Bài 1: Ngư dân khó vươn khơi
Theo cơ quan quản lý, Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng tàu khai thác hải sản vào tốp dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, trong thực tế số lượng tàu cá có khả năng vươn khơi đánh bắt xa bờ lại chỉ chiếm 1/3 số lượng. Thực trạng này đang khiến ngư dân chịu thiệt thòi.
(Baonghean) Theo cơ quan quản lý, Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng tàu khai thác hải sản vào tốp dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, trong thực tế số lượng tàu cá có khả năng vươn khơi đánh bắt xa bờ lại chỉ chiếm 1/3 số lượng. Thực trạng này đang khiến ngư dân chịu thiệt thòi.
Với bờ biển dài 82 km, lại nằm ở cửa vịnh Bắc Bộ, vùng biển có diện tích 4.329 hải lý vuông của Nghệ An có trữ lượng khoảng 80.000 tấn cá biển, khả năng khai thác lên đến 30.000 – 35.000 tấn/năm. Đó là chưa kể ngư trường truyền thống vịnh Bắc Bộ có trữ lượng cá 543.000 tấn với khả năng khai thác cho phép lên đến 256.000 tấn/năm. Trong gần 10 năm qua, tận dụng lợi thế tiềm năng, ngành khai thác thủy sản của Nghệ An tăng nhanh về cả sản lượng khai thác và số lượng tàu thuyền, công suất máy. Sản lượng khai thác năm 2010 đạt hơn 98.000 tấn, bằng 233% so với cùng kỳ năm 2001. Hay như trong 9 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác đã lên đến gần 90 ngàn tấn, đạt 156% kế hoạch năm.
Những số liệu thống kê trên đây cho thấy, ngành khai thác thủy sản Nghệ An đã có những nỗ lực để khắc phục khó khăn phát triển. Tuy nhiên, có một vài chỉ số đáng lưu tâm đó là, trong tổng số 4.153 phương tiện khai thác (tính đến tháng 9/2012) thì phương tiện có công suất trên 90CV trở lên chỉ có 1.101 chiếc, nghĩa là chiếm chưa đầy 30% tổng số lượng phương tiện khai thác có công suất đủ lớn để đánh bắt xa bờ. Ông Bùi Thái Linh - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Phương, nơi có phương tiện tham gia khai thác thủy sản lớn của huyện Quỳnh Lưu, cho biết: “Đội tàu đánh bắt, khai thác thủy sản của Quỳnh Phương có số lượng 591 chiếc. Nhưng số tàu có công suất lớn đủ năng lực đánh bắt xa bờ từ 90 - 400CV chỉ có 181 chiếc, còn lại là tàu nhỏ có công suất dưới 80CV, trong đó tàu 40 - 80CV có 180 chiếc và thậm chí tàu 20 - 40 CV còn đến 230 chiếc. Những tàu nhỏ này đánh bắt gần bờ chiều hôm trước đi đến sáng hôm sau về nên hiệu quả kinh tế không cao”.
Trên cảng cá Lạch Quèn, tàu thuyền của ngư dân phần lớn vẫn là tàu thuyền nhỏ, công suất dưới 90CV.
“Nếu có điều kiện sắm tàu công suất lớn đi đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển thì giá trị kinh tế cao hơn. Có nghĩa là các chỉ số tính đến hết tháng 9 năm 2012, sản lượng đánh bắt toàn xã đạt 9.900 tấn, đạt kế hoạch của cả năm. Chỉ là chỉ số báo cáo mà chưa thể hiện sự quan tâm để ngư dân bám biển sản xuất vì thực tế có thể hơn. Thực trạng phương tiện khai thác hải sản có công suất nhỏ chiếm tỷ lệ lớn cũng là thực trạng chung tại các xã biển huyện Quỳnh Lưu. Hiện cả huyện có tổng số tàu khoảng 2.213 chiếc, trong đó tàu khai thác xa bờ (trên 90CV) chỉ mới 825 chiếc.
Ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Mặc dù có sự phát triển nhanh về nghề khai thác thủy sản, nhưng việc có tới 2/3 số lượng tàu khai thác hải sản trên toàn tỉnh có công suất nhỏ đang đặt ra nhiều vấn đề. Đó là áp lực đối với vùng lộng (biển gần bờ) trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Một trong những nguyên nhân chính là do ngư dân đang thiếu vốn để đầu tư ban đầu nhằm đóng mới và trang bị đầy đủ các ngư lưới cụ cần thiết phục vụ ra khơi, bám biển dài ngày.
Gia đình ngư dân Nguyễn Phúc Tiềm ở xã Quỳnh Lập vừa đóng tàu 440CV với số tiền 3 tỷ đồng. 1/3 số tiền này là do anh em trong gia đình bỏ tiền túi ra, 2/3 còn lại 10 cổ đông phải thế chấp bìa đỏ cho ngân hàng để vay. Vậy nhưng, ở những xã vùng biển đất chật người đông, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để có tài sản thế chấp vay vốn đầu tư như gia đình anh Tiềm. Chẳng hạn, gia đình anh Phan Văn Chung ở xã Quỳnh Phương do số tiền vay được ngân hàng thương mại quá ít, nên anh phải đi vay ngoài để góp cổ phần mua tàu đi biển.
Ngư dân vận chuyển hải sản lên bờ.
Ngư dân Phạm Văn Tuấn ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, thuyền trưởng tàu NA 94149TS có công suất 190CV, là một trong rất ít người tiên phong mua tàu lớn trên 90CV để có điều kiện vươn khơi. Cách đây chừng 5 năm, con tàu của Tuấn lọt vào tốp “khủng” nhất nhì xã. Có tàu lớn, máy khỏe nên công việc suôn sẻ, lại không ám ảnh vướng vào nợ nần. Tuy nhiên, trước xu thế ngư dân các xã bạn đóng những con tàu lên 500 - 600 CV, anh cũng muốn đổi sang tàu mới để dám vươn khơi xa hơn, nhưng “xoay” cho được vài ba tỷ đồng quá khó, nên dù bao nhiêu lần tính lên, tính xuống cũng đành “chùn bước”. Đó cũng là khó khăn chung của ngư dân, họ phải huy động vốn từ rất nhiều kênh. “Ngư dân huy động vốn thông qua 3 kênh: thứ nhất là ngân hàng, thứ hai là vốn tự có trong gia đình hoặc họ hàng và cuối cùng vay nóng bên ngoài của tư nhân. Vốn ngân hàng thì không phải gia đình nào cũng có đủ tài sản thế chấp để được vay nhiều, cộng thêm thủ tục nhiều nên ngư dân cũng nản. Do đó, nhiều người lựa chọn vay ngoài, chấp nhận lãi suất cao”, ông Lê Văn Thuyết - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Quỳnh Lập đúc kết.
Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Hoàng Mai, đơn vị chủ yếu cung cấp tín dụng cho ngư dân các xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Quỳnh Dị… để trực tiếp tìm hiểu về các điều kiện để ngư dân được vay vốn. Bà Nguyễn Thị Lý - Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Hoàng Mai, cho biết: “Hiện nay, ngư dân vay dưới 50 triệu không phải có tài sản đảm bảo. Còn nếu ngư dân vay nhiều hơn thì phải đảm bảo các điều kiện: Tài sản thế chấp, khả năng tài chính, nhu cầu vốn vay và tính khả thi của dự dán. Cán bộ tín dụng ngân hàng sẽ cân đối các điều kiện trên để xác định lượng vốn cho từng cá nhân cụ thể”. Nếu nhìn vào hoàn cảnh của đại đa số ngư dân và đối chiếu vào các điều kiện trên, cũng dễ nhận thấy việc tiếp cận nguồn vốn lớn ở các ngân hàng thương mại đối với một bộ phận bà con ngư dân là rất khó khăn.
Đối với các ngân hàng thương mại, cũng có cái khó khi cho ngư dân vay. “Ngư dân chủ yếu vay nguồn vốn trung hạn, trong khi đó nguồn vốn vay trung hạn đã được quy định hạn ngạch cụ thể so với tổng dư nợ của chi nhánh, chúng tôi không được phép cho vay vượt qua tỷ lệ. Thực tế, chi nhánh Hoàng Mai cũng đã ưu tiên bố trí cho ngư dân vay. Thế nhưng, nghề biển có mức độ rủi ro cao, thu nhập thực tế phụ thuộc vào biển nên chi nhánh phải cân nhắc kỹ khi cho vay, đảm bảo khả năng thu hồi vốn”, bà Lý cho biết. Theo số liệu Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Hoàng Mai thì dư nợ dành cho vay nghề biển của chi nhánh 9 tháng đầu năm 2012 đạt 84 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ.
Còn ông Bùi Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quỳnh Lưu lại cho rằng, trong điều kiện ngư dân chưa mua các loại bảo hiểm nên cũng khó cho ngân hàng khi cho vay vốn. Bởi thực ra ngân hàng cũng phải cân đối nguồn huy động cho ngư dân vay lại. Do đó, dù ưu tiên cho ngư dân vay nhưng chúng tôi cũng phải tính đến an toàn đồng vốn. Ngân hàng NN & PTNT chi nhánh Quỳnh Lưu có 4 địa điểm giao dịch, trong đó có 3 phòng giao dịch ở các xã vùng biển để phục vụ nhu cầu vốn của ngư dân. Tính đến đến cuối tháng 10/2012, tổng cho vay nghề cá của chi nhánh là 172 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 37 tỷ đồng.
Như vậy, trước đặc thù nghề biển, chính các ngân hàng cũng đang giữ thái độ dè dặt, thận trọng khi giải quyết cho ngư dân vay vốn. Hệ quả là ngư dân phải loay hoay tìm nguồn vốn từ nhiều kênh. Bên cạnh đó, chính các ngân hàng dù muốn cho ngư dân vay cũng đang phải chịu nhiều quy định về tỷ lệ vốn cho vay trung hạn. Vấn đề đặt ra là một đối tượng tiềm tàng sức vay như ngư dân để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển, lại bị "đóng cửa" mọi "con đường". Do đó, cần có một chính sách tổng thể để vừa “cởi trói” cho cả ngư dân và ngân hàng, để ngân hàng thực sự là “bà đỡ” giúp ngư dân thoát nghèo.
(Còn nữa)
Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2010 NĐ/CP về Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nếu căn cứ theo Nghị định này thì cá nhân, hộ gia đình làm ngư nghiệp chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng mà không cần có đảm bảo bằng tài sản. Đối "với một nghề đòi hỏi phải đầu tư lớn như nghề cá, số tiền này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu. |
Hữu Nghĩa- Thành Duy