“Lệch pha” trong giáo dục hướng nghiệp
Học đại học để trở thành kỹ sư, bác sỹ hay cử nhân. Đó là niềm mơ ước của đa số học sinh và là mong mỏi của các bậc phụ huynh. Bằng mọi cách, bằng mọi giá phải cho con học đại học, bởi quan niệm có tấm bằng đại học sẽ kiếm được một công việc ổn định để tạo dựng cuộc sống. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Rất nhiều sinh viên ra trường, cầm tấm bằng đại học (ĐH) nhưng chật vật xin việc, không ít người “lực bất tòng tâm” đành phải rẽ ngang làm những công việc chẳng liên quan đến bằng cấp.Những câu chuyện thực tế
(Baonghean) Học đại học để trở thành kỹ sư, bác sỹ hay cử nhân. Đó là niềm mơ ước của đa số học sinh và là mong mỏi của các bậc phụ huynh. Bằng mọi cách, bằng mọi giá phải cho con học đại học, bởi quan niệm có tấm bằng đại học sẽ kiếm được một công việc ổn định để tạo dựng cuộc sống. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Rất nhiều sinh viên ra trường, cầm tấm bằng đại học (ĐH) nhưng chật vật xin việc, không ít người “lực bất tòng tâm” đành phải rẽ ngang làm những công việc chẳng liên quan đến bằng cấp.
Những câu chuyện thực tế
Gia đình ông Đậu Văn Cương (xóm Xuân Cảnh, Nghi Xuân, Nghi Lộc) có 5 người con thì có 4 con học ĐH. Đối với gia đình giáo dân này, cuộc sống phụ thuộc vào nghề buông chài thả lưới nên rất bấp bênh. Với suy nghĩ “hi sinh đời bố, củng cố đời con”, hai vợ chồng nai lưng ra làm để nuôi con ăn học. Cuộc sống khó khăn, những năm tháng nuôi một lúc 3 con học ĐH và 2 đứa học phổ thông, nhiều lúc ông Cương tưởng như không vượt qua được. Nhưng đến năm 2004, con trai đầu tốt nghiệp ra trường, làm hàng chục bộ hồ sơ gửi khắp nơi nhưng chờ mãi vẫn không thấy nơi nào gọi đi làm. “Gửi hồ sơ đi rồi thấp thỏm đợi chờ. Chờ mãi, 2 năm sau thì từ bỏ hi vọng, sau đó nó đi xuất khẩu lao động”, ông Cương cho biết. Hoàn cảnh của cậu em thứ hai cũng giống với anh trai. Tốt nghiệp ĐH Giao thông Vận tải, không tìm được việc làm đành “nối gót” anh xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. “Sang bên đó làm công nhân cơ khí nên chẳng liên quan gì đến bằng ĐH. Giờ bằng ĐH của cả hai đứa vẫn nằm im trong rương gỗ. Giá như lúc đó, hướng cho chúng đi học nghề, học những ngành phù hợp với nhu cầu xã hội thì chắc cũng không đến nỗi...”, ông Cương tiếc nuối.
Với học lực trung bình khá, tốt nghiệp THPT, Nguyễn Phương Nguyên (Thanh Chương) được bố mẹ động viên thi vào trung cấp Địa chính với hi vọng có ông chú làm trong nghề sẽ lo “đầu ra”. Nộp hồ sơ xét tuyển trong khi em chẳng mường tượng ngành mình học sẽ đào tạo cái gì, ra trường sẽ làm công việc gì và công việc đó có phù hợp với khả năng, sức khỏe của mình hay không? “Vào học được một thời gian, em dần nhận ra thực chất cái ngành mà em đang học (Đo đạc, trắc địa bản đồ) không hề phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình.
Chán nản, thất vọng nhưng lúc đó chẳng đủ can đảm để bỏ cuộc. Và thế là "đến hẹn lại lên", sau 2 năm em tốt nghiệp ra trường...”. Nhưng không may, ông chú chuyển ngành nên chẳng giúp được gì, cầm tấm bằng trong tay gõ cửa này sang cửa khác và đều bị từ chối. Ròng rã 3 năm trời, Phương đã làm đủ mọi việc từ chạy bàn đến nhân viên giao hàng để có tiền trụ lại ở thành phố chờ cơ hội. Hiện em đang làm quản đốc phân xưởng may, lương tháng 5 triệu đồng và coi như ổn định. “Có một điều nghịch lý là công việc mà em đã làm không hề liên quan gì đến những kiến thức chuyên môn mà em đã học. Sau ngần ấy thời gian không dùng đến kiến thức đã học, nên bây giờ trong đầu cũng chẳng còn gì cả... Giá như ngày đó em biết lượng sức mình đi học nghề thì bây giờ chắc đã không khỏi vừa đi làm, vừa học việc như thế này”, Nguyên chia sẻ.
