Dược thiện cho bệnh nhân ung thư phổi

18/11/2012 15:50

Các loại ngũ cốc và thực phẩm chế biến, sử dụng dưới dạng các món ăn - bài thuốc có thể hỗ trợ phòng và chống căn bệnh này.

Trong y học cổ truyền, bệnh ung thư phổi nguyên phát thuộc phạm vi các chứng “phế tích”, “khái thấu”, “suyễn tức”, “hung thống”, “lao khái”, “đàm ẩm”... và được chia ra làm nhiều thể bệnh khác nhau, trong đó có 3 thể thường gặp là phế âm hư, phế thận lưỡng hư và phế tỳ lưỡng hư.

Về mặt điều trị, ngoài các biện pháp dùng thuốc uống trong, châm cứu, bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh..., người ta còn lựa chọn, chế biến và sử dụng các loại ngũ cốc và thực phẩm dưới dạng các món ăn - bài thuốc nhằm mục đích hỗ trợ phòng và chống căn bệnh này. Dưới đây, xin được giới thiệu một số ví dụ điển hình theo từng thể bệnh để bạn đọc tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

Thể phế âm hư

Người gầy, tức ngực, ho khan hoặc ho có ít đờm nhưng đặc và khó khạc, trong đờm có những sợi máu tươi, có cảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, môi khô miệng khát, hay vã mồ hôi trộm, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, ít hoặc không có rêu, mạch tế sác.

Bài 1: Hạt sen 30g, bách hợp 30g, phổi lợn 200