Những thảo dược có công dụng tốt với bệnh gout
Trong tự nhiên có nhiều vị thuốc từ cây cỏ nhưng có công dụng giảm sưng đau, kháng viêm rất tốt mà không gây tác dụng phụ.
Dưới đây là 3 thảo dược quý mà người bị bệnh gout nên biết.
Cây sói rừng
Cây sói rừng, còn gọi là "cửu tiết trà", "tiếp cốt mộc", "cửu tiết phong"…, có tên khoa học là Sarcandra grabra (Thunb.), mọc hoang ở nhiều nơi trên đất nước ta. Theo dược học cổ truyền, cây sói rừng vị cay, tính bình, được xem là vị thuốc quý dùng rộng rãi trong dân gian với công dụng thải trừ độc, giảm đau, kháng khuẩn và điều hòa miễn dịch, thường dùng trong các bệnh lý viêm nhiễm, bệnh tự miễn, viêm khớp dạng thấp, thống phong (bệnh gout).
Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, dịch chiết từ cây sói rừng có tác dụng chống viêm đạt hiệu quả 97,6% nhưng không gây tác dụng phụ, đặc biệt phần lá cây có tác dụng kháng khuẩn mạnh nhất. Các nhà y học cổ truyền Trung Quốc đã bào chế sói rừng thành dạng thuốc tiêm bắp để trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp một cách hiệu quả.
Hy thiêm
Cây dược liệu Hy thiêm còn có tên gọi khác là chó đẻ hoa vàng đang được dùng phổ biến trong y học cổ truyền và công nghiệp dược ở Việt Nam. Với người mắc bệnh gout, Hy thiêm chứa chất đắng daturosid, orientin và 3.7 dimethylquercetin giúp hạ acid uric trong máu. Hiện nay, nhiều nghiên cứu của Đại học Dược Hà Nội cho thấy tác dụng hạ acid uric và chống viêm giảm đau rõ rệt của loại cây này.
Hy Thiêm còn có tác dụng dược lý như trừ phong thấp, thông kinh lạc, thanh nhiệt giải độc, lợi gân cốt, giảm đau, đồng thời có tác dụng an thần, hạ huyết áp, ức chế sự phát triển của những vết loét trên cơ thể vì thế khi dùng Hy thiêm sẽ làm giảm triệu chứng biến chứng ở bệnh nhân gout.
Cây Hy Thiêm
Lá Hy Thiêm có tác dụng ức chế rõ rệt giai đoạn viêm cấp tính và ức chế yếu giai đoạn viêm mãn tính thực nghiệm. Mặt khác, độc tính cấp của Hy Thiêm tương đối thấp (77,7g/kg trọng lượng), do đó đã được bào chế thành thuốc điều trị bệnh gout.
Mã tiền chế
Để trị chứng phong thấp, từ xa xưa ông cha ta đã biết sử dụng hạt mã tiền để chữa trị theo nguyên tắc "lấy độc trị độc".
Đây là một kinh nghiệm có giá trị hết sức đặc biệt. Tác dụng chống tê mỏi và cắt cơn đau của hạt mã tiền đã được kiểm chứng trên thực tế suốt từ đời này qua đời khác. Trong các bài thuốc dân gian chữa phong thấp có hiệu quả đều có thấy sử dụng đến Mã tiền chế.
Kết quả nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, tác dụng dược lý của Mã tiền chế có tác dụng làm tăng hưng phấn thần kinh, làm tê thần kinh cảm giác, giảm đau, chống viêm, ức chế vi khuẩn.
Trong y học cổ truyền, Mã tiền chế có tác dụng khá phong phú: thúc đẩy sự vận hành của huyết dịch, trừ khử ứ trệ, thông kinh hoạt lạc, chống tê mỏi và cắt cơn đau xương khớp do phong tê thấp, đau do gout.
Theo Tiền phong - NT