Châu Hạnh (Quỳ Châu): Người dân đang phải dùng nước nhiễm vôi
(Baonghean) - Ông Trần Nguyên Hồng, phó bản Hạnh Tiến, gia đình ông có 3 nhân khẩu. Xung quanh nhà ông có 3 bể nước...
(Baonghean) - Ông Trần Nguyên Hồng, phó bản Hạnh Tiến, gia đình ông có 3 nhân khẩu. Xung quanh nhà ông có 3 bể nước để đựng nước mưa, tổng cộng khoảng 10m3 nhưng không phải khi nào nhà ông cũng có nước để sinh hoạt. Ông Hồng cho biết: “Nhà tôi cũng có giếng, nhưng nước bị nhiễm vôi nên không dùng vào ăn uống. Gia đình tích góp tiền xây được mấy cái bể để mỗi khi trời mưa hứng nước chỉ dùng để phục vụ ăn uống”.
Hộ ông Nguyễn Huy Cường thì phải thường xuyên đi xin nước hàng xóm về nấu. Nhà nghèo, không có tiền xây bể nước, giếng thì đào đến hơn 50 mét mà cũng không có nước nên hằng ngày gia đình ông phải dùng nước sông để sinh hoạt.
Do chi phí xây dựng cao nên không phải hộ nào cũng có điều kiện xây bể. Trung bình, chi phí để xây bể khoảng từ 15 - 20 triệu đồng. Một bể nước ít cũng vài khối, nhưng nếu trong nhà có nhiều nhân khẩu thì bể nước phải lớn mới đáp ứng được nhu cầu. Hiện cả bản chỉ có hơn 30% số hộ có bể nước. Các hộ này hầu hết phải vay vốn ngân hàng hoặc mượn anh em bạn bè để xây bể.
Nhiều hộ không có bể nước dự trữ nên phải dùng nước giếng.
Bản Hạnh Tiến có 114 hộ với gần 500 nhân khẩu. Tất cả đều đang “khát” nước sạch. Những hộ có điều kiện thì xây được bể nước mưa, còn lại phải “nhắm mắt” sử dụng nước giếng nhiễm vôi. Theo người dân thì khoảng từ năm 1983, họ phải đào giếng sâu mới có nước. Nhưng khi dùng (đã đun sôi) lại có một lớp cặn màu trắng lắng xuống dưới đáy cốc. Khi họ dùng nước giếng giặt quần áo thì quần áo nhanh rách, tốn xà phòng hơn. Biết là nước ô nhiễm nên dân chuyển sang dùng nước sông. Nhưng cũng được một thời gian, nguồn nước sông lại tiếp tục ô nhiễm. Nguyên nhân là do các công ty khai thác vàng khi đãi vàng đã xả trực tiếp các chất như dầu, thủy ngân xuống lòng sông. Cá, tôm cũng bắt đầu chết dần, còn người dân thì sợ không sử dụng nước sông nữa.
Do phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm nên tỷ lệ người nhiễm các bệnh trong xóm ngày càng cao. Thời gian gần đây, tỷ lệ người dân trong bản mắc các bệnh về tiêu hóa ngày càng nhiều. Nhiều nhất là bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, viêm đường ruột, viêm gan... Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên các cấp trên nhưng vẫn chưa thấy thông tin gì”, ông Hồng lo lắng.
Ông Sầm Văn Thiết - Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cho biết: Vấn đề người dân bản Hạnh Tiến thiếu nước sạch để sinh hoạt, tại các kỳ họp hội đồng, xã cũng đã phản ánh vấn đề này với huyện. Tuy nhiên, huyện cũng chưa có giải pháp nào. Vì nếu bây giờ xây dựng nhà máy nước rồi bơm nước sông Hiếu lên lọc thì không khả thi vì số hộ dân nơi đây không nhiều, còn nếu nâng cấp nhà máy nước ở Thị trấn Tân Lạc rồi kéo nước về thì tốn rất nhiều tiền, mà ngân sách của huyện thì eo hẹp. Còn giải pháp đầu tư xây dựng công trình nước tự chảy cũng không được, vì xung quanh khu vực này không có nguồn khe nào cả, cách xa 10km có khe nhưng nước không đủ lực để chảy về tới bản”.
Không chỉ thiếu nước sạch để sinh hoạt, người dân bản Hạnh Tiến còn gặp khó khăn trong việc nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất hằng ngày. Hầu hết trong vườn các hộ dân ở đây không thể trồng rau màu. Nếu có trồng thì cũng sẽ chết do không có nước tưới. Mỗi năm, người dân nơi đây trung bình thiếu nước từ 4 - 6 tháng.
Phạm Bằng