Tương Dương vẫn nhức nhối nạn buôn người

10/09/2012 22:03

Sau khi báo chí vào cuộc, đặc biệt là sự quyết tâm của ngành công an, nạn buôn người ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn có phần lắng dịu. Tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu tệ nạn này sẽ chấm dứt. Hiện vẫn có những phụ nữ tiếp tục bị lừa bán sang Trung Quốc (TQ).Chưa nguôi nước mắt…

(Baonghean.vn) Sau khi báo chí vào cuộc, đặc biệt là sự quyết tâm của ngành công an, nạn buôn người ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn có phần lắng dịu. Tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu tệ nạn này sẽ chấm dứt. Hiện vẫn có những phụ nữ tiếp tục bị lừa bán sang Trung Quốc (TQ).

Chưa nguôi nước mắt…


Bản Huồi Cụt xa nhất xã Yên Na (Tương Dương) với 83 hộ Khơ mú thì có 9 phụ nữ và trẻ em gái hiện đang phải tha hương ở Trung Quốc (TQ). Hầu hết họ đều có hoàn cảnh đáng thương, gia đình thiếu ăn phải lên rừng hái măng, kiếm củ, hoặc có chồng nghiện ngập. Họ luôn ao ước thoát khỏi cảnh tù túng nơi “thâm sơn cùng cốc” tìm một cuộc sống mới. Ông Lữ Sơn Điền trưởng bản Huồi Cụt cho biết: Nắm được điều này nên có một đối tượng tên là Lữ Thị Điệp (còn gọi là Hoa) người Yên Hương (Yên Hòa – Tương Dương) tìm đến dụ dỗ. Cách ăn mặc sành điệu và những lời tỉ tê về một “thiên đường” không làm cũng có ăn hay một công việc lương cao chót vớt đã khiến không ít chị em ngã lòng, sẵn sàng tự “bán mình” cho những đối tượng buôn người, chỉ chờ một mâu thuẫn nhỏ trong gia đình là lập tức khăn gói theo Điệp sang TQ, thậm chí có người còn trốn đi mà người thân không hề hay biết. Chỉ khi gia đình nhận được một khoản tiền, thường là 10 triệu đồng, mới vỡ nhẽ người nhà đã bị lừa bán; cùng thời điểm đó, họ nhận được điện thoại của người thân từ TQ báo tin là đã bị lừa gạt đem bán.

Bà mẹ đơn thân Ốc Thị Hương có con gái là Ốc Thị Nhung (sinh năm 1992) bị lừa bán vào tháng 4/2011 vẫn chưa nguôi nước mắt. Nom chị già hơn cái tuổi 49 của mình. Khi chúng tôi hỏi chuyện về đứa con gái duy nhất, chị đưa tay gạt nước mắt: “Nghe nói hắn cũng đã lấy chồng ở bên nớ (TQ), nhưng đã mấy tháng rồi, không nhận được điện thoại của nó, không biết sống chết thế nào.” Chị Hương cho biết: Sau 3 tháng lừa bán con gái bà, Lữ Thị Điệp có về tận nhà đưa cho gia đình 10 triệu đồng. Từ đó, hễ Điệp về làng thì những người bị đối tượng này bán sang TQ mới được gọi về. Cũng theo chị Hương, thỉnh thoảng đối tượng này vẫn trở về và đi khắt làng trên, xóm dưới ngang nhiên “vận động” đàn bà, con gái theo chị ta sang TQ “làm ăn”. Chị ta bất chợt trở về rồi đi cũng không ai hay biết.

