Ví dặm được lập hồ sơ đề nghị là Di sản của nhân loại
Dân ca ví dặm là loại hình văn hóa độc đáo của người dân Nghệ Tĩnh đang được lập hồ sơ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Với hơn 40 làn điệu độc đáo, ví dặm luôn hiện hữu trong cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hóa của người dân xứ Nghệ từ bao đời nay.
Kỳ Thư ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là một xã thuần nông có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời. Cũng chính mảnh đất này là nơi xuất xứ của làn điệu hát ví phường vải Đan Du - Kẻ Dua. Trải qua những thăng trầm lịch sử, song đến nay những điệu hát ví vẫn được nhân dân bảo tồn và vẹn nguyên giá trị.
Giai thoại đẹp về O Nhẫn và ví phường vải Đan Du
Theo các bậc cao niên trong làng, ví phường vải Đan Du do bà Võ Thị Nhẫn (thường gọi là O Nhẫn), sinh năm 1895, tại làng Kẻ Dua (nay là Đan Du, Kỳ Thư, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sáng tạo ra. Đan Du là một vùng đồng chua nước mặn như nhiều nơi khác trên đất Nghệ Tĩnh bấy giờ.
Xuất thân là con gái của một cai tổng ở vùng Đan Du bấy giờ, người cha mất sớm khi O Nhẫn mới được bảy tuổi, gia cảnh trở nên sa sút khiến O phải đi ở đợ cho nhà bá hộ trong làng.
Năm O Nhẫn 18 tuổi, bá hộ chết. O trở về nhà mình làm nghề cấy thuê để nuôi mẹ và em. Đây cũng được coi là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của ví dặm. Tuy không phải là người nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, nhưng cốt cách của O Nhẫn thanh nhã, có duyên, lại sở hữu giọng hát hay và bản tính thông minh trời phú. Một thời gian sau đó, nhờ vào vốn liếng chữ nghĩa học được và tài ứng khẩu sắc sảo của mình, O Nhẫn trở nên nổi tiếng khắp một vùng Xứ Nghệ và ví phường vải Đan Du sinh ra từ đó.
Giữ lửa cho những câu hò điệu ví
Mong muốn khôi phục lại làn điệu hát ví quê hương, năm 2007, bác Nguyễn Din, kêu gọi nhân dân thành lập câu lạc bộ khôi phục văn hóa dân gian xã Kỳ Thư. Buổi đầu mới thành lập, câu lạc bộ có 32 thành viên bao gồm công chức, giáo viên, nông dân. Với niềm đam mê và lòng nhiệt huyết muốn khôi phục lại những câu hò, điệu ví vốn là niềm tự hào của quê hương, tất cả các thành viên câu lạc bộ đều hăng hái tham gia. Câu lạc bộ hoạt động trên tinh thần tự phát, nên buổi đầu còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí hoàn toàn do thành viên câu lạc bộ đi vận động.
Đều đặn hai tối cuối tuần, tất cả lại tập trung tại nhà văn hóa xóm, các cụ nhớ lại từng câu hò, lời ví để con cháu ghi chép, tổng hợp lại. Nhờ đó, 154 câu hát ví O Nhẫn đã được khôi phục và biên soạn lại chi tiết, cẩn thận.
Bác Nguyễn Thái Khứ - thành viên câu lạc bộ chia sẻ: “Điều khiến tôi xúc động nhất là ý thức giữ gìn của con cháu đối với văn hóa phi vật thể của quê hương. Hoạt động của câu lạc bộ khôi phục văn hóa dân gian xã Kỳ Thư đến nay đã đi vào chiều sâu, với sự tham gia tự nguyện và nhiệt tình từ phía thế hệ trẻ, đây là điều rất đáng mừng.”
Anh Nguyễn Duy Thành, Trưởng ban văn hóa xã Kỳ Thư là người tiêu biểu cho lớp trẻ đam mê môn nghệ thuật dân gian này. Gắn bó với công tác văn hóa cơ sở đã bảy năm, cả quãng thời gian đó anh đều dành nhiều tâm huyết cho việc khôi phục và phát triển văn hóa dân gian.
Anh Thành tự hào chia sẻ: “Chúng tôi thường tập nhiều loại hình văn hóa dân gian như: sắc bùa, trò kiều, hát ví.... Câu lạc bộ dân ca ví dặm đã giành nhiều giải cao trong các cuộc thi hát dân ca trong và ngoài tỉnh.”
Đến nay, câu lạc bộ khôi phục văn hóa dân gian xã Kỳ Thư có khoảng 25 người, trong đó lực lượng biểu diễn là 12 người. Câu lạc bộ gồm nhiều thế hệ, các cụ với tuổi đời bình quân từ 65-80 và bậc trung niên cùng các em học sinh. Tất cả đều gặp nhau ở niềm đam mê với những câu hò, điệu ví dặm và hết lòng trong việc lưu giữ những nét đẹp trong văn hóa quê hương.
Cụ Võ Xuân, 87 tuổi và cụ Khánh Cẩm, 82 tuổi, là những thành viên của câu lạc bộ năm nay tuy tuổi đã cao, nhưng các cụ vẫn tham dự đều đặn những buổi luyện tập. Cụ Khánh Cẩm là một trong hai nghệ nhân được vinh danh trong đêm chung kết và trao giải Liên hoan Dân ca Việt Nam 2011, khu vực Bắc Trung Bộ.
Không dừng lại ở đó, với mong muốn dân ca ví dặm được mãi vang xa, từ năm 2009, hát ví được các giáo viên dạy cho học sinh trên địa bàn xã. Hàng năm, vào các dịp lễ, nhà trường phối hợp với Ban văn hóa xã và Đoàn thanh niên tổ chức các cuộc thi hát ví giữa các lớp. Phong trào đã trở thành một nét đẹp, nhen nhóm niềm đam mê văn nghệ dân gian trong tâm hồn thế hệ trẻ. Nhiều tài năng nhí đã được phát hiện như bé Phan Thị Cẩm Thư, 7 tuổi, qua những cuộc thi như thế.
Với trái tim nồng đượm tình yêu dân ca của những người nghệ sỹ không chuyên và truyền thống của một miền quê văn hóa như Kỳ Thư, chắc chắn ngọn lửa say mê ví dặm sẽ còn cháy mãi trở thành món ăn tinh thần, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn bao thế hệ người dân xứ Nghệ./.
(Theo TTXVN) - NT