Bài 1: Có cầu ắt có cung

25/09/2012 15:23

Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư mới về dạy thêm, học thêm. Những quy định đưa ra dựa trên nguyên tắc quản lý dạy thêm, học thêm theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm quyền lợi cho cả người dạy và người học. Song, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn. Liệu đó có phải là giải pháp hữu hiệu để hạn chế những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm đang khiến dư luận bất bình?

(Baonghean) Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư mới về dạy thêm, học thêm. Những quy định đưa ra dựa trên nguyên tắc quản lý dạy thêm, học thêm theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm quyền lợi cho cả người dạy và người học. Song, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn. Liệu đó có phải là giải pháp hữu hiệu để hạn chế những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm đang khiến dư luận bất bình?

Mới bắt đầu năm học được 3 tuần, hiện tượng dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường đã bắt đầu công khai hoạt động. Có mặt tại Trường Tiểu học Hưng Chính (TP. Vinh) vào sáng thứ 7 ngày 22/9 đúng vào giờ ra chơi, chúng tôi chứng kiến cảnh học sinh ùa ra rất đông từ các lớp học.



Sáng thứ 7, ngày 22/9/2012, ở Trường Tiểu học Hưng Chính, giờ học không thống nhất nên lớp thì học, lớp thì ra chơi.

Mới đầu, bác bảo vệ còn vồn vã trò chuyện, nhưng khi biết chúng tôi là phóng viên thì khóa trái cổng trường, tỏ thái độ gắt gỏng: “Hôm nay nhà trường bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh kém. Hiệu trưởng, hiệu phó đều không có ở đây. Mời các vị đi nơi khác cho”. Hỏi thăm các em đang chơi phía ngoài cổng đều khẳng định đây là ngày đầu tiên các em đi học thêm 2 môn, sáng môn Tiếng Việt, chiều môn Toán. Em K. thật thà cho biết: “Buổi sáng nay chúng cháu học môn Tiếng Việt, buổi chiều học Toán; lớp cháu chỉ vắng mấy bạn thôi, còn lại đi học hết”. Em T. (lớp 4A) cho hay: “Đây là buổi đầu tiên học thêm. Lớp có 36 bạn chỉ vắng 2 bạn”.

Qua điện thoại, trao đổi với ông Thái Khắc Tân - Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Vinh, ông cho biết hiện đang ở Đô Lương nên không thể trực tiếp đến kiểm tra và khẳng định, nếu đúng nhà trường đang dạy thêm thì sẽ chấn chỉnh ngay. Chiều cùng ngày, ông Tân điện lại cho chúng tôi và cho biết: Theo báo cáo của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Chính, do Đại hội chi bộ của Trường họp vào thứ 6 nên nhà trường tổ chức dạy bù vào thứ 7(?).

Trong khi dạy thêm, học thêm trong các trường tiểu học ở TP. Vinh năm học này mới bắt đầu hoạt động thì dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đã âm thầm hoạt động từ lâu. Phần lớn các lớp dạy thêm, học thêm hiện nay đều rơi vào các thầy, cô giáo đang đi dạy, đã được phổ biến và nắm rõ quy định mới “giáo viên đang ăn lương ở các trường công lập không được tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường”.

Trong vai phụ huynh đi xin học thêm cho con, qua lời giới thiệu của bạn bè, chúng tôi tìm tới nhà cô giáo Nguyễn Thị H. (phường Hưng Phúc, TP Vinh), giáo viên Trường Tiểu học Hưng Bình. Vì không thấy có người quen đưa đến, lại biết có thông tư mới của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm nên cô có vẻ rất “cảnh giác” và cương quyết “từ chối” với lí do “hiện nay không có lớp nào cả, tôi chỉ dạy thêm cho các cháu vào dịp hè”.

Thế nhưng trong quá trình nói chuyện, cô tỏ ra khá sốt ruột, hết nhìn đồng hồ, lại liếc ra cửa. Biết sắp đến giờ lớp học buổi tối của cô bắt đầu, chúng tôi cố tình nán lại trò chuyện, lác đác vài phụ huynh đưa con tới nhưng khi nhận được “tín hiệu”, họ lại quay ra. Khi chúng tôi chào cô ra về và bí mật đứng cách cổng nhà cô vài mét để quan sát thì chừng khoảng 20 phút sau, phụ huynh đưa con quay trở lại nhà cô và buổi học diễn ra theo đúng lịch đã quy định.