Cách đây 2 tháng, con gái anh Lữ Văn Hải là Lữ Thị Hiền đang học lớp 8 cũng bị lừa đi. Anh Hải kể lại: Trước đó ít hôm, Lữ Thị Điệp tìm đến hỏi gia đình đề nghị đưa 10 triệu đồng để con gái sang Trung Quốc “làm ăn”, nhưng gia đình đã cự tuyệt vì con gái còn nhỏ, lại đang đi học. Thế rồi nhân lúc cha mẹ sang hàng xóm uống nước chè, nói chuyện, cô bé 14 tuổi này đã khăn gói trốn đi. Cả nhà đi tìm khắp làng trên xóm dưới trong vô vọng. 3 ngày sau, anh Hải mới biết con gái đã theo Lữ Thị Điệp sang TQ. Hỏi: “Sao anh không viết đơn tố cáo?”. Người cha 44 tuổi chỉ nói được tiếng Khơ mú mẹ đẻ và tiếng Thái này ngập ngừng một lúc, rồi thú nhận rằng bản thân chưa từng có một ngày tới lớp nên không biết đọc, biết viết. Kẻ lừa gạt con gái anh hiện cũng mất dấu nên hiện giờ gia đình chỉ còn cách ngồi trước cửa ngóng ra, mong một ngày đứa con gái thân yêu như một phép màu chợt hiện ra phía con dốc đầu bản.

Tại bản Na Pu (xã Yên Na) hiện cũng có trường hợp chị Lô Thị Ty bị lừa bán cách đây 2 năm. Còn chị Lô Thị Nhung (cùng bản) vừa từ TQ trở về nửa tháng nay. Năm 20 tuổi, chị xây dựng gia đình với người ở bản bên. Sau cưới không bao lâu, anh chồng sa vào nghiện ngập, của cải trong nhà đều bán sạch. Chị Nhung chỉ còn nước dắt theo 2 con nhỏ về bản Na Pu ở nhờ cha mẹ ruột đều đã gần 90 tuổi không còn sức lao động. Sau khi chồng chết vì bệnh AIDS không bao lâu, chị phải tự “bán mình” cho bọn buôn người, chấp nhận cuộc sống “tha phương cầu thực”



Lô Thị Nhung kể lại: Sang TQ một thời gian ngắn, chị xin được việc làm tại một mỏ than, công việc hàng ngày là nấu cơm cho thợ mỏ. Quy ra tiền Việt mỗi tháng chị kiếm được từ 6 - 7 triệu đồng không hơn gì những công nhân lao động tại các khu cộng nghiệp ở các tỉnh miền Nam nước mình, lại phải sống xa quê, chui lủi vì không có giấy tờ cư trú hợp pháp. 2 năm trước, chị về quê đón 2 đứa con đi cùng vì cha mẹ đã quá già không thể nuôi nổi chúng. Tất nhiên là lần nào cũng đi theo kiểu vượt biên trái phép. Chị Nhung cho biết thêm: Lần trở về này chỉ vì thương cha mẹ đã quá già yếu và vì “thương 2 đứa nhỏ”. Hỏi: “Chị còn trở lại TQ không?” Chị nói ngập ngừng: “Nếu xin cho con đi học được thì cũng không muốn đi nữa”

Ở bản Na Pu còn trường hợp chị Vi Thị Vị. 2 năm trước chị cũng bị lừa bán sang TQ. Cuộc sống cơ cực lại đầy rẫy nguy hiểm nơi đất khách quê người khiến chỉ phải nghĩ cách tìm đường về với quê hương.

Thủ đoạn mới của những “tú bà”

Trước đây, đối tượng buôn người lừa gạt những phụ nữ nhẹ dạ với vẻ ngoài hào nhoáng và thường là người cùng bản, hoặc những bản gần nhau. Với trẻ em gái mới lớn, chúng tiếp cận mời đi ăn nhà hàng, hát karaoke rồi khoe khoang về một cuộc sống và công việc ở TP.Vinh hay một nơi nào đó trong nước. Khi “cá đã cắn câu”, chúng tổ chức đưa các em ra khỏi bản vào ban đêm, sau đó đưa lên xe chạy thẳng ra cửa khẩu để sang Trung Quốc.

Đối với những phụ nữ đã trưởng thành, lại có hoàn cảnh éo le (thường là do chồng con nghiện ngập), thì chúng rủ sang TQ làm ăn hứa hẹn mức lương cao, công việc lại nhẹ nhàng hơn đi nương, đi rãy. Chiêu thức này những đối tượng buôn người đã áp dụng với các nạn nhân tại Đôn Phục (Con Cuông) và Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) mà Báo Nghệ An đã có dịp phản ánh trong một chuyên đề dài kỳ tháng 4/2012. Tuy nhiên, hiện giờ những kẻ buôn người đã trở nên ranh ma với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn...

