Cần làm rõ trách nhiệm, chỉ ra nguyên nhân, giải quyết triệt để

24/10/2012 09:50

Kỳ 3: ĐI NGƯỢC CHỦ TRƯƠNG, VI PHẠM PHÁP LUẬT

Kỳ 3: ĐI NGƯỢC CHỦ TRƯƠNG, VI PHẠM PHÁP LUẬT

(Baonghean) - Không chịu di dời, kéo nhau trở về vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, lấy việc xâm hại các tài nguyên rừng làm kế sinh nhai - Hành vi đó không những đưa bản thân họ vào ngõ cụt đối mặt với bao hiểm nguy mà còn đi ngược chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về di dân TĐC, vi phạm Luật Cư trú..

>>Kỳ 2: CUỘC SỐNG TRÔI NỔI Ở LÒNG HỒ

Những hộ dân mà chúng tôi đề cập đến chính là 33 hộ dân thuộc bản Chà Coong, (xã Hữu Dương cũ, huyện Tương Dương) vẫn chây lỳ không di chuyển về phần đất đã dành sẵn cho họ ở khu TĐC Chà Coong 2, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Suốt mấy năm qua, họ tự thành lập một cộng đồng riêng và sinh sống trong vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Bộ phận dân cư thứ 2 là 245 hộ, 614 khẩu đã chuyển về các khu TĐC ở Thanh Chương nhưng đã trở về Tương Dương, chủ yếu là vào vùng lòng hồ phá rừng làm nương rẫy và đánh bắt thủy sản. Trong số hộ dân này, đáng chú ý có 36 hộ, 164 khẩu sống ở 10/30 bản, mỗi bản có 1-2 hộ, nhưng tập trung chủ yếu ở bản Kim Hồng (xã Ngọc Lâm) 25/102 hộ, 117 khẩu đã bán nhà ở các khu TĐC (con số hộ trở về trên là căn cứ theo báo cáo của huyện Thanh Chương tính đến 1/10/2012, nhưng con số cụ thể mà chúng tôi thống kê được sau khi tìm hiểu thông tin ở địa phương thì có khoảng 47 hộ đã bán nhà ở khu TĐC).



Rừng phòng hộ lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ bị người dân TĐC “nhảy dù” biến thành rẫy lúa.

Sau khi di dời, các xã thuộc vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ đã chính thức bị xóa sổ khỏi bản đồ hành chính của huyện Tương Dương, con dấu cũng đã được cơ quan cấp trên thu hồi. Trong tình cảnh đó, số hộ dân ngoan cố trụ lại, cụ thể là 33 hộ dân của bản Chà Coong trong suốt thời gian qua không có cơ quan chức năng nào quản lý về mặt hành chính. Từ đây đặt ra nhiều vấn đề về quản lý con người và an ninh trật tự, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Vợ chồng Lương Văn Ngơi và Quang Thị Hương sinh cháu Lương Sỹ Đăng năm 2011 nhưng phải chạy về xã Tam Đình, quê vợ khai sinh cho cháu. Phải chịu nhiều thiệt thòi nếu cứ cư trú phi pháp trong lòng hồ, tuy nhiên, khi được hỏi gia đình có chuyển về khu TĐC ở Thanh Chương không, Ngơi và gia đình đều trả lời: "Không!". Ở lại không chỉ là sự thiệt thòi cho bản thân và gia đình, các hộ dân mà họ còn vi phạm Luật Cư trú ở khu vực đã được giải tỏa để phục vụ dự án, trong khi các hộ dân này được bố trí về nơi với nhiều điều kiện đảm bảo cho sinh hoạt và sản xuất tốt hơn nơi ở cũ lại không được họ chấp nhận khiến cho chủ trương, chính sách của Nhà nước chưa được thực hiện dứt khoát và đang gây ra nhiều hệ lụy xã hội phức tạp. Đó là việc không có một cơ quan công quyền quản lý, thực hiện quyền lực Nhà nước, điều hòa, giải quyết các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng. Xa hơn, đây có thể là mảnh đất “màu mỡ” cho các thế lực phản động lợi dụng để chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; bôi đen các chế độ, chính sách vì dân của Đảng và Nhà nước ta...

