Có "vỏ", rỗng "ruột"

15/10/2012 17:59

(Baonghean) - Do nhiều nguyên nhân, ở tỉnh ta việc triển khai thực hiện Đề án Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thông tin - thể thao (VH-TT-TT) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt đối với các địa phương thuộc khu vực miền núi - vùng cao…

Vài nét thực trạng

Những ngày cuối tháng 9/2012, chúng tôi có mặt tại xã Lượng Minh (Tương Dương), một địa phương đang bộn bề bởi công việc tái định cư. Theo kết luận của các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu, hòn núi cao phía sau bản Xốp Mạt (trung tâm xã) xuất hiện vết nứt bên trong do đứt gãy gây hiện tượng trượt lở đất, đe dọa đến cuộc sống của người dân. Vì thế, các hộ dân ở Xốp Mạt và trụ sở các cơ quan cấp xã như UBND xã, trường học, trạm y tế đều phải di dời. Hiện tại, trong cảnh bề bộn, cán bộ và nhân dân Lượng Minh vẫn cố gắng dựng lên một ngôi nhà thưng phên nứa, lợp pờ- rô xi măng và gắn biển “Trung tâm Học tập cộng đồng”, kiêm luôn chức năng nhà văn hóa xã.

Theo ông Vi Đình Phúc - Bí thư Đảng ủy xã, Lượng Minh trong tình hình hiện tại không thể không có nơi để hội họp và tổ chức các hoạt động về văn hóa- xã hội. Đó là ở cấp xã, còn ở cấp thôn bản, cũng theo ông Phúc thì hiện tại mới chỉ có 3/10 bản của xã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa là bản Lả, bản Đửa và bản Cà Moong. 7 bản còn lại chưa có nhà văn hóa, mỗi khi tổ chức họp dân phải mượn nhà của trưởng bản hoặc bí thư. Đó là chưa kể mỗi khi có các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật hay tập luyện văn nghệ phục vụ các ngày lễ lớn gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tổ chức.



Nhà văn hóa đa chức năng xã Tam Đình (Tương Dương) sau 1 năm thi công vẫn chưa hoàn thành phần thô.

Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương, đến thời điểm hiện nay toàn huyện mới chỉ có 12/18 xã/thị trấn có nhà văn hóa đa chức năng và 103/154 thôn bản có nhà văn hóa cộng đồng (trong đó chỉ có 47 nhà đạt tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, 34 nhà đã xuống cấp nghiêm trọng cần được tu sửa); 3/18 xã có sân vận động đạt 3.000m2 trở lên; 6/18 xã có thư viện, 11/18 xã có bưu điện văn hóa; chỉ 4 trạm truyền thanh còn đang hoạt động, 8 trạm đã bị hư hỏng; 3 xã chưa có mặt bằng quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn. Cần nói thêm rằng, 12/18 nhà văn hóa cấp xã được đầu tư xây dựng nhưng có những trường hợp chỉ có “vỏ” nhưng chưa có “ruột” nên vẫn chưa thể phát huy tác dụng, hiệu quả. Chẳng hạn, nhà văn hóa xã Xiêng My đã được hoàn thành khoảng hơn 1 năm nay nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì “thiếu đủ thứ”, từ bàn ghế, loa đài đến các phương tiện phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Vì thế, hơn 1 năm nay, công trình này ở trong tình trạng “dầm mưa, dãi nắng”, một vài hạng mục (trần nhà, cửa sổ) đã có dấu hiệu xuống cấp.

Ở huyện Kỳ Sơn hiện mới có 7/21 (chiếm 33,3%) xã có nhà văn hóa đạt chuẩn quốc gia. Điều đáng nói là riêng Thị trấn Mường Xén, trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của huyện, hiện nay vẫn chưa có nhà văn hóa. Ở cấp thôn bản hiện chỉ có 68/189 (đạt 35,9%) bản có nhà văn hóa (trong đó 2 nhà đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia, 66 nhà đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh). Số xã có sân bóng đá hiện cũng chỉ mới ở mức 3/21 (chiếm 14,2%), còn 2 xã chưa có sân bóng chuyền. Số làng bản chưa có sân thể thao vẫn đang ở mức 46/189 (chiếm 24,3%). Đó là chưa kể tới một số nhà văn hóa và sân vận động cấp xã đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp như ở Huồi Tụ, Mường Lống. Nhà văn hóa cộng đồng của một số thôn bản được xây dựng từ nhiều năm trước nay cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, cần có kế hoạch tu sửa, nâng cấp hoặc xây mới.

Nguyên nhân và giải pháp

Ông Moong Thái Nhi - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kỳ Sơn cho rằng: “Đối với các huyện vùng cao nói chung, huyện Kỳ Sơn nói riêng, khó khăn nhất trong việc xây dựng hệ thống thiết chế VH-TT-TT đồng bộ là việc quy hoạch quỹ đất. Điều này bắt nguồn từ yếu tố địa hình, diện tích tự nhiên lớn nhưng chủ yếu là núi rừng hiểm trở nên việc quy hoạch mặt bằng theo các tiêu chí của Bộ có thể nói rất khó đạt”. Cùng với đó, ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa ý thức được vai trò của thiết chế văn hóa nên chưa có sự quan tâm đúng mức. Do vậy, việc có nhà văn hóa mà không có sân, không có bàn ghế, loa đài là thực trạng khá phổ biến ở các bản làng vùng sâu, vùng xa.

Còn ông Vi Sắt Son - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tương Dương khẳng định, bên cạnh yếu tố địa hình và nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp, còn có những nguyên nhân khác như nhân dân vùng cao hầu hết đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực cho công tác xã hội hóa gần như là không thể. Việc đầu tư xây dựng thiết chế VH-TT-TT từ các chương trình, dự án còn dàn trải, thiếu đồng bộ nên khi đưa vào khai thác sử dụng chưa phát huy được công năng của các thiết chế đó. Ngoài ra, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở còn hạn chế và thiếu chủ động, nhiệt tình công tác...

Về mặt giải pháp, cả ông Moong Thái Nhi và ông Vi Sắt Son đều cho rằng cần sự đầu tư đồng bộ của Nhà nước, tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở... Đặc biệt, cần khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của cán bộ thôn bản và bà con nhân dân. Những thôn bản đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa nhưng chưa có bàn ghế, loa đài, tùy vào điều kiện cụ thể để vận động nhân dân đóng góp gỗ làm bàn ghế hoặc gây quỹ để mua sắm loa đài, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa- thông tin của thôn bản. Làm được như thế sẽ nâng cao ý thức trong quản lý và bảo vệ tài sản chung của cán bộ và nhân dân, góp phần khắc phục tình trạng có “vỏ” mà rỗng “ruột”.


CÔNG KIÊN