Hiện giờ, kể cả trong những bản vùng cao heo hút ở Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn... chẳng còn mấy ai không biết mục đích của những phụ nữ “lạ mặt” tìm đến bản hỏi người “đi làm ăn xa” thực chất chỉ để đưa người sang TQ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nhận thức được việc làm đó là buôn người và vi phạm pháp luật, một tội ác khó có thể dung tha. Khi mất con, như ông bố Lữ Văn Hải (bản Huồi Cụt) cũng chỉ phản ứng dè dặt mà không tìm cách báo với chính quyền. Có không ít người cho rằng chuyện vợ con họ sang TQ là điều bình thường như người ta đi lao động kiếm tiền. Họ dễ dàng nhận tiền của bọn buôn người, chấp nhận để người nhà ra đi. Mặc dù nhiều “đức ông chồng” không hề biết cuộc sống của vợ con sẽ ra sao khi sang bên kia biên giới. Chính điều này mà những đối tượng buôn người ngang nhiên hành hoành và có phần dễ bề hoạt động.

Chủ tịch UBND xã Yên Na (Tương Dương), ông Lô Hoài Thơm cho biết, gần đây, sau khi công an bắt một vài đối tượng buôn người tại huyện này, bọn chúng đã có phần thận trọng và xảo quyệt hơn. Trước khi đưa người sang TQ, bọn buôn người buộc các nạn nhân phải “cam kết” rằng họ đi là hoàn toàn tự nguyện chứ không bị dụ dỗ hay lường gạt. Chiêu thức này gây cho việc điều tra vô cùng khó khăn. Có những đối tượng đã bị bắt, nhưng sau phải thả vì chính nạn nhân nói rằng “bọn em” nhờ “các chị” đưa đi TQ kiếm việc làm. Nhiều khi đối tượng buôn người núp bóng đi “tuyển dụng lao động” rồi đưa người vượt biên.

Một chiêu thức khác khá cao tay được những đối tượng buôn người thực hiện là trước khi đi, những người từ 16 tuổi làm một bộ hồ sơ xin việc, xin tạm vắng tại công an xã hẳn hoi, nói rằng vào miền Nam làm công nhân. Với cách này, họ dễ dàng qua mặt cơ quan công an. Những đối tượng này đưa người đi thẳng ra Cửa khẩu Móng Cái và vượt biên trái phép sang TQ.

Dân bản Huồi Cụt cho biết, chiêu thức nói trên đang được đối tượng Lữ Thị Điệp vẫn thường xuyên đi về giữa Viêt Nam và TQ áp dụng. Trưởng bản Lữ Sơn Điền cho biết thêm: Chỉ khi những phụ nữ trong bản ra đi rồi không một tin tức gì, gia đình mới thực sự hoang mang nhưng không thể liên lạc được với những người này nữa. Chỉ khi có một vài người trở về hoặc khi đối tượng buôn người giao tiền tận tay cho gia đình họ mới hay biết là họ đã bị bán sang TQ.

“Mong hết nạn buôn người!”

Một ngày đầu tháng 9/2012, chúng tôi về lại xã Đôn Phục (Con Cuông) nơi nạn buôn người từng diễn ra nhức nhối. Con đường từ trung tâm huyện đi xã Bình Chuẩn đang dần được hoàn thiện và đã đến rất gần bản Hồng Điện. Thế là bà mẹ Vi Thị May sắp có đường đẹp để xuống chợ. Nhưng niềm vui lớn nhất của bà mẹ trẻ này là cô con gái thân yêu Ngân Thị Ứng thoát khỏi bàn tay những kẻ buôn người trở về từ Trung Quốc đã dần lấy lại tinh thần.

Những giọt lệ không còn rơi như lần chúng tôi gặp chị khi Báo Nghệ An thực hiện chuyên đề “Nhức nhối nạn buôn người” hồi cuối tháng 4/2012. Còn nhớ, lần ấy chị tiếp chuyện chúng tôi bên bếp lửa trong cái lạnh cuối mùa. Lần này, cũng vẫn bếp lửa ấy, trời lây rây mưa, nhưng tâm trạng chị không còn ủ ê như ngày ấy nữa. Chị bảo, với chị lâu nay Báo Nghệ An đã trở thành “người nhà” nên gặp lại chúng tôi như gặp lại chính người thân thích.

