Bài 2: Mất đất, mất việc làm

12/12/2012 16:05

(Baonghean) - Nhiều nông dân mong muốn sau khi thu hồi đất, nhà máy đi vào hoạt động, con em mình sẽ được vào làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy ngay tại quê nhà. Nhưng...

>> Bài 1: Lãng phí tài nguyên đất kéo dài

Đứng trên bãi đất đã được san nền nay để hoang ở KCN Hoàng Mai, ông Nguyễn Đăng Kha, xóm 8, xã Quỳnh Lộc thở dài: Khi được tuyên truyền, vận động nhường đất để xây dựng KCN, gia đình tôi cũng như những gia đình khác trong xóm ủng hộ nhiệt tình. Nhà tôi có 4 sào đất lúa thì Nhà nước đã thu hồi 3 sào, còn lại 1 sào ở vùng đất khô cằn. Cứ kỳ vọng sau khi KCN đi vào hoạt động, con em chúng tôi sẽ có được công việc ổn định. Nhưng gần 4 năm qua, chỉ có Công ty gang thép Kế Đạt vào hoạt động . Ông Kha chỉ về mảnh đất trước đây là ruộng lúa nhà, nói thêm: “Tuy thu nhập từ trồng lúa, trồng màu không cao nhưng nguồn thu của gia đình khi nào cũng ổn định”. Số tiền 240 triệu đồng được đền bù, ông dành một phần trả nợ, sửa sang lại căn nhà, chia cho 4 đứa con mỗi người một ít rồi cũng hết.

Đồng cảnh ngộ như gia đình ông Kha, hộ ông Nguyễn Văn Hiền, xóm 8, xã Quỳnh Lộc cho biết: “Nhà tôi bị thu hồi 2 sào đất nhưng đến giờ chưa nhận được tiền. Trong khi đó, nhà đầu tư đã đổ đất, san nền rồi nên chúng tôi có muốn sản xuất cũng không được”. Ông Hiền được đền bù 700m2 đất khai hoang được gần 100 triệu đồng, nhưng theo ông số tiền đó chưa đủ để ông trả nợ ngân hàng, cưới vợ cho con: “Họ chưa trả tiền đã đành nhưng lời hứa ban đầu là tạo việc làm cho con em địa phương đến giờ này vẫn không thực hiện được.” Để nhường đất xây dựng KCN Hoàng Mai, hơn 1.000 hộ dân xã Quỳnh Lộc bị thu hồi đất nông nghiệp. Trong đó, số lao động trong độ tuổi bị ảnh hưởng đến việc làm là hơn 2.000 người. Ngoài 4 doanh nghiệp (3 DN đã có trước khi quy hoạch) thì hầu hết diện tích của KCN đang là bãi đất trống.



Do nằm trong quy hoạch nên nhiều căn nhà của người dân xã Quỳnh Lộc dù đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa.

Còn tại KCN Nam Cấm đóng trên địa bàn huyện Nghi Lộc dù đã hoạt động được gần 8 năm nay, nhưng số lao động địa phương được vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp rất ít. Xã Nghi Long có số diện tích đất bị thu hồi để xây dựng KCN Nam Cấm là 83 ha, có hơn 700 lao động trong độ tuổi bị ảnh hưởng đến việc làm. Nhưng 8 năm qua, chỉ có hơn 5% trong số này có việc làm và chủ yếu là làm việc tại Công ty TNHH Matrix và Công ty CP may Minh Anh (KCN Bắc Vinh). Ông Nguyễn Công Từ, xóm 1, xã Nghi Long cho biết: “Năm 2004, gia đình tôi bị thu hồi 4 sào đất lúa và được đền bù hơn 60 triệu đồng. Số tiền đền bù chỉ hơn 1 năm sau là hết, mà đứa con trai đến nay vẫn chưa có việc làm ổn định. Lúc mới vào hoạt động, các công ty có dán thông báo tuyển lao động, nhưng khi nộp hồ sơ thì không thấy ai được nhận vào cả. Toàn xóm chỉ có 1 trường hợp được nhận vào làm tại Nhà máy bia Hà Nội, nhưng “phải quen biết mới vào được đó”. Còn có thêm 5 lao động đang làm việc tại Nhà máy sản xuất đá Việt Trung và 6 lao động làm việc tại Nhà máy bia Hà Nội, nhưng 11 lao động này chỉ làm thời vụ.

