Tác dụng chữa bệnh của cây hẹ

16/10/2012 22:20

Hạt và rễ hẹ có tính ấm, vị cay ngọt, đi vào kinh can, thận, chữa đái dầm, táo bón, trị giun kim... Củ hẹ tác dụng ôn trung, kiện vị, hành khí...

Cây hẹ có tên gọi là cửu thái, khởi dương thảo, có tên khoa học Allium tuberosum Rottl.ex Spreng. Cây hẹ là cây thân thảo, có chiều cao khoảng 20-40 cm, giàu dược tính và có mùi thơm rất đặc trưng, không chỉ được dùng nhiều trong các món ăn như nấu canh, muối chua với dưa giá, ăn với bánh hỏi…, mà còn là cây thuốc chữa được nhiều bệnh.

Dịch chiết của lá hẹ có tác dụng kháng khuẩn mạnh với nhiều loại vi khuẩn. Đặc biệt, trong lá hẹ có rất nhiều chất xơ, có tác dụng giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngừa xơ mỡ động mạch, bảo vệ tuyến tụy.

Theo Đông y, lá hẹ để tươi có tính nhiệt, nhưng khi nấu chín ăn lại có tính ôn (ấm), vị cay, đi vào các kinh can, tỳ và vị; tác dụng ôn trung, hành khí, tán độc, chữa ho cho trẻ, tiêu hóa kém, trĩ sưng đau, ra mồ hôi trộm, đi tiểu nhiều lần... Còn hạt và rễ hẹ cũng có tính ấm, vị cay ngọt, đi vào kinh can, thận, chữa đái dầm, táo bón, trị giun kim... Củ hẹ tác dụng ôn trung, kiện vị, hành khí...



Sau đây là tác dụng của cây hẹ:

- Trị côn trùng chui vào tai: Lấy một nắm lá hẹ rửa sạch giã nát vắt lấy nước cốt nhỏ vào tai có côn trùng, côn trùng sẽ tự bò ra.

- Chữa cảm mạo, ho do lạnh: Lá hẹ 250g, gừng tươi 25g, cho thêm ít đường hấp chín, ăn cái, uống nước.

- Chữa di tinh, mộng tinh, phụ nữ khí hư đới hạ: Dùng 1kg hạt hẹ cho vào nồi rồi đổ giấm vào đun sôi, sau vớt hạt hẹ ra phơi khô, tán nhỏ mịn, cho mật trộn để viên hoàn to cỡ hạt đậu xanh. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 viên.

- Chữa đau răng: Lấy một nắm hẹ (cả rễ) giã nhuyễn, đặt vào chỗ đau, đặt liên tục cho đến khi khỏi.

- Chữa chứng táo bón: Hạt hẹ rang vàng, giã nhỏ. Mỗi lần uống 5g. Hòa nước sôi uống ngày 3 lần.

- Chữa chứng đái dầm ở trẻ em: Nấu cháo gạo 50g, dùng 25g rễ hẹ vắt lấy nước cho vào cháo đang sôi, thêm ít đường, ăn nóng, dùng liên tục trong 10 ngày.

- Chữa trĩ sưng đau: Một nắm to lá hẹ cho vào nồi đất cùng với nước, dùng lá chuối bịt kín nồi, đun đến khi sôi thì nhấc xuống, chọc một lỗ thủng trên lá chuối cho hơi bay lên để xông trĩ. Khi thấy hết hơi bay lên thì đổ hẹ ra chậu ngâm rửa hậu môn.

- Chữa ho trẻ em: Lấy lá hẹ tươi đem cắt nhỏ, cho đường phèn vào cùng một bát, sau cho vào nồi cơm hấp chín. Cho trẻ uống dần trong ngày 2 - 3 lần.

- Chữa ra mồ hôi trộm: Lá hẹ tươi 200g, thịt rắn 100g. Hai thứ đem cùng hấp chín, nêm gia vị vừa đủ để ăn hằng ngày.

- Chữa tiểu nhiều lần vào ban đêm: Lá hẹ, dây tơ hồng xanh, ngũ vị tử, phúc bồn tử, câu kỷ tử, nữ trinh tử (mỗi vị 40g), đem phơi khô tán bột, mỗi lần uống 6g. Ngày uống 2 lần với nước ấm.

- Chữa hen suyễn (thở khò khè): Lá hẹ một nắm giã nát, lấy nước uống hay sắc lên để uống.

- Chữa nôn mửa: Nước cốt lá hẹ 100g, sữa bò 200g, nước cốt gừng 25g. Tất cả trộn đều, hâm nóng, cho người bệnh uống.

- Chữa giun kim: Rễ hẹ một nắm giã lấy nước cho uống.

- Tiểu đường: Củ hẹ 150 g, thịt sò 100 g. Nấu chín, nêm gia vị, ăn thường xuyên.

- Chữa ho ở trẻ sơ sinh: Lấy lá hẹ xắt nhỏ trộn với đường phèn hoặc mật o­ng vào cùng một chén, sau đưa chén vào nồi cơm hấp chín. Cho trẻ uống dần trong ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 2 - 3 muỗng cà phê.


Theo Nông Nghiệp Việt Nam - NT