“Hiện giờ cháu Ứng đã hoàn toàn vui vẻ” – Chị thông báo – “Khi về, cháu cũng đã nói sự thật cuộc sống khi phải xa quê hương bản quán không sung sướng như những kẻ buôn người vẫn nói.” Như vậy, cô bé 16 tuổi đã nhanh chóng vượt qua được cú sốc đầu đời. Sau khi con gái về anh Ngân Văn Tư mua cho một đàn vịt để cô bé nuôi trong rãy. Ở đó có chiếc chòi canh nương và con suối nhỏ cũng là nơi để Ứng tĩnh tâm lại. Anh Tư cho biết: Khi hay tin Ứng đã đào thoát trở về, đối tượng đưa cô bé sáng TQ vào tháng 10/2011 là Vi Thị Hà vẫn hăm dọa em. Nhưng từ giờ gia đình sẽ không bao giờ để con mình phải rơi vào tay bọn buôn người nữa.



Ngày đoàn viên đầy nước mắt của mẹ con Ngân Thị Ứng. Ảnh: H.V

Khi chúng tôi ghé thăm nhà, Ngân Thị Ứng đang ở trên nương. Qua điện thoại, tiếng cười giòn tan của cô bé khiến chúng tôi thấy yên lòng. Cháu chỉ mong sao người ta không lừa nhau đem đi bán nữa, cuộc sống sẽ vui biết mấy” – Cô bé cho biết: “Sau này cháu muốn đi học một nghề nào đó để kiếm việc làm. Có thu nhập ổn định mới mong giúp được gia đình nhiều hơn.

Cũng trở về từ TQ vào tháng 4/2012 có Moong Thị May ở xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn). Cô trở về nhà cũng vào mùa phát rãy. Mấy tháng nay, công việc của cô cũng như bao sơn nữ khác, phát rãy trỉa lúa rồi làm cỏ, hầu như không có ngày ngơi tay, nhưng tinh thần thì thoải mái hơn, vì được sống cạnh bố mẹ và các em. Ven Thị Huyền (Mai Sơn – Tương Dương) được các chiến sỹ Công an Nghệ An đón từ Lạng Sơn về cuối tháng 4/2012 cũng đã tìm được việc làm tại một doanh nghiệp.

Xem ra, tại những những nơi chính quyền vào cuộc quyết liệt, một số đối tượng buôn người tại Đôn Phục (Con Cuông) đã bị khởi tố, nạn buôn người tại những địa bàn này đã có chiều hướng lắng dịu. Bà Lương Thị Lan (bản Hồng Điện) cho biết: “Nhờ Báo Nghệ An vào cuộc và sự tuyên truyền của chính quyền nên bây giờ không còn ai nghe theo sự dụ dỗ của bọn buôn người nữa”. Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn xã Đôn Phục có khá nhiều người trở về từ TQ, có người còn có “chồng Trung Quốc” theo về cùng. Không ai dám chắc rằng, những người này sẽ không nung nấu âm mưu dụ dỗ chị em phụ nữ bán sang bên kia biên giới. Bên cạnh đó một số đối tượng, theo đơn tố cáo của gia đình nạn nhân là những kẻ đã lừa bán con em họ sang TQ hiện vẫn ngoài vòng pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn buôn người, ông Kha Đình Phê - Trưởng phòng Lao động – Thương binh & Xã hội huyện Tương Dương cho biết: Về vấn đề này, chính quyền ít khi có thông tin từ cơ sở. Những đường dây buôn người bị phá thường do cơ quan công an khám phá. Trong năm 2011 và đầu tháng 5/2012, có 2 trẻ em gái đào thoát trở về. Nhưng hiện vẫn chưa có chính sách nào dành riêng cho những nạn nhân của nạn buôn người. Nếu những người này có nhu cầu học nghề, chính quyền sẽ tạo điều kiện cho họ học nghề.


Hà Phượng – Hồ Lài