Khát vọng Nậm Nhoóng

15/12/2012 21:10

Biết ý định của chúng tôi đến một xã khó khăn nhất huyện, Bí thư Huyện ủy Quế Phong, ông Trần Quốc Thành, cân nhắc giữa 2 xã Nậm Nhoóng và Nậm Giải. Mỗi xã đều có khó khăn riêng, nhưng cuối cùng Nậm Nhoóng vẫn là xã khó hơn, mặc dù ở đó đang le lói niềm hy vọng phát triển kinh tế, nơi có 2.597 đồng bào Khơ Mú, Thái đang ấp ủ ước mơ làm chủ cuộc sống...

(Baonghean) Biết ý định của chúng tôi đến một xã khó khăn nhất huyện, Bí thư Huyện ủy Quế Phong, ông Trần Quốc Thành, cân nhắc giữa 2 xã Nậm Nhoóng và Nậm Giải. Mỗi xã đều có khó khăn riêng, nhưng cuối cùng Nậm Nhoóng vẫn là xã khó hơn, mặc dù ở đó đang le lói niềm hy vọng phát triển kinh tế, nơi có 2.597 đồng bào Khơ Mú, Thái đang ấp ủ ước mơ làm chủ cuộc sống...


Lần đầu tiên đến Nậm Nhoóng, nên trước khi lên đường, chúng tôi sắm mỗi người một đôi dép rọ, phòng phải trèo đèo lội suối. Song mọi điều không phải như thế, con đường từ Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) đến trung tâm xã đã được Nhà nước đầu tư rải nhựa, kể cả con đường vào bản xa nhất cũng đã được mở rộng, vào mùa khô xe máy đi lại dễ dàng. Mới 8 giờ sáng, ánh nắng đã xua tan màn sương, con đường rải nhựa như một vệt chỉ nhỏ vắt qua các mái đồi đến với trung tâm xã, như "huyền thoại" của người dân sau bao đời trông mong. Phóng tầm mắt xuống các thung lũng, những bản làng của người Thái, Khơ mú thật bình yên trong nắng vàng mùa đông. Đường điện lưới quốc gia cũng đã vắt qua những sườn đồi, đưa ánh sáng văn minh về bản. Vậy là Nậm Nhoóng đã có đường, có điện. Đời sống tinh thần, vật chất của người dân đã được cải thiện. Bây giờ, hơn 30km từ Thị trấn Kim Sơn vào trung tâm xã Nậm Nhoóng chỉ mất không đầy 1 giờ đi xe máy. Cách đây gần 1 năm, quảng đường này người dân phải đi mất 2 giờ đồng hồ, thậm chí về mùa mưa xe máy không thể đi nổi, con em vì thế không có cơ hội tiếp tục học THPT.




Mẹ con bà Moong Thị Tý, bản Nhọt Nhóng chăm sóc cây mặc cá.

Bây giờ là giữa tháng 10 âm lịch, theo kinh nghiệm của người dân, cữ này năm ngoái, tối đến người già đã phải đốt củi để sưởi. Mùa đông ở những xã vùng cao của Quế Phong rét thấu da thấu thịt. Thế nhưng, năm nay thời tiết khác thường, đặc biệt mấy ngày nay trời nắng chói chang, bầu trời không một gợn mây, oi bức và mồ hôi nhễ nhại. Có lẽ vì thế cho nên những cây đào lâu năm nép mình bên lề đường, hoặc góc vườn nhà ai, hoa đã chớm nở, báo hiệu một mùa xuân đến sớm. Những ngày này, đồng bào các dân tộc nơi đây vừa thu hoạch xong lúa rẫy. Có nghĩa là vừa kết thúc mùa thu hoạch quả mặc tánh và mặc cá. Mặc tánh và mặc cá là tên gọi của đồng bào Thái. Nói cho dễ hiểu, mặc tánh là quả dưa rẫy, do đồng bào trồng xen trong nương lúa, còn mặc cá là quả bo bo mọc tự nhiên trong rừng rậm, đất ẩm ướt. Theo như anh Trần Quốc Thành - Bí thư Huyện ủy giới thiệu, hai quả này chỉ có ở Nậm Nhoóng, là thế mạnh để bà con phát triển kinh tế trong tương lai, huyện đang trăn trở để tạo ra sản phẩm có tính hàng hóa.