Biết là vi phạm nhưng có những người đã cố tình tổ chức dựng nhà kiên cố. Đó là trường hợp của ông Lương Khắc Phùng, từng là trưởng bản Chà Coong giai đoạn 2008 -2009. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phùng cho biết: "Bà con mong muốn được ở lại quê cũ làm ăn. Nhưng nếu không được thì chấp nhận TĐC, miễn là đảm bảo đất sản xuất và phù hợp phong tục tập quán của bà con và tất cả chế độ hỗ trợ, bồi thường, GPMB được thực hiện xong". Nói một đàng nhưng ông Phùng lại làm một nẻo. Chính ông đã huy động lực lượng đào núi, dựng nhà kiên cố, quyết tâm “ăn đời ở kiếp” ngay trong vùng lòng hồ. Cũng cần phải nói thêm, ông Phùng là đảng viên, làm trưởng bản trong giai đoạn di dân nước rút nhưng ngay từ đầu ông Phùng không những không gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách Nhà nước mà còn kích động một bộ phận bà con nhân dân làm trái, chống đối việc di dân đến cùng. Ông còn đi khiếu kiện tận Trung ương về công tác bồi thường, hỗ trợ, đền bù GPMB, trong khi chính bản thân ông Phùng và chưa đến 1/3 số hộ dân thuộc bản Chà Coong (cũ) lại không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, cam kết của mình với chính quyền và dự án. Trong rất nhiều phương án di dân, TĐC mà họ có quyền được lựa chọn, chính ông Phùng và các hộ dân còn “cố thủ” đã lựa chọn phương án về TĐC ở Thanh Chương và họ đã tự nguyện ký cam kết. Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án Thủy điện II cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí phần đất TĐC. Vậy nhưng, số hộ dân này đã tự ý phá vỡ cam kết ban đầu, đi ngược lại chủ trương chung của Nhà nước, để rồi tự bỏ rơi mình trong không gian bị cô lập của vùng lòng hồ.



33 hộ dân ở bản Chà Coong
đang cư trú trái phép trong khu vực lòng hồ.

Bộ phận dân cư còn lại sống trong vùng lòng hồ là những hộ dân “nhảy dù” trở lại từ các khu TĐC ở Thanh Chương. Số người này tự ý phá rừng dựng nhà, hình thành các cụm bản trong diện tích rừng phòng hộ và chấp nhận cuộc sống du mục với nhiều bất trắc. Đến nay, toàn bộ khu vực lòng hồ có đến 22 điểm cư trú trái phép, nhiều nhất là dân “nhảy dù” của bản Kim Hồng, họ “đáp” xuống 5 điểm quanh khu vực lòng hồ dọc các khe Sốp Xuân, khe Cà Múc, khe Tàng… Trong diện tích rừng phòng hộ, các hộ dân này tự ý dựng lán, lập bản, phá rừng làm nương rẫy, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Lê Phùng Thiều – Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương cho biết: “Trong khu vực rừng phòng hộ, người dân trở về phá rừng trồng sắn, lúa, trỉa ngô. Trước thực trạng đó, ban phải lập 2 trạm chốt để ngăn chặn và đẩy đuổi. Năm 2011, người dân Chà Coong định làm liều “nhảy dù” lập bản mới ngay trong diện tích rừng phòng hộ. Huyện đã huy động 100 dân quân thuộc các xã Thạch Giám, Xá Lượng, Yên Hòa trực trong rừng ròng rã 1 tháng trời đẩy đuổi họ mới rút lui”.

Nếu nhìn nhận khách quan, toàn diện, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân trên quê mới Thanh Chương đang dần ổn định. Còn một số ít người dân do nhận thức hoặc bị kẻ xấu xúi giục, lôi kéo ở lại và trở về lòng hồ đang đưa bản thân và gia đình họ vào con đường lầm lạc, tương lai chỉ là ngõ cụt. Không những thế, họ đang có hành vi cố ý đi ngược lại chủ trương chính sách của Nhà nước và cố tình vi phạm pháp luật về Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và Luật Cư trú, đồng thời làm phức tạp thêm tình hình. Vì vậy, ngoài việc vận động, thuyết phục, cần có hình thức xử lý hành vi vi phạm pháp luật của một số đối tượng cầm đầu, xúi giục nhân dân, từ đó, ổn định tư tưởng của nhân dân, tiến tới đưa họ ra khỏi khu vực lòng hồ.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Vinh Diện, Văn phòng Luật sư Vinh Diện & Cộng sự, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An: Số hộ dân bản Chà Coong và một số hộ dân bán nhà ở các khu tái định cư ở Thanh Chương quay trở về vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương có hành vi vào rừng dựng lán lấn chiếm, phá rừng làm nương rẫy trong diện tích rừng phòng hộ của huyện Tương Dương là hành vi lấn, chiếm đất đai, chặt phá rừng, hủy hoại trái phép tài nguyên rừng, lấn chiếm rừng trái phép và vi phạm quy định tại Điều 15 Luật Đất đai năm 2003; Điều 12, Điều 85 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Tùy tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, những cư dân này còn vi phạm Luật Cư trú năm 2006 do nơi cư trú hiện tại không hợp pháp.


(Còn nữa)

Nhóm P.V