịch, cũng như có thể dẫn tới hiện tượng “nhờn” thuốc, gây bất lợi cho công tác khám, chữa bệnh. Theo quy định, chỉ có các nhà thuốc, quầy thuốc có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược do Sở Y tế cấp thì mới được bán lẻ thuốc tân dược. Việc tồn tại các hình thức bán thuốc trái phép như trên sẽ tạo điều kiện cho thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc suy giảm chất lượng xâm nhập thị trường. Bản thân những người bán do không có trình độ chuyên môn sẽ không có kiến thức để hướng dẫn cách dùng thuốc cho người bệnh. Nguyên nhân của tình trạng trên là do phòng y tế, trung tâm y tế các huyện thiếu cán bộ dược, hầu như không có dược sĩ đại học công tác trên địa bàn; việc phối hợp kiểm tra, giám sát của chính quyền xã, ban quản lý chợ và cơ quan y tế địa phương chưa đồng bộ; cộng với trình độ dân trí còn thấp của một bộ phận dân cư. Để giải quyết được thực trạng này cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong cả khâu tuyên truyền lẫn xử lý; phải nhanh chóng lập lại trật tự, quản lý chặt chẽ đối với những tổ chức, cá nhân hành nghề y dược.
Ngọc Anh