Bám dọc hai bên các khe, suối là những bản làng và đất bãi ruộng. Những mảnh ruộng nước nhỏ lẻ, manh mún nằm rải rác trong phạm vi nửa ngày đường đi bộ, do bà con khai phá, và vì thế việc làm thủy nông ở Nậm Nhoóng đến nay vẫn là khát vọng của người dân Thái, Khơ mú nơi đây.


Biết bao thế hệ của người Khơ mú, Thái nơi đây đặt chân đến vùng đất này khai sinh hạ bản, họ đã lội ngược xuôi các dòng suối để tìm đất khai hoang trồng lúa nước. Và đến bây giờ, đã 20 năm người Khơ mú nơi đây đã biết trồng lúa nước, trở thành cây lương thực quan trọng của họ. Vì địa hình núi cao, không thể có những cánh đồng, thì người dân tạo nên những bãi ruộng nằm men theo sườn núi, bìa rừng, hay những vùng đất tích nước nằm dưới thung sâu. Dẫu chỉ là mảnh ruộng nước bé bằng lòng nhà ở tút hút trong rừng, hay một trũng trâu đằm sau chái bếp, người dân vẫn không bỏ, mà cần mẫn cấy hái chắt chiu từng hạt thóc nuôi sống con người. Nhờ có sự miệt mài đó mà ngày nay Nậm Nhoóng cả thảy đã có 7,1 ha đất lúa nước.


Coi giống lúa được cấy trên những bãi ruộng ở Nậm Nhoóng vẫn là giống lúa cũ. Nguyên nhân chẳng phải huyện, xã không đưa được giống lúa lai vào gieo cấy, mà do giống lúa này chịu được nắng hạn, cái giá lạnh của sương muối mùa đông nơi vùng cao khắc nghiệt này. Thực tế, đã có một số giống lúa mới đưa vào cấy ở Nậm Nhoóng, nhưng lúc được, khi mất cũng chỉ bồng bềnh theo con nước trời cho. Còn giống lúa truyền thống, mặc dù năng suất chỉ đạt chưa đầy 4 tấn/ha thì cũng đủ giúp người dân nơi đây tằn tiện cầm cự đến mùa sau.


Nếu lấy 7,1 ha đất ruộng lúa, chia bình quân cho 476 hộ, 2.597 nhân khẩu thì rất ít, do vậy người dân Nậm Nhoóng buộc phải sống dựa vào lúa nương, vào rừng. Nhưng, ruộng ở đây chỉ cấy được một vụ, cộng với thành phần đất ở đây nhiễm phèn nên khó canh tác. Ông Thành đã có lần trao đổi với tôi về giải pháp khắc phục phèn cho ruộng nước Nậm Nhoóng. Đấy là cho máy múc một hệ thống mương thoát nước xung quanh khu vực ruộng, để tránh nước phèn từ trong núi ra. Nhưng rất khó, vì ruộng quá manh mún, nhỏ lẻ, trong khi đầu tư quá lớn. Nếu không thì hàng năm phải dùng vôi bột thật nhiều để rắc xuống ruộng. Giải pháp này huyện đã sử dụng nguồn vốn của Chương trình 135/CP để mua vôi bột cho bà con rắc xuống ruộng, nhưng hết nguồn hỗ trợ của Nhà nước rồi thôi, người dân không có điều kiện để đầu tư. Đó là cái khó nhất mà chưa có hướng khắc phục lâu dài.


Ông Vi Văn Điền, ở bản Na có gần 1 ha lúa nước, nhưng có tới mười mấy đám, nằm rải rác ở các bãi ven suối trong xã. Ông Hiền bộc bạch: Những năm nào có mưa sớm, ruộng no nước thì năm đó được mùa, thu hoạch còn nhiều lúa. Vào những năm mưa muộn thì sức người đổ ra đến đâu cũng chỉ đủ gạo ăn cho gia đình trong 6 tháng. Năm đó hết gạo rồi tính đến bán trâu, bò lấy tiền mua gạo. Diện tích nương rẫy trồng sắn, ngô, chỉ làm thức ăn chăn nuôi lợn, gà, cải thiện cuộc sống, còn bao nhiêu làm thức ăn dự trữ cho trâu bò trong những tháng khô rét.


