Nguy cơ nám da và biến chứng ở chị em tuổi 40
90% trường hợp nám da là phụ nữ, thường gặp dưới dạng các nốt hoặc vùng da rộng sẫm màu gây mất thẩm mỹ cho gương mặt.
Đây là kết quả nghiên cứu của Viện Da liễu Mỹ (AAD) về tình trạng nám da ở phụ nữ. Nghiên cứu còn khẳng định, phụ nữ có màu da sẫm ở các khu vực như châu Á, Trung Đông, Ấn Độ… có nguy cơ bị nám cao hơn.
Tại Việt Nam chưa có khảo sát cụ thể. Tình trạng nám da rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh - mãn kinh. Phần lớn chị em không trang bị đầy đủ kiến thức về nám da, dẫn đến tình trạng "lợi bất cập hại", hư da mặt khi tự ý điều trị nám bằng các biện pháp không phù hợp.
Nám là tình trạng tăng hắc tố melanin dưới một vùng da nhất định, gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân và rất khó điều trị. Nám xuất hiện rất phổ biến ở phụ nữ các độ tuổi, đặc biệt là trong thai kỳ và giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh. Theo nghiên cứu của tác giả Nestor P. Sanchez (Mỹ), 63% các bệnh nhân bị nám ở vùng trung tâm (bao gồm gò má, trán, phía trên môi, mũi và cằm), 21% gặp ở hai bên má và 16% xuất hiện nám ở vùng quai hàm.
Trao đổi với chúng tôi, TS-BS Võ Thị Bạch Sương, giảng viên Khoa Da liễu trường ĐH Y Dược TP HCM cho biết: "Cần phải xác định rõ nguyên nhân gây nám thì việc điều trị mới có thể đem lại hiệu quả". Theo bác sĩ Sương, có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu được chia làm 2 nhóm chính. Trước tiên là các yếu tố bên ngoài như tia UV trong ánh nắng mặt trời, viêm nhiễm, chấn thương, dị ứng với mỹ phẩm… Yếu tố gây nám bên trong chủ yếu là do dinh dưỡng, trục trặc một số khâu trong nội tiết làm thúc đẩy quá trình sản sinh hắc tố melanin dưới da.
Melanin vốn là một sắc tố được sản sinh bởi các tế bào melanocyte bên dưới lớp biểu bì, có nhiệm vụ giúp bảo vệ làn da trước tác hại của các tia UV. Khi các hắc tố này tập trung với một mật độ lớn, sẽ gây ra tình trạng nám. Việc tăng sản sinh melanin thường xuất hiện trong thai kỳ, rất phổ biến khi người phụ nữ bước vào tuổi trung niên.
Ảnh minh họa
Chị Ngọc Quỳnh (42 tuổi, quận Cầu Giấy) cho biết: "Mấy năm gần đây, da mình ngày một sạm và nám hơn. Nghe bạn bè khuyên, mình bôi thử một ít kem lột, được một vài lần thì phải bỏ cuộc vì mặt cứ rát bỏng, đỏ như con tôm luộc, sau đó còn bị kích ứng suốt mấy ngày".
Theo bác sĩ Sương, do khó xác định được nguyên nhân cụ thể nên điều trị nám rất khó, tốn nhiều thời gian và cần phải theo sát hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Các biện pháp làm trắng nhanh mà chị em thường nóng vội sử dụng có thể giúp loại bỏ vết nám tạm thời nhưng rất dễ gây nguy cơ nám da trở lại, thậm chí trầm trọng và khó điều trị hơn, da cũng sần sùi và kém sức sống. Rất nhiều chị em khi chịu khám thì đã bị hư da mặt vì điều trị nám sai cách trên vùng da đặc biệt nhạy cảm này.
Không được may mắn vì ngừng lại đúng lúc như chị Quỳnh, chị Lan Hương (46 tuổi, Củ Chi, TP HCM) đã phải gặp bác sĩ da liễu với một gương mặt gần như phủ đầy vết nám. "Bị nám nhẹ, tôi bắt chước một số người hàng xóm đắp lá trầu không lên mặt. Sau một vài lần đắp, da trắng mịn nhưng lại bắt nắng, chỉ dăm bữa nửa tháng đã sạm đen cả gương mặt", Chị Hương than thở. Chị đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu khám và chỉ định một số phương pháp điều trị, phải tốn rất nhiều thời gian nữa để lấy lại được làn da như trước.
Các bác sĩ khuyên, để ngăn chặn các tác nhân từ bên ngoài, chị em cần tránh nắng tối đa, đặc biệt là vào buổi trưa vì lúc này tập trung nhiều tia UV trong ánh nắng mặt trời nhất. Nếu cần phải ra ngoài, phải lưu ý che chắn cho gương mặt bằng mũ rộng vành, kính râm, sử dụng kem chống nắng có độ SPF cao. Khi có dấu hiệu của viêm nhiễm, dị ứng, cần đi khám và điều trị trước khi các tình trạng này trở nên nghiêm trọng và để lại vết nám khác màu trên da.
Đối với các yếu tố từ bên trong, cần cải thiện chế độ dinh dưỡng với các vitamin A, C, E, omega-3, selen để chống lão hóa. Theo TS-BS Lê Thúy Tươi, còn đặc biệt chú trọng đến hoạt động của hệ trục thần kinh - nội tiết, bao gồm vùng dưới đồi của não bộ, tuyến yên và buồng trứng. Bác sĩ Tươi cho biết: "Cùng với sự lão hóa của toàn thân, hệ trục não bộ - tuyến yên - buồng trứng ở phụ nữ trung niên cũng bị lão hóa nên hoạt động mất cân bằng".
Theo đó, lúc này, tuyến yên sẽ tiết ra quá mức MSH (Melanocyte stimulating hormone), kích thích tế bào sắc tố melanocyte sản sinh thêm nhiều melanin, làm da bị nám. Tế bào sắc tố này còn rất nhạy cảm với sự rối loạn của hormone buồng trứng, nên lại càng tăng cường bài tiết khiến tình trạng nám trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo bác sĩ Tươi, việc chăm sóc hệ trục não bộ - tuyến yên - buồng trứng đóng vai trò quan trọng đối với làn da của phụ nữ tuổi trung niên. Khi hệ trục được chăm sóc và "vận hành" tốt, các tế bào sắc tố sẽ làm việc với nhịp độ bình thường trở lại. Da cũng sẽ giữ được độ ẩm, độ săn chắc, trở nên mịn màng và tươi sáng hơn. Chăm sóc hệ trục cũng là cách để xoa dịu các triệu chứng của tiền mãn kinh - mãn kinh như bốc hỏa, rối loạn kinh nguyệt… vốn ảnh hưởng rất lớn đến sắc thái của làn da.
Theo Ngọc Bích – VnExpress - NT