Những trường hợp như Ngọc, Ngà, Nguyên không phải là hiếm. Tôi đã gặp không ít những "cử nhân" sống lay lắt nơi thành phố với những lời than vãn mà mới nghe tưởng chừng như vô lý, "giá như mình không học đại học có khi lại hay". Cô bạn tôi, tốt nghiệp Đại học Luật từ năm 2006, vậy mà từ đó đến nay vẫn trung thành với công việc "nhân viên bán giày". Hay anh bạn học cùng Trường Đại học Văn hóa với tôi, tốt nghiệp năm năm nay mà đến giờ anh vẫn chỉ là nhân viên chạy quảng cáo...
Cần một giải pháp đồng bộ
Hàng năm, sau kỳ thi ĐH, CĐ, hàng trăm ngàn tân sinh viên nhập học và sau 4, 5 năm từng ấy sinh viên tốt nghiệp ra trường, nhưng trong số đó rất ít người tìm được việc làm theo đúng ngành nghề đã học, số nữa trái ngành, số còn lại thất nghiệp. Trong lúc đó, trên địa bàn tỉnh, các khu công nghiệp đang cần lượng lớn lao động có tay nghề cơ khí, công nghệ ô tô, điện lạnh, điện công nghiệp...; các trang trại, gia trại cần những người có nghiệp vụ về thủy sản, thú y, nông lâm nhưng rất khó để tuyển dụng. Từ đó có thể thấy, giữa “cung” và “cầu” có sự lệch pha. Học sinh sau tốt nghiệp THPT đổ xô thi vào ĐH, CĐ, chọn những ngành cho là “sang”, “hái ra tiền” như: kinh tế, tài chính ngân hàng, quản lý, quản trị mà bỏ qua những ngành xã hội cần như nông - lâm - ngư, cơ khí, công nghệ. Đặc biệt, những năm gần đây, các trường trung cấp nghề rất khó tuyển sinh, ít có trường nào tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Theo thống kê sơ bộ, năm 2011, Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật công - nông nghiệp Yên Thành chỉ tuyển được 60% chỉ tiêu; Trường Trung cấp nghề KT-KT Công nghiệp Vinh chỉ tuyển được 40% chỉ tiêu...
Giờ thực hành tại xưởng của sinh viên Trường Trung cấp nghề KT-KT Công nghiệp Vinh.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đó? Trước hết đó là do tâm lý coi trọng bằng cấp của phụ huynh, học sinh và xã hội. Và nguyên nhân sâu xa nhất là do hạn chế trong việc nhận thức về nghề nghiệp. Các tiết hướng nghiệp dạy nghề ở các trường THPT chỉ mới dừng lại ở việc giới thiệu các trường đào tạo theo từng ngành học; khối học, năng lực học của học sinh mà chưa có sự định hướng cụ thể, giới thiệu về nghề nghiệp, việc làm sau khi học sinh tốt nghiệp các ngành, nghề đã học. Học sinh rất mù mờ về cơ hội việc làm, về ngành nghề mình theo học.
Mặt khác, các trường nghề hiện nay chưa tạo dựng được cho mình một thương hiệu, một thế mạnh riêng. Ngoài số ít các trường có uy tín như CĐ Nghề Việt Hàn, CĐ Nghề Việt Đức, các trường ĐH, CĐ, TCCN tham gia dạy nghề thì đa phần các trường nghề còn lại chưa có sự đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, do đó chất lượng đào tạo chưa cao. Đó cũng là một nguyên nhân làm cho học sinh ngại chọn trường nghề.
Bên cạnh đó, thực trạng các trường ĐH, CĐ, TCCN hiện nay đang đào tạo một cách tràn lan, chưa chú trọng đến chất lượng đầu ra, chưa quan tâm đến những nghề xã hội cần, chưa tạo được mối liên kết giữa nhà trường- cơ quan tuyển dụng, giữa đào tạo và việc làm sau đào tạo còn lỏng lẻo nên dẫn đến cung cầu lệch pha, nên sau tốt nghiệp sinh viên thất nghiệp nhiều.
Nhận thức lệch lạc và thiếu định hướng về nghề nghiệp đang là thực trạng đáng cảnh báo trong giới trẻ hiện nay. Để triển khai đồng bộ và có hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho thanh niên, trước hết, các cấp, các ngành cần phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, định hướng phân luồng học sinh từ bậc THCS, giúp họ đánh giá, lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân những công việc phù hợp, xoá bỏ định kiến xem thường việc học nghề trong giới trẻ. Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên về cấp đất, miễn giảm các khoản thuế cho các công ty, doanh nghiệp có cam kết, đăng ký tuyển dụng nhiều lao động của địa phương vào làm việc. Về phía các nhà trường, cần đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ của các cơ quan, doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Thanh Phúc