Để ruộng có thể nuôi được người Khơ mú, Thái ở Nậm Nhoóng chỉ có cách là tiến tới trồng mỗi năm 2 vụ. Việc này từ trước tới nay chưa thể làm được, là vì người Nậm Nhoóng không thể đủ sức để làm thủy lợi, đường dẫn nước vào ruộng. Chia sẻ về việc này, ông Moong Thái Xuyên - đã từng 7 năm làm chủ tịch UBND xã, nay đang là Bí thư Đảng ủy xã, cho rằng: Từ trước đến nay, Nậm Nhoóng đã được hưởng nhiều từ các chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư xây dựng và các dự án hỗ trợ kinh tế cho hộ nghèo. Nhưng nếu cứ dựa mãi vào nguồn trợ cấp của Nhà nước cũng không phải là kế sách lâu dài, mà cần phải thúc đẩy sản xuất, thâm canh tăng vụ để có thể chủ động được nguồn lương thực. Tuy nhiên, các bãi ruộng của xã lại không đủ tiêu chuẩn để đầu tư làm thủy lợi, vì trong xã không có cánh đồng nào đủ diện tích 5 ha như quy định của Chương trình 135/CP. Trong khi đó, nguồn nước tự nhiên ở đây rất dồi dào, bởi diện tích rừng tự nhiên ở đây có tới 3 nghìn ha.


Từ thực tế canh tác của bà con cho thấy, việc làm thủy lợi cho các bãi ruộng ở Nậm Nhoóng không phải quá khó khăn và tốn kém. Không nhất thiết phải đắp đập, làm trạm bơm, không phải xây dựng mương dẫn nước, mà có thể áp dụng mô hình làm mó nước trên núi cao và sử dụng các đường ống dẫn nước về tận ruộng. Cách làm thủy lợi này rất đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả, được thực hiện thành công ở nhiều địa phương vùng núi phía Bắc. Có thủy lợi, không những người dân Nậm Nhoóng cấy được một năm hai vụ lúa, mà còn thay đổi giống lúa năng suất cao hơn. Người Nậm Nhoóng sẽ có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác lúa nước, nhằm đảm bảo lương thực, ổn định cuộc sống.


Đi một vòng khảo sát một số bãi ruộng lớn nhất xã, mới thấy ý kiến của ông bí thư xã xác đáng. Tiếp xúc với một số hộ dân, hầu hết họ đều mong muốn có một công trình thủy lợi có đủ sức tưới tiêu cho diện tích ruộng cấy lúa nước. Trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của các cơ quan chức năng, lãnh đạo xã đã nhiều lần chủ động đề xuất việc làm thủy lợi cho Nậm Nhoóng lên cấp trên, nhưng nhiều lý do khác nhau mà đến nay Nậm Nhoóng vẫn chưa được đầu tư làm thủy lợi. Và người dân Nậm Nhoóng vẫn tiếp tục đổ mồ hôi, công sức trên các bãi ruộng của nhà mình với hy vọng mong manh vào sự đoái thương của ông trời.


Với cây mặc cá, hiện rất khó thống kê cả xã có bao nhiêu ha, bởi rải rác trong 3 nghìn ha rừng của Nậm Nhoóng đều có. Nhưng nhiều nhất vẫn là ở bản Na Khích và Nhọt Nhóng. Cây mặc cá giống như cây dong riềng, nhưng ra quả thành chùm. Đặc điểm của cây mặc cá ưa đất có độ ẩm cao, cho nên thường mọc dưới tán rừng rậm. Quả của nó chín vào độ tháng 7 tháng 8, khi bà con vừa làm cỏ xong lúa rẫy, cho nên bà con có điều kiện vào rừng tìm hái quả mặc cá. Thương lái đến thu mua bằng hết, với giá 1 kg (quả khô) 10-15 nghìn đồng. Mặc dù toàn bộ diện tích rừng của xã đã chia cho hộ quản lý, bảo vệ, nhưng với cây mặc cá là mạnh ai nấy làm, nên vào mùa thu hái, cả xã kéo nhau vào rừng tìm mặc cá. Có những gia đình bán được 10-15 triệu đồng từ quả mặc cá. Bà Moong Thị Tý, bản Nhọt Nhoóng, khoe rằng, xung quanh đất vườn của bà có nhiều bụi mặc cá, gia đình bảo vệ chăm sóc tốt nên năm nào cũng thu hoạch được nhiều quả, vừa rồi gia đình bán được gần 5 triệu đồng. Cây mặc cá phát triển mạnh, quả nhiều, dễ thu hái. Nhờ cây mặc cá mà cuộc sống gia đình bớt khó khăn. Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, đây là thế mạnh riêng của Nậm Nhoóng, do vậy xã đã có định hướng phát triển cây này. Mới rồi xã trồng thử cây mặc cá trên hai loại đất: đất có tán rừng và đất đồi trọc, với diện tích 2 ha ở hộ ông Vi Văn Điền và Lô Văn Thìn, bản Na Khích, nhưng trên đất đồi trọc cây mặc cá không phát triển được.


