Kịp thời bảo vệ phát triển cây lùng

03/12/2012 20:18

Theo ông Trần Xuân Long, Chủ nhiệm các dự án phát triển rừng thuộc Đoàn quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An, cây lùng có tên khoa học là Bambusasp, có họ với tre, nứa, mọc tự nhiên tập trung nhiều nhất ở độ cao dưới 700m, dọc sông, suối. Đây là loài cây đặc hữu hẹp ở Việt Nam, diện tích phân bổ ít nhưng có giá trị sử dụng rộng rãi, nhất là sử dụng làm nguyên liệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và mây tre đan xuất khẩu. Tại tỉnh ta cây lùng dễ thích nghi với vùng đồi núi có độ ẩm cao của hai huyện Quế Phong, Quỳ Châu và ít tranh chấp với các loại cây khác nên việc bảo tồn và phát triển cây lùng ngoài những ý nghĩa về kinh tế còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái.

(Baonghean) Theo ông Trần Xuân Long, Chủ nhiệm các dự án phát triển rừng thuộc Đoàn quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An, cây lùng có tên khoa học là Bambusasp, có họ với tre, nứa, mọc tự nhiên tập trung nhiều nhất ở độ cao dưới 700m, dọc sông, suối. Đây là loài cây đặc hữu hẹp ở Việt Nam, diện tích phân bổ ít nhưng có giá trị sử dụng rộng rãi, nhất là sử dụng làm nguyên liệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và mây tre đan xuất khẩu. Tại tỉnh ta cây lùng dễ thích nghi với vùng đồi núi có độ ẩm cao của hai huyện Quế Phong, Quỳ Châu và ít tranh chấp với các loại cây khác nên việc bảo tồn và phát triển cây lùng ngoài những ý nghĩa về kinh tế còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Long cho biết, địa bàn Quỳ Châu, Quế Phong có tới 9.540 ha đất rừng có cây lùng sinh trưởng và phát triển. Trong đó diện tích rừng lùng tập trung có tới 5.252 ha, 4000 ha rừng lùng mọc hỗn giao. Trong những năm gần đây, cây lùng chưa được các cấp ngành quan tâm quản lý, quy hoạch bảo vệ và phát triển một cách cụ thể nên một bộ phận dân cư và các thương nhân khai thác, thu mua một cách tùy tiện nên một số diện tích rừng lùng thuần loài đã bị khai thác cạn kiệt. Cụ thể như ở Quỳ Châu, đã có hàng ngàn ha rừng lùng bị khai thác vô tổ chức, vì vậy nơi đây chỉ còn một số diện tích rừng lùng thoái hóa. “Theo nhiều nguồn tin từ địa phương cho biết, nhiều năm qua, có một số lượng lớn lùng bị nhân dân khai thác tự do bán cho các thương nhân phía Bắc như Công ty TNHH Phong Thủy, Công ty TNHH Hương Thảo, Công ty TNHH Tuấn Nhị… Một số thương lái trong tỉnh cũng đã vào thu mua theo hình thức thổ phỉ và vận chuyển tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc” - ông Long nói.



Hàng mây tre đan xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu lùng.

Cây lùng ví như là cây lúa của đồng bào vùng Quế Phong, Quỳ Châu, một nguồn nguyên liệu quan trọng cho phát triển của ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nên cần có chính sách bảo tồn và phát triển cây lùng. Để quản lý và phát triển nguồn nguyên liệu lùng một cách bền vững, theo ông Long, cần hướng dẫn cụ thể cách thức khai thác cho người dân. Đó là chỉ khai thác loại lùng đã đến tuổi thành thục có đường kính khoảng 6cm trở lên. Phải có chính sách thu mua hợp lý, loại lùng nào mới được thu mua, việc thu mua phải kịp thời, đảm bảo giá cả hợp lý để người dân có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền phổ biến chính sách, có quy chế quản lý bảo vệ rừng lùng, lập các trạm quản lý bảo vệ… đồng thời hỗ trợ người dân về kinh phí trồng, tu bổ khoanh nuôi nhằm bảo vệ và phát triển cây lùng.

Theo Chi cục Lâm nghiệp, vừa qua Sở NN&PTNT đã tạm thời đình chỉ việc khaithác nứa, lùng tại huyện Quế Phong. Sở NN&PTNT đã có văn bản, trong đó giao nhiệm vụ: Đối với Chi cục Lâm nghiệp, chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Quế Phong tạm thời đình chỉ khai thác lâm sản (nứa, lùng) tại các quyết định cấp phép của chủ rừng đã được chấp thuận, theo dõi quá trình thực hiện của đơn vị và báo cáo Sở để có các biện pháp chỉ đạo kịp thời; Chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Quế Phong nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo về khai thác lâm sản đúng quy định. Đối với Chi cục Kiểm lâm, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Quế Phong phối hợp với UBND huyện thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm về khai thác lâm sản nói chung và khai thác nứa, lùng nói riêng.


Nhật Lân