Quảng bá nông sản địa phương: Cách làm mới ở Tương Dương

10/09/2012 18:08

Gần 6 tháng nay, cửa hàng rau sạch địa phương và thực phẩm bình ổn giá được UBND huyện tương dương mở ra đã thu hút đông đảo người dân thị trấn và các xã lân cận đến mua và trao đổi hàng hóa. Đây là cách làm mới cần được tổ chức tốt nhằm kích thích sản xuất và quảng bá các mặt hàng nông sản của địa phương.

(Baonghean) Gần 6 tháng nay, cửa hàng rau sạch địa phương và thực phẩm bình ổn giá được UBND huyện tương dương mở ra đã thu hút đông đảo người dân thị trấn và các xã lân cận đến mua và trao đổi hàng hóa. Đây là cách làm mới cần được tổ chức tốt nhằm kích thích sản xuất và quảng bá các mặt hàng nông sản của địa phương.

Tương Dương được biết đến là huyện miền núi có nhiều mặt hàng nông sản có chất lượng tốt. Ngoài những sản phẩm truyền thống lâu nay của địa phương thì còn có nhiều mặt hàng đang được nhân rộng từ các mô hình phát triển sản xuất như bí xanh, khoai sọ, cà chua, chuối, lợn đen… Nhiều sản phẩm đã trở thành nông sản chủ lực của các xã, góp phần cung cấp nhu cầu thiết yếu cho đời sống nhân dân trong huyện. Khách mỗi lần ghé qua Tương Dương đều nán lại tìm mua cho mình một ít hàng đặc sản để về sử dụng hoặc làm quà cho người thân, bạn bè. Tuy nhiên, những kênh tiêu thụ này còn nhỏ lẻ và chưa quảng bá được thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của huyện. Trước thực tế đó, cửa hàng cung cấp rau sạch địa phương và bình ổn giá được ra đời.

Đầu năm 2012, huyện đã trích 15 triệu đồng trong quỹ quảng bá của chương trình 30a để xây dựng cửa hàng. Địa điểm đặt cửa hàng là một góc nhỏ nằm trong khuôn viên của UBND huyện. Tại đây, từ thịt lợn đến rau, củ quả… đều được bày bán.



Rau, củ quả được thu mua tận bản rồi bán với giá thấp hơn thị trường.

Chia sẻ về cách làm mới này, ông Vi Tân Hợi, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Đây như là một cửa hàng mẫu, chúng tôi thống nhất với 2 hộ về các điều kiện kinh doanh như địa điểm bán hàng, giá cả, nguồn gốc xuất xứ. Huyện sẽ bố trí địa điểm bán hàng và không thu của 2 hộ này bất kỳ một phí nào cả. Nhưng đổi lại, 2 hộ này sẽ giúp huyện trong việc quảng bá về các mặt hàng nông sản của địa phương, tuyên truyền về an toàn thực phẩm và bình ổn giá trên thị trường. Tuy mới thực hiện được hơn 6 tháng, nhưng hiệu quả bước đầu là rất tốt. Đây là một cách làm mới và chúng tôi sẽ có đánh giá để bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp hơn”.

Là một trong 2 hộ kinh doanh tại cửa hàng, chị Hồ Thị Bích (khối Hòa Đông, thị trấn Hòa Bình) cho biết: “Gia đình nhận bán thịt tại quầy từ ra tết đến nay. Trung bình, mỗi ngày bán được từ 1-2 con lợn, khoảng 40-50kg thịt. Gia đình mua lợn của các hộ dân nuôi theo dự án. Huyện yêu cầu chúng tôi chỉ được bán thịt lợn địa phương chứ không được bán thịt lợn dưới xuôi đưa lên, nên trước khi đi mua, chúng tôi sẽ gọi điện vào các hộ dân, khi có hàng thì sẽ vào mua theo giá thị trường và có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y”. Chị Bích còn cho biết, mỗi kg thịt bán tại quầy thường có giả rẻ hơn so với thị trường từ 500-2.000 đồng, tùy loại thịt. Trước mỗi buổi sáng, chị ghi giá bán các loại thịt lên tấm bảng đặt trước quầy, khách vào mua không cần trả giá. Cửa hàng phục vụ cả ngày để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Kế bên sạp bán thịt lợn của chị Bích là sạp bán các loại rau, củ, quả của chị Bùi Thị Loan (khối Hòa Tây, thị trấn Hòa Bình). Hầu hết các loại nông sản như bí xanh, cà chua, khoai sọ, bầu... đều có mặt trên sạp. “Chúng tôi phải vào từng bản, từng xã để mua hàng rồi đưa ra đây bán. Tất cả đều có địa chỉ rõ ràng và cụ thể. Giá bán cũng rẻ hơn so với giá thị trường từ 500-1000 đồng, tùy loại. Khách xa đến và có nhu cầu mua nhiều, chúng tôi sẽ cho họ địa chỉ hoặc có thể lấy hàng giúp cho họ. Ngày nào hàng cũng được người dân mua hết”, chị Loan hồ hởi nói.

Cửa hàng mở ra đã thu hút đông đảo người dân thị trấn và các xã lân cận đến mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy cửa hàng cách chợ trung tâm thị trấn Hòa Bình không xa, nhưng lúc nào khách ra vào cũng đông đúc. Họ đến với cửa hàng không chỉ vì hàng hóa có chất lượng tốt, địa chỉ rõ ràng mà hơn nữa sẽ không sợ bị mua hớ với giá cao. Bà Lê Thị Xoan, một người dân ở thị trấn Hòa Bình cho biết: “Từ ngày có cửa hàng này, gia đình không phải chạy xuống chợ để mua thức ăn như mọi ngày nữa. Hơn thế, rau thịt ở đây rất tươi và có xuất xứ rõ ràng nên chúng tôi cũng yên tâm. Giá cả đã được ghi sẵn cả rồi và thường thấp hơn giá ngoài chợ nên gia đình cũng tiết kiệm được một khoản tiền thức ăn hàng ngày. Người dân sống gần đây giờ chủ yếu mua tại đây chứ cũng ít ra chợ như ngày trước”.

Đây là một cách làm mới có hiệu quả thiết thực của huyện Tương Dương trong việc kích thích tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, để điểm bán hàng này có sức lan tỏa hơn thì cần có những chính sách, quy định cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh yên tâm buôn bán. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết, gắn bó giữa các địa chỉ sản xuất tới các hộ kinh doanh để từ đây, sản phẩm nông nghiệp sẽ được quảng bá và tiêu thụ tốt hơn. Điều này sẽ kích thích nền sản xuất nông nghiệp của huyện, nâng cao thu nhập cho người dân.


Phạm Bằng