Lớp học có khoảng 15 - 20 em được bố trí trong khoảng sân chật hẹp, xung quanh chất đầy gỗ, trên lợp mái tôn. Qua tìm hiểu được biết, lớp học này khai giảng đầu tháng 9, mỗi tuần học 2 buổi (vào tối thứ 4 và thứ 7), với mức học phí 30.000 đồng/buổi/học sinh. Ngoài ra, cô còn một lớp khác, khai giảng từ tháng 6, chủ yếu dạy cho học sinh trong trường. Qua phản ánh của phụ huynh thì Trường Tiểu học Hưng Bình có khoảng 80% giáo viên có tổ chức dạy thêm tại nhà. Điển hình như cô Q.A chủ nhiệm lớp 3D, cô T chủ nhiệm lớp 1D, cô H chủ nhiệm lớp 2D,... Trên địa bàn Thành phố Vinh hiện nay vẫn có hàng chục lớp dạy thêm cho học sinh tiểu học vào các buổi tối và ngày thứ 7, Chủ nhật. Các lớp học này phần lớn không đủ tiêu chuẩn như quy định của Bộ GD&ĐT về ánh sáng, bàn ghế, diện tích phòng học…

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT: “Quan điểm của Phòng là không dạy thêm cho cấptiểu học dưới bất kì hình thức nào. Các trường có thể tổ chức dạy bồi dưỡng năng khiếu, nhưng chỉ dành cho một nhóm đối tượng thực sự có năng khiếu chứ không phải dạy đại trà”.

Lý do phụ huynh cho con theo các lớp học thêm cũng vô vàn. Một số người có nhu cầu thật sự, muốn con cái được học thêm để bồi dưỡng kiến thức, song cũng rất nhiều người muốn con học thêm môn này, môn khác theo phong trào, bất luận con có theo được hay không; số khác thì sợ con bị thầy, cô để ý trên lớp chính khóa nên cứ ghi danh, nộp tiền học thêm đầy đủ, nhưng đi học thì buổi có buổi không. Đáng trách là có một bộ phận giáo viên vì mục đích lợi nhuận đã dạy thêm bằng mọi cách, gây sức ép đối với học sinh; có thái độ không đúng mực với học sinh không học thêm mình; tổ chức dạy trước chương trình; cho học sinh làm trước bài kiểm tra ở lớp học thêm để thu hút học sinh đăng ký.

Chị A.V, một phụ huynh ở phường Bến Thủy bức xúc: “Mới vào học hơn 2 tuần, cô giáo của con tôi đã cho một đống bài tập, mà đa phần là bài nâng cao, không đi học thêm thì không thể giải được hết bài”. Ngay một cán bộ của Sở GD&ĐT cũng bày tỏ: “Con tôi học lớp 3, lúc đầu cương quyết không cho đi học thêm vì không cần thiết. Nhưng vào năm học mới được vài hôm, cháu về bảo: “Ba cho con đi học thêm nhà cô. Bài cô ra, trong lớp chỉ có con không giải được”. Thì ra, nội dung dạy thêm ở nhà, cô giáo đã dạy trước và dạy nâng cao chương trình chính khoá, nếu các cháu không theo học sẽ không “bắt kịp” chương trình”.

Tuy nhiên, cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho thầy cô giáo khi mà trào lưu học thêm đã trở thành “căn bệnh khó chữa” ở không ít bậc phụ huynh. Tâm lý sợ con “thua bạn kém bè”; nhu cầu vào trường chuyên, lớp chọn; áp lực thành tích khiến không ít phụ huynh chạy đôn, chạy đáo tìm lớp học thêm cho con, nhờ vả các thầy cô, nhất là các thầy cô có uy tín, giàu kinh nghiệm.

Một thầy giáo đã 32 năm công tác trong ngành Giáo dục cho rằng, trong khi người người, nhà nhà và xã hội coi trọng bằng cấp; tên tuổi ngôi trường lại được cấp trên gắn với bảng kết quả học sinh thi vào lớp 6 trường chuyên như hiện nay, thì việc học thêm, dạy thêm là điều tất nhiên. Và người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trào lưu này chính là các em học sinh. Với lịch học kín mít, ngày 2 buổi 7 - 8 tiếng ở trường; tối học ở nhà thầy cô giáo đã gây áp lực lên các em. Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT cấm dạy thêm học thêm ở cấp tiểu học là đúng, bởi đây là lứa tuổi “học mà chơi, chơi mà học” chứ không phải nhồi nhét những mớ kiến thức khô khan. Bởi vậy, thay vì ép con “hành xác” trong những lớp học thêm không có kết quả, các bậc phụ huynh hãy tạo mọi điều kiện thuận lợi để con mình cân bằng giữa học tập và vui chơi theo đúng lứa tuổi.

Điểm mới được đặc biệt quan tâm tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐTcủa Bộ GD&ĐT (có hiệu lực từ ngày 1/7/2012)là quy định không dạy thêm đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày; không dạy thêm cho HS tiểu học, trừ 3 trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, rèn luyện kỹ năng sống. Ngày 7/9/2012, Sở GD&ĐT cũng đã có Công văn số 1830 vềkết luận giao ban GDTH năm học 2012 - 2013, trong đó ghi rõ “về dạy thêm, học thêm ở tiểu học: Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT, đối với trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày, các phòng không được cấp phép cho giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, các trường không được tổ chức dạy các môn văn hóa trong trường (trừ trường hợp bồi dưỡng học sinh năng khiếu). Các trường cần phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn quản lý chặt chẽ, chấm dứt tình trạng dạy thêm ở cấp tiểu học. Tổ chức thanh tra, phát hiện và xử lý đúng mức những sai phạm trong dạy thêm, học thêm”.

(Còn nữa)


Gia Huy - Duy Nam