Không được vào làm việc tại các nhà máy trong KCN, hàng ngàn lao động bị thu hồi đất phải chật vật tự tìm kiếm việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình. Đất sản xuất còn lại rất ít nên lần lượt 3 người con trai của ông Kha phải vào miền Nam làm công nhân. Nhà ông Hiền cũng có 3 người con trai phải đi làm ăn bằng đủ nghề. Ông bảo giá như chỉ cần một đứa con có công việc ở gần nhà, thì vợ chồng ông cũng không phải lam lũ, khổ sở như thế này.
Trong tổng số gần 2.000 lao động của xã Quỳnh Lộc bị ảnh hưởng bởi dự án KCN Hoàng Mai, thì đến nay đã có khoảng 500 người trong độ tuổi từ 18-35 phải rời bỏ quê hương, đi làm ăn tứ xứ. chủ yếu là vào miền Nam làm công nhân, chỉ một số ít thì đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ông Lê Duy Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu) cho biết: Sau khi bị thu hồi đất, nhu cầu việc làm của lao động trong xã là rất lớn. Ban đầu, cả xã có khoảng 20 chiếc xe tải, nhưng do không hoạt động được nên đã bán chỉ còn lại 5 chiếc. Một số khác thì mở cửa hàng kinh doanh nhưng buôn bán thua lỗ nên đành dẹp ốt. Do vậy, vào miền Nam làm công nhân là con đường duy nhất của lao động địa phương trong thời điểm hiện nay.

Khoảng hơn 90% lao động bị thu hồi đất cho KTT Đông Nam của xã Nghi Long (Nghi Lộc) đang loay hoay tự tìm hướng đi cho mình: đi vào miền Nam làm công nhân, làm thợ xây, vào TP Vinh làm thuê, hùn vốn mua xe khách… Ông Nguyễn Công Cảnh, xóm trưởng xóm 1, xã Nghi Long (Nghi Lộc) cho biết: Cả xóm hiện có 9 chiếc xe khách, đây là tài sản của nhiều người góp lại để vừa tăng thêm thu nhập và có việc làm cho anh em trong nhà.

Hiện nay, đời sống của người dân bị thu hồi đất đang gặp rất nhiều khó khăn. Thu nhập chỉ biết trông chờ vào số tiền con cái đi làm ăn xa gửi về hoặc nguồn thu từ trồng rừng. Để có thêm thu nhập, một số hộ dân đã tranh thủ vào trong KCN để sản xuất trên những diện tích mà nhà đầu tư chưa đổ đất, san nền. Tại xã Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu), mặc dù không có chủ trương của xã nhưng hàng trăm hộ dân đã vào KCN đóng cọc, giăng dây thép giữ đất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Người dân đang “khai hoang” ngay trên chính mảnh đất trước kia là của gia đình mình. Nhưng do không biết khi nào nhà đầu tư sẽ thu hồi nên người dân chỉ làm theo kiểu được lúc nào hay lúc đó, không dám đầu tư nên năng suất và hiệu quả kinh tế không cao. Tình trạng này cũng diễn ra tại xóm 1 và 2 của xã Nghi Long (Nghi Lộc); nhưng chỉ những hộ nào có đất mới tiến hành sản xuất. Điều này dẫn đến một nghịch lý, trong khi nhà đầu tư có đất nhưng lại bỏ hoang, còn người dân lại đang “khát” đất để sản xuất khi “quỹ đất hoang” đó ở ngay trước mắt mình.


Q.Lan – P.Bằng