Kỳ 2: Giả chồng lên giả

11/09/2012 10:35

(Baonghean) Trong khi hồ sơ của các đối tượng đang hưởng chế độ chất độc da cam bị khiếu kiện vì có nhiều giấy tờ được cho là làm giả, bị sửa chữa thì đoàn thanh tra của UBND huyện Nghi Lộc lại dựa vào bản xác minh không có ngày tháng, không hợp lý để kết luận các hồ sơ này là hợp lệ. Điều đó một lần nữa cảnh báo chuyện da cam ở Nghi Lộc không những nhức nhối mà...-->> Kỳ 1: Tỉnh chỉ đạo một đàng, Sở LĐ-TB&XH và huyện Nghi Lộc làm một nẻoHồ sơ còn nhiều bất cập

> Kỳ 1: Tỉnh chỉ đạo một đàng, Sở LĐ-TB&XH và huyện Nghi Lộc làm một nẻo

Hồ sơ còn nhiều bất cập

Để làm rõ sự việc, Báo Nghệ An đã có Công văn đề nghị Sở LĐ-TB&XH cung cấp 7 hồ sơ của các đối tượng hưởng chế độ chất độc da cam ở xã Nghi Quang mà báo Nghệ An số 5956 đã nêu. Qua kiểm tra, hồ sơ của ông Nguyễn Hồng Nho có bản sao lý lịch đảng viên sao từ lý lịch gốc ngày 9/4/2012 (trong khi hồ sơ của ông đã được Sở LĐ-TB&XH duyệt cho hưởng chế độ từ năm 2008). Ngày 4/9/2012, tại buổi làm việc với phóng viên Báo Nghệ An, ông Nguyễn Đình Tiến-Bí thư Đảng uỷ xã Nghi Quang khẳng định lý lịch đảng viên của ông Nho có bị sửa chữa ở phần khai đi bộ đội. Giấy xác nhận của Trạm Y tế xã Nghi Quang ngày 12/6/2008 về việc con ông Nho là Nguyễn Văn Tùng mất năm 1980 do bị dị dạng chân tay khoèo, đầu to, nhưng trong bản đăng ký chứng tử ngày 2/11/2008 tại UBND xã Nghi Quang lại ghi là Nguyễn Thanh Tùng.



Lý lịch đảng viên của ông Nguyễn Hồng Nho trang ghi ngày tháng, đơn vị đi bộ đội bị sửa (khoanh vòng đỏ) và viết thêm vào.

Khi hỏi ông Trần Hải Dương - Chủ tịch UBND xã Nghi Quang, người đã ký xác nhận vào 2 tờ giấy này là tại sao cháu Tùng mất từ năm 1980 mà mãi đến năm 2008 (thời điểm làm hồ sơ xét duyệt chế độ chất độc da cam cho ông Nho) mới đăng ký khai tử và dựa vào đâu để nói cháu Tùng mất do bị dị tật thì ông Dương cho biết, dựa vào tờ khai của ông Nho và tạo điều kiện cho ông Nho làm hồ sơ để hưởng chế độ chất độc da cam! Kiểm tra hồ sơ của ông Võ Sỹ Niêm thấy không có một giấy tờ gì có tính pháp lý để chứng minh ông đã từng đi bộ đội ở đơn vị nào, thời gian nào mà chủ yếu là qua lời khai của ông rồi xã và huyện xác nhận! Hồ sơ ông Nguyễn Đức Nhã có bản lý lịch quân nhân khai là hoạt động ở mặt trận B2 Tây Ninh, nhưng Giấy chứng nhận thời gian công tác XYZ của ông lại do QK Trị-Thiên (là mặt trận B4) cấp là rất vô lý! Trong hồ sơ của bà Phạm Thị Thơi có bản sao giấy chứng tử con bà là Phạm Văn Hùng chết ngày 2/3/1979, Giấy chứng tử này không ghi ngày tháng mà chỉ ghi số 46/2008. Kiểm tra hồ sơ chứng tử ở xã Nghi Quang thì số 46/2008 lại chứng tử cho Nguyễn Đức Lương chết ở Malaixia vào tháng 11/2008! Cả 2 bộ hồ sơ của bà Phạm Thị Thơi và Nguyễn Thị Chuyển cũng không có giấy tờ gì xác nhận đơn vị, thời gian, địa bàn đi bộ đội…

