Tìm lại hồn xưa câu ví, dặm

03/12/2012 11:24

(Baonghean) ...Chưa ai biết chính xác hát ví phường vải có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề trồng bông dệt vải có từ lâu đời ở nhiều làng quê khắp hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Từ nghề trồng bông dệt vải, những cô gái quay xa kéo sợi đã tạo nên những đêm hát phường vải làm say đắm lòng người. Trai đứng ngoài ngõ, gái ngồi trong sân, cuộc hát trải qua nhiều chặng: hát dạo, hát chào, hát mời, hát đối, hát đố rồi vào sân cùng hát xe kết. Hát từ đêm này sang đêm khác, hát cho đến “rạng ngày ai về nhà nấy” mới thỏa lòng. Từ hát ví phường vải đã lan tỏa thành nhiều làn điệu hát ví khác như: ví trèo non, ví phường củi, ví phường cấy, ví phường đan, ví phường nón, ví đò đưa… Những câu hát ví mang hồn quê xứ Nghệ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho đến khi nghề trồng bông dệt vải không còn, cuộc sống ở các làng quê thay đổi, những câu hát ví cũng mất dần và chỉ còn lưu lại trong các bộ sưu tầm dân ca xứ Nghệ.



Một tiết mục tham gia tại Liên hoan tiếng hát dân ca ví, dặm huyện Đô Lương.
' Ảnh: Ngọc Phương.

Hát dặm bắt nguồn từ kho tàng vè xứ Nghệ phong phú vào bậc nhất trong cả nước. Phó GS Ninh Viết Giao đã sưu tầm, xuất bản “Tổng tập Vè xứ Nghệ” gồm 9 tập với hàng nghìn trang sách ghi lại 1.100 bài vè, mỗi bài dài hàng chục câu, có bài dài hàng trăm câu, là kho tư liệu đồ sộ về văn hóa dân gian xứ Nghệ. Vè là “bách khoa thư” của nhân dân, quan sát thời tiết bốn mùa của thiên nhiên, ghi lại các sự kiện lịch sử của địa phương, ca ngợi những con người cao đẹp, phê phán những thói hư tật xấu, cảm thông những số phận éo le. Từ kho tàng vè phong phú đó đã xuất hiện những người đọc vè, kể chuyện bằng vè rất hấp dẫn. Rồi những bài vè được hát lên bằng nhịp điệu chắc khỏe theo thể thơ 5 chữ, hát theo nhịp đi trên những chặng đường dài, thể hát dặm ra đời từ đó. Các nhà nghiên cứu dân ca xứ Nghệ chia hát dặm làm hai loại chính: dặm kể (còn gọi là dặm vè) và dặm nam nữ. Dặm kể do một người diễn tấu với bài vè dài hàng trăm câu kể lại một câu chuyện hay một cảnh ngộ cuộc đời. Dặm nam nữ do hai bên hát đối đáp trao gửi tình cảm cho nhau. Cũng như hát ví phường vải, khi cuộc sống các làng quê thay đổi, hát dặm không còn và chỉ được lưu lại trong các tập sách.

Làm sống lại dân ca ví, dặm chính là phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rầm rộ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thời bao cấp, mỗi xã đều có đội văn nghệ quần chúng được HTX nuôi như một đội sản xuất. Hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức định kỳ hàng năm, từ hội diễn cấp huyện chọn tiết mục xuất sắc lên dự hội diễn toàn tỉnh, nhiều nơi còn tổ chức hội diễn ở xã. Trong cái nôi văn nghệ quần chúng ấy, các bài dân ca ví, dặm do các nhạc sỹ ghi âm đã được phổ biến cho các đội văn nghệ không chuyên, tạo thành một phong trào hát dân ca sâu rộng khắp các địa phương.

Thời kỳ ấy, cứ đến mùa hội diễn, đi khắp các làng quê xứ Nghệ đâu đâu cũng nghe tiếng hát dân ca sau những lũy tre làng. Ngoài các tiết mục hát dân ca lời cổ, các đội văn nghệ quần chúng đều có những tiết mục dân ca tự biên tự diễn. Viết lời mời cho các làn điệu dân ca trở thành phong trào sáng tác văn nghệ quần chúng phổ biến nhất của thời kỳ ấy. Dân ca ví, dặm tưởng như bị lãng quên đã trỗi dậy với một sức sống mãnh liệt hơn, rồi được các nhạc sỹ cải biên, nâng cao, phát triển thành những làn điệu mới. Những ca khúc sáng tác bằng chất liệu dân ca ví, dặm cũng xuất hiện ngày càng nhiều với những bài hát hay được công chúng cả nước yêu thích. Đặc biệt, với chủ trương “sân khấu hóa dân ca”, bộ môn kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh ra đời với nhiều vở diễn xuất sắc, dân ca ví, dặm có thêm những làn điệu mới, bài hát mới mang tính đương đại.

Hành trình trên đây đã làm cho dân ca ví, dặm phong phú hơn, gần với cuộc sống đương đại hơn nhưng cũng làm cho ví, dặm ngày càng xa các làn điệu nguyên gốc cổ truyền. Cho đến khi hát quan họ Bắc Ninh, hát ca trù, nhã nhạc Cung đình Huế, hát xoan Phú Thọ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì người Nghệ Tĩnh mới nhận ra giá trị dân ca ví, dặm nguyên gốc cổ truyền của quê hương mình. Việc làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dân ca ví, dặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách. Vấn đề khó nhất, quan trọng nhất khi làm hồ sơ là phục hồi các làn điệu nguyên gốc cổ truyền và môi trường diễn xướng ngày xưa của ví, dặm. Phục hồi bằng cách nào khi những đêm hát ví phường vải đã lùi vào quá khứ xa xăm, hình thức kể vè, hát dặm cũng chỉ còn trong ký ức dân gian? Phục hồi bằng cách nào khi những nghệ nhân dân gian hát ví phường vải, hát dặm thuộc thế hệ cuối cùng cũng đã rời thế gian này cách đây hàng chục năm? Lớp nghệ nhân hôm nay từ người trẻ nhất đến người cao tuổi nhất đều xuất thân từ phong trào văn nghệ quần chúng, vốn chỉ quen hát dân ca ví, dặm trên sân khấu.

Bây giờ, vẫn còn đó những câu dân ca lời cổ được sưu tầm in thành sách. Vẫn còn đó những làn điệu dân ca nguyên gốc cổ truyền được ghi trên khuông nhạc. Vấn đề là phải thực sự trân trọng, giữ gìn phát huy vốn cổ đó với một tình yêu sâu nặng, sự tâm huyết lớn lao.


Trần Hồng Cơ