Chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng

12/12/2012 17:11

Những năm qua, địa bàn huyện Quế Phong khá nhức nhối về nạn chặt phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép. Từ khi xây dựng Thuỷ điện Hủa Na, di dời trên 1.000 hộ dân đến nơi tái định cư, thì nạn phá rừng ở đây càng nghiêm trọng. Các cấp uỷ và chính quyền Quế Phong đã  tăng cường các biện pháp để chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng.

(Baonghean) - Những năm qua, địa bàn huyện Quế Phong khá nhức nhối về nạn chặt phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép. Từ khi xây dựng Thuỷ điện Hủa Na, di dời trên 1.000 hộ dân đến nơi tái định cư, thì nạn phá rừng ở đây càng nghiêm trọng. Các cấp uỷ và chính quyền Quế Phong đã tăng cường các biện pháp để chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng.

hời điểm đầu năm 2012, ở Quế Phong rộ lên nạn khai thác lâm sản trái phép ở các tiểu khu 49, 50 thuộc xã Thông Thụ. “Lâm tặc” tự do chặt gỗ rồi dùng trâu kéo ra bìa rừng sau đó tẩu tán bằng các phương tiện xe máy, ô tô về xuôi. Báo Nghệ An đã có bài phản ánh về tình trạng khai thác gỗ trái phép ở Thông Thụ - Quế Phong. Ngay sau đó Hạt Kiểm lâm đã vào kiểm tra gỗ trái phép ở các tiểu khu 49, 50, phát hiện và thu giữ 152 m3 gỗ vô chủ.

Đi vào khu vực Huồi Tang-Thông Thụ thời điểm cuối năm này khá im ắng. Một người dân địa phương cho biết: Do lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra nên đã hạn chế nạn chặt phá rừng. Dọc đường về chúng tôi vào Trạm Kiểm soát lâm sản xã Đồng Văn, thấy những đống gỗ đều đánh số sau khi tịch thu. Thì ra lợi dụng đêm tối vẫn có người dùng xe máy chở gỗ trái phép chạy ra, thường khi phát hiện đuổi bắt, các đối tượng “bỏ của chạy lấy người”.



Gỗ bị tịch thu tại Trạm Kiểm soát lâm sản xã Đồng Văn

Được biết, Trạm Kiểm soát lâm sản Đồng Văn quản lý các địa bàn Thông Thụ với 42.000 ha rừng và xã Đồng Văn 29.000 ha rừng. Trạm có 7 cán bộ thì ban ngày 6 cán bộ thường xuyên vào rừng tuần tra canh gác, còn lại 1 cán bộ thì gác trạm chốt. Địa bàn rộng lớn, lực lượng kiểm lâm mỏng, nhiều lúc rất khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Chưa kể là lâm tặc ngày càng hung hăng táo tợn, sẵn sàng chống đối. Như mới đây trong quá trình kiểm tra tại khu vực Na Lướm đã phát hiện lâm tặc đã vào lán ở của kiểm lâm tại điểm chốt để hành hung, gây rối. Kiểm lâm đã thu giữ 5 bàn chông đóng đinh 10cm lên tấm gỗ, lấp dưới bùn để cản trở phá hoại xe công vụ kiểm lâm. Chưa kể lâm tặc còn đập phá xe ô tô của Ban Quản lý rừng phòng hộ. Liều lĩnh nhất là vụ việc ông Lang Văn Bình –Xã đội trưởng Đồng Văn đã ngang nhiên sử dụng gỗ không có nguồn gốc hợp pháp để sơ chế thành đồ nhà và sau đó thuê 2 xe ô tô vận tải do lái xe Vi Văn Long, Vi Văn Mạnh chở gỗ từ bản Đồng Tiến ra bản Đồng Mới thuộc xã Đồng Văn, trên đường vận chuyển bị Hạt Kiểm lâm phát hiện tạm giữ xe và lập biên bản. Ông Lang Văn Bình đã chửi bới, lăng mạ cán bộ kiểm lâm và giật sào chắn, chỉ khi lực lượng kiểm lâm nổ súng chỉ thiên cảnh cáo ông Bình mới dừng lại.

Ông Lê Hải Lý - quyền Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quế Phong cho biết: Để chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng được tốt hơn, Hạt Kiểm lâm đã kiện toàn lực lượng 3 trạm bảo vệ rừng ở Đồng Văn, Hạnh Dịch, Tiền Phong. Từ 3 trạm trên được chia thành 8 điểm chốt chặn tại các cửa rừng như Hủa Mướng, Xốp Co, Na Lướm …Các trạm này ngoài tuần tra, canh gác phát hiện xử lý còn được phối kết hợp với địa phương, đặc biệt là bộ đội biên phòng để bảo vệ rừng. Cụ thể như tại địa bàn xã Hạnh Dịch, lực lượng kiểm lâm đã cùng phối hợp với Đồn Biên phòng Hạnh Dịch “xoá sổ” được lâm tặc lâu nay tàn phá những cánh rừng pơ mu ở giáp biên giới Việt –Lào, trên tuyến đường này tuyệt đối không có tình trạng vận chuyển gỗ lậu.

Hạt Kiểm lâm đã lập tổ chốt chặn tại Na Lướm - khu tái định cư Thuỷ điện Hủa Na xa nhất để tăng cường kiểm soát và đẩy đuổi lâm tặc; huỷ con đường trước đây bà con di dời nhà cửa ra khu tái định cư mà lâm tặc lợi dụng vận chuyển gỗ lậu.

UBND huyện Quế Phong cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức thống kê gỗ tích trữ trong dân, ký cam kết với các hộ về khai thác, sử dụng lâm sản. Từ thời điểm tháng 8/2012 đến nay, huyện đã thành lập Đoàn liên ngành gồm 39 người, tổ chức kiểm tra truy quét lâm tặc và xử lý lâm sản. Làm rõ trách nhiệm của UBND xã Thông Thụ về việc liên quan đến người thân của cán bộ, đảng viên trong việc khai thác rừng trái phép. Kiểm điểm trách nhiệm của Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thông Thụ trong việc rừng bị phá. Kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND xã Thông Thụ trong việc xác nhận đơn xin khai thác gỗ làm nhà sai quy định.

Tuy nhiên vẫn còn những thách thức đặt ra hiện nay là đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở Quế Phong vẫn còn khó khăn, nhiều gia đình phải sống dựa vào nghề rừng. Chưa kể là nhiều khu tái định cư Thuỷ điện Hủa Na lại được bố trí sát với những cánh rừng đặc dụng còn nhiều gỗ quý, lâm tặc dễ lợi dụng bà con vào chặt phá rừng.

Vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng đưa vào hoạt động Ban Quản lý Khu Bảo tồn Pù Hoạt để tăng thêm lực lượng và có đủ điều kiện tốt hơn trong công tác bảo vệ rừng; tăng cường thêm biên chế cho lực lượng kiểm lâm.


Văn Trường