“Lục lạc vàng” đến Quang Phong

11/11/2012 15:42

Bản Phong Quang, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong vừa được Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện hỗ trợ 20 con bò cái lai sind, bằng nguồn vốn 135/CP, để cấp cho 10 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, theo chương trình “Lục lạc vàng” của VTV1. Trước khi nhận bò, các hộ này cam kết nuôi 8 năm trở lên và sau 1 năm thì rút khỏi danh sách hộ nghèo...

(Baonghean) - Bản Phong Quang, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong vừa được Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện hỗ trợ 20 con bò cái lai sind, bằng nguồn vốn 135/CP, để cấp cho 10 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, theo chương trình “Lục lạc vàng” của VTV1. Trước khi nhận bò, các hộ này cam kết nuôi 8 năm trở lên và sau 1 năm thì rút khỏi danh sách hộ nghèo...

Cùng cán bộ của Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong, chúng tôi đến xóm Phong Quang của xã Quế Sơn để được nghe, được xem mô hình hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững. Người gặp đầu tiên là xóm trưởng Hồ Hiền. Gần 12 giờ trưa, xóm trưởng vẫn nhiệt tình, hồ hởi nói với chúng tôi về mô hình nuôi bò sinh sản do huyện hỗ trợ tại 10 hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xóm.

Khi hỏi vì sao huyện lại chọn 10 hộ ở xóm mình để thực hiện mô hình nuôi bò “Lục lạc vàng”, ông Hiền thổ lộ: “Phong Quang là xóm phần lớn người dân tộc Kinh, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn nhiều. Xóm có 149 hộ, thì có tới 39 hộ nghèo. Suốt 20 năm làm xóm trưởng, tôi nghe nói nhiều về chính sách của Nhà nước hỗ trợ đồng bào miền núi phát triển kinh tế, còn ở xóm Phong Quang này chưa được hưởng trực tiếp dự án gì. Đầu năm 2012, tôi mạnh dạn lên huyện xin dự án về đầu tư cho người dân trong xóm được hưởng. Sau đó, được Ban Phát triển nông thôn miền núi gợi ý thực hiện mô hình chăn nuôi bò lai sind tại bản, tôi nhất trí ngay. Mô hình được cấp 20 con bò cái sinh sản. Mục đích hỗ trợ cho những gia đình thuộc diện nghèo để thoát nghèo.



Bò “Lục lạc vàng” của gia đình anh Trần Văn Trường được chăm sóc tốt.

Trước khi nhận bò, xóm đặt quy định, hộ nào nhận nuôi bò phải nuôi từ 8 năm trở lên, và sau một năm phải đăng ký thoát nghèo. Nghe xong, toàn bộ hộ nghèo của xóm xung phong nhận nuôi. Vậy thì trao bò cho hộ nào bây giờ? Xóm trưởng đành phải tổ chức một cuộc họp khác, thành phần là đại diện của 39 hộ nghèo. Tiêu chí đặt ra, hộ nào có đủ 3 điều kiện: có lao động, đủ khả năng làm chuồng trại và có hiểu biết về thú y. Với tinh thần khách quan, dân chủ, cuộc họp đó đã chọn 10 gia đình. Bình bầu xong, gia đình bà Nguyễn Thị Lan không muốn nhận bò nữa, vì sợ sẽ không còn được hưởng chính sách hộ nghèo. Biết được ý định của bà Lan, anh em họ hàng và xóm trưởng gặp gỡ bàn bạc, phân tích... Nghe có tình có lý, bà Lan không bỏ lỡ cơ hội, trực tiếp gặp cán bộ xóm, xã và Ban Phát triển nông thôn miền núi xin được nhận bò.

Cuối tháng 6/2012, Ban cùng với chính quyền xã, xóm làm lễ bàn giao 20 con bò cái lai sind cho 10 hộ nuôi. Hình thức bàn giao bò giống như chương trình “Lục lạc vàng” của VTV1. 10 cặp bò được tách ra, và các gia đình lần lượt bắt thăm để nhận bò về nuôi. Các gia đình nhận nuôi bò còn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ làm chuồng trại và cấp giống cỏ V6 để trồng.

Đến thăm gia đình anh Trần Văn Trường, cả nhà phấn khởi dẫn chúng tôi ra xem 2 con bò lai sind trong chuồng. Anh Trường khoe, 2 đứa con của anh buổi đến trường, buổi thay nhau chăn dắt, cắt cỏ cho bò, sau 3 tháng nuôi, bò đã lớn hẳn. Cuộc sống gia đình khó khăn từ ngày cha mẹ cho ra ở riêng, được Nhà nước hỗ trợ một lúc 2 con bò sinh sản là gia tài lớn nhất của gia đình. Bởi thế, vợ chồng bố trí đất trồng cỏ để chủ động thức ăn cho bò. Sau một năm, 2 con bò sẽ sinh sản, và điều mà lâu nay vợ chồng mơ ước sẽ thành sự thật, là thoát được đói nghèo. Không chỉ gia đình anh Trường, toàn bộ 10 gia đình nhận bò đều có chung niềm vui đó!


Xuân Hoàng