Bất cập trong thu hút nhân tài

11/09/2012 09:27

(Baonghean) Từ năm 1999 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 1 công văn, 4 quyết định về chính sách thu hút nhân lực chất...

(Baonghean) Từ năm 1999 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 1 công văn, 4 quyết định về chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao (có 1 quyết định dành riêng cho ngành Y tế). Tuy nhiên, qua 12 năm thực hiện chính sách thu hút, người tài về với quê hương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng con người xứ Nghệ.

Hơn một thập kỷ, Nghệ An mới thu hút được 145 người, trong đó có 2 tiến sỹ, 18 thạc sỹ, 30 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, còn lại là loại khá. Những đối tượng có trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư, nghệ nhân, nghệ sỹ cấp quốc gia đều chưa có ai tình nguyện về quê công tác. Với chính sách thông thoáng hơn, nên trong 2 năm 2010-2011, Nghệ An đã thu hút được 70 người, gần bằng 10 năm trước đó, nhưng chủ yếu vẫn là sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, loại giỏi chỉ có 13 người, có 4 thạc sỹ, không có giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ.

Chính sách thu hút nhân tài về xây dựng quê hương được dư luận đồng tình rất cao, nhưng qua 12 năm thực hiện, dù đã 3 lần điều chỉnh nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Tỉnh đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng thu hút, nhưng qua thực tế cho thấy đối với những người thực sự có tài năng thì tiền không quan trọng bằng môi trường làm việc. Để tạo môi trường làm việc thuận lợi cho tài năng phát triển, thì điều quan trọng nhất là phải biết trọng dụng người tài. Thái độ trọng dụng người tài thể hiện ngay từ khi nhận hồ sơ của những sinh viên có bằng giỏi, bằng khá đến cơ quan xin việc. Không ít trường hợp các cô, cậu cử nhân có bằng giỏi, bằng khá đã phải ngậm ngùi rút lui nhường chỗ cho người nhà hoặc người có “quan hệ” thân quen chỉ có tấm bằng trung bình, thậm chí là bằng tại chức.

Với một tỉnh đất rộng người đông mà kinh tế chưa phát triển như Nghệ An, thì thiếu việc làm là căn bệnh trầm kha, “chạy chọt” để có việc làm là điều nhiều người chấp nhận, dẫn đến thực trạng tiêu cực là không có chỗ làm việc cho người thực tài, nếu không có tiền để “chạy”.

Một nguyên nhân khách quan dẫn đến hạn chế trong thu hút nhân tài là sự bất cập trong cơ chế tuyển dụng. Từ khi Chính phủ quy định chế độ thi tuyển công chức, viên chức, việc thi tuyển thực hiện theo vị trí việc làm, sinh viên tốt nghiệp thủ khoa đại học mới được tuyển thẳng, còn bằng giỏi hay bằng khá đều phải qua thi tuyển. Một vị trí việc làm nhiều người có bằng giỏi, bằng khá cùng thi tuyển nhưng chỉ chọn một người, do đó gây tâm lý nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách thu hút của tỉnh. Mặt khác, do chất lượng đào tạo các trường đại học không đồng đều nên chất lượng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại khá cũng chênh lệch nhau. Loại giỏi của trường này có khi chưa bằng loại trung bình khá của trường khác, thậm chí cá biệt có bằng giỏi, bằng khá được mua bằng tiền. Nếu quy định đại trà tất cả sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, loại khá đều tiếp nhận thì sẽ có nhiều trường hợp không đúng thực chất. Đây là một mâu thuẫn khách quan làm cho việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài bị hạn chế.

12 năm thực hiện chính sách thu hút nhân tài mà chỉ có 2 tiến sỹ, 18 thạc sỹ và 30 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi về quê làm việc thì đó là con số quá ít ỏi so với tiềm năng con người vùng đất học như Nghệ An ta. Và ta cũng nên xem xét đến việc đào tào nhân tài từ nguồn lực tại chỗ. Thu hút nhân tài là một chính sách lớn của tỉnh nhưng đang gặp những bất cập không nhỏ, làm cho việc thực hiện chưa đạt được kết quả như mong muốn. Không có chính sách nào hoàn toàn thuận lợi, cũng không có chính sách nào chỉ có khó khăn. Vấn đề là từ kinh nghiệm thực tiễn phải có giải pháp điều chỉnh kịp thời để chính sách này ngày càng đi vào cuộc sống.


Trần Hồng Cơ