Đâu là sự thật

Tại buổi làm việc ngày 6/9/2012, ông Nguyễn Văn Bá - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Lộc- trưởng đoàn thanh tra đi xác minh vụ việc này, tỏ ra bất ngờ khi phóng viên chỉ ra những bất cập của các bộ hồ sơ trên. Hỏi tại sao đoàn thanh tra lại bỏ qua những tình tiết như vậy, thì ông Bá nói: Có thể đoàn thanh tra còn thiếu sót, nếu thanh tra thiếu sót thì sẽ có khiếu nại tiếp! Ông Bá cho biết, đoàn thanh tra dựa trên kết quả xác minh của cơ quan quân sự huyện (là thành viên đoàn kiểm tra-PV) để ra kết luận. Nói rồi ông cung cấp cho chúng tôi “Bản xác minh địa bàn hoạt động các đơn vị quân đội trước ngày giải phóng miền Nam 1975” của Ban CHQS Nghi Lộc nhưng không đề ngày tháng, với nội dung chủ yếu là: Thiếu tá Hoàng Thanh Hải trợ lý BCH quân sự huyện Nghi Lộc đã tiến hành làm việc với Phòng Chính sách và Phòng Quân lực Quân khu IV để xác minh vùng, miền hoạt động của các đơn vị mà ông Nguyễn Đức Nhã và ông Nguyễn Hồng Nho đã tham gia và kết luận các đơn vị của ông Nguyễn Hồng Nho và Nguyễn Đức Nhã công tác trước 30/4/1975 có hoạt động từ Quảng Trị trở vào là đúng.

Thế nhưng, cũng trong ngày 6/9/2012, khi làm việc với phóng viên Báo Nghệ An, Thượng tá Nguyễn Văn Chiến - Chỉ huy trưởng Huyện đội Nghi Lộc khẳng định: Ông chưa hề cử cán bộ đến Quân khu 4 xác minh các trường hợp này và cũng không thấy ai trong đơn vị báo cáo với ông về việc đến Quân khu 4 xác minh các trường hợp này! Còn việc Báo Nghệ An nhờ Huyện đội Nghi Lộc xác minh các trường hợp này thì khi nào cán bộ của ông tìm được hồ sơ lưu tại cơ quan thì ông sẽ gọi điện. Vậy là sau 3 cuộc gặp trực tiếp và qua nhiều lần điện thoại đề nghị Ban CHQS Nghi Lộc hỗ trợ xác minh đơn vị, thời gian công tác của 7 quân nhân ở xã Nghi Quang (đã nêu ở bài báo ra ngày 24/2/2012), phóng viên Báo Nghệ An vẫn chỉ nhận được lời hẹn.



Công văn của Phòng Chính sách Cục Chính trị Quân khu 4 gửi Báo Nghệ An “Về việc xác minh thông tin quân nhân đã phục viên”.

Cùng thời gian đó, Ban Biên tập Báo Nghệ An cũng gửi Công văn đến Bộ Tư lệnh Quân khu IV nhờ hỗ trợ xác minh đơn vị, thời gian công tác của 7 quân nhân đã nêu trên. Ngày 4/9/2012, Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Quân khu 4 có Công văn số 33/TM-QL do Đại tá Nguyễn Thanh Hà-Trưởng phòng Quân lực ký, trả lời báo Nghệ An như sau: “Theo quy định, khi thanh niên nhập ngũ vào quân đội, con người và hồ sơ quân nhân được đơn vị nhận quân (cấp trung đoàn và tương đương) tiếp nhận tại Ban CHQS huyện (quận) địa phương nơi quân nhân nhập ngũ và có trách nhiệm quản lý trong suốt thời gian tại ngũ của quân nhân đó. Còn khi phục viên, xuất ngũ về địa phương hoặc chuyển ngành về cơ quan, hồ sơ và con người được đơn vị bàn giao cho Ban CHQS huyện (quận) nơi quân nhân phục viên xuất ngũ hoặc cơ quan nơi quân nhân chuyển ngành để quản lý.

Do vậy, theo chức năng, Bộ Tham mưu – Quân khu 4 không phải là đơn vị trực tiếp quản lý hồ sơ cá nhân, nên việc xác nhận thời gian công tác của cá nhân trong quân đội là không thuộc phạm vi quyền hạn giải quyết của Bộ Tham mưu – Quân khu 4”. “Bộ Tham mưu Quân khu 4 chỉ xác nhận hoặc cung cấp thông tin những đơn vị trực thuộc Quân khu 4 (thuộc Quân khu 4 quản lý), trong thời gian chống Mỹ cứu nước có tham gia chiến trường hay không, còn những đơn vị không thuộc biên chế của Quân khu 4 thì Bộ Tham mưu – Quân khu 4 không thuộc phạm vi giải quyết. Trong công văn Báo Nghệ An đề nghị xác minh 7 trường hợp thì cả 7 trường hợp là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc không có đơn vị nào, cho nên Bộ Tham mưu-Quân khu 4 không có cơ sở để xác minh”.

Còn theo Công văn ngày 5/9/2012,số 154/CS-CCT của Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 4 do Đại tá Nguyễn Đình Dương - Trưởng phòng ký, gửi Báo Nghệ An “Về việc xác minh thông tin quân nhân đã phục viên” trả lời Công văn Báo Nghệ An nhờ xác minh 7 trường hợp đã nêu ở trên ghi rõ: “Theo quy định, Phòng Chính sách không có chức năng lưu trữ hồ sơ quân nhân công tác trong quân đội, hoặc đã xuất ngũ về địa phương, vậy kính đề nghị Báo Nghệ An trực tiếp liên hệ với các đơn vị trước đây quân nhân công tác để được trả lời cụ thể”.

Vậy mà, trong Kết luận số 49/KL-UBND ngày 4/7/2012 của UBND huyện Nghi Lộc vẫn viết: “Kết quả xác minh tại Phòng Chính sách, Phòng Quân lực Quân khu 4 các đơn vị có phiên hiệu: C767-E97-E 198-H12-C120, Lữ đoàn Công binh 249 trước 30/4/1975 có đóng ở sông Thạch Hãn - Quảng Trị là vùng có ảnh hưởng chất độc da cam. Hồ sơ của ông Nguyễn Hồng Nho và người làm chứng đi cùng là đúng”; “Kết quả xác minh tại phòng Chính sách, Phòng Quân lực Quân khu 4 các đơn vị có phiên hiệu: C767-E97-H12-C120, Lữ đoàn Công binh 249 đóng ở sông Thạch Hãn - Quảng Trị là vùng có ảnh hưởng chất độc da cam. Hồ sơ của ông Nguyễn Đức Nhã và người làm chứng đi cùng là đúng”!

Làm việc với phóng viên Báo Nghệ An, ông Trần Hữu Lam - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, người đã ký vào bản kết luận 49/KL-UBND ngày 4/7/2012 của UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Ông hoan nghênh những người như ông Đức và ông Tao đã mạnh dạn đứng lên tố cáo những việc làm sai trái và sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm và triệt để các vụ việc mà báo Nghệ An đã nêu. Thế mà khi Đoàn thanh tra huyện Nghi Lộc mới kiểm tra được 3 trường hợp, ông Lam đã vội vàng ký vào bản kết luận(!). Trong bản kết luận đó, ông yêu cầu xã Nghi Quang tổ chức họp kiểm điểm đối với ông Đức và ông Tao vì đã có hành vi tố cáo, cung cấp các thông tin cho báo chí sai sự thật!


Nhóm P.V