Cây mặc tánh (gọi là dưa rẫy), được coi là sản vật của Quế Phong mà chỉ Nậm Nhoóng mới có. Trước khi lên đây, Bí thư Huyện ủy Trần Quốc Thành đã giới thiệu cho tôi quả dưa rẫy ở Nậm Nhoóng có đặc thù riêng về vị ngon của nó. Chả thế, vụ dưa vừa rồi huyện phối hợp với Siêu thị Intimex Vinh bán thử 4 tạ quả. Đây là sản phẩm do bà con vùng cao trồng xen trong nương rẫy, an toàn, nên tiêu thụ rất nhanh. Bí thư Đảng ủy xã Moong Thái Xuyên cũng rất trăn trở để tìm giải pháp phát triển cây mặc tánh. Hiện trong xã có 40 ha nương rẫy, trong đó có khoảng 30 ha bà con đã trồng xen mặc tánh. Vào tháng 5, khi bà con đi trỉa lúa nương là mang theo hạt giống mặc tánh để gieo cùng. Đến tháng 8, khi lúa nương chắc hạt thì bà con bắt đầu thu hoạch quả mặc tánh. Giá bán mặc tánh vừa rồi 10 nghìn đồng/kg. Vậy là trên cùng một diện tích đất nương rẫy được thu hoạch 2 sản phẩm, không cớ gì người dân không làm. Vấn đề ở chỗ là làm thế nào để năng suất đạt cao hơn. Theo ông Xuyên, để cây mặc tánh thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa thì cũng cần có ít vốn. Vốn để mua dây thép gai rào chắn xung quanh nương rẫy, ngăn trâu, bò, gia súc vào phá hại. Vốn để đầu tư mua phân bón, vì cây mặc tánh rất ưa phân bón kaly.


Tiềm năng là vậy, nhưng Nậm Nhoóng hiện hộ nghèo vẫn còn chiếm tỷ lệ 90,1%. Đã khi nào địa phương bàn đến giải pháp giảm nghèo cho người dân? Tôi hỏi. Bí thư Đảng ủy xã sau một hồi trầm ngâm, nói rằng: Cũng có lúc nghĩ đến, nhưng chưa khi nào đưa ra giải pháp cụ thể. Nguyên nhân là trình độ của đội ngũ cán bộ xã còn nhiều hạn chế. Vấn đề trước mắt là phải nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ xã. Trước đây khi chưa có đường nhựa nối từ Thị trấn Kim Sơn vào trung tâm xã, gần như 100% con em trong xã học hết THCS là bỏ học, vì đường đi quá khó khăn. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nguồn cán bộ trẻ. Để khai thác được tiềm năng cây trồng ở Nậm Nhoóng, không có gì khác là các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư, đồng thời chuyển giao các tiến bộ khoa học cho người dân được tiếp cận vào chăn nuôi, sản xuất...


Hy vọng rằng các ngành chức năng và chính quyền các cấp sẽ quan tâm nghiên cứu và sớm có phương án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi cho đất trồng lúa và quy hoạch diện tích trồng mặc tánh, mặc cá thành hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào các dân tộc. Đó là những khát vọng của người dân Nậm Nhoóng bấy lâu nay!


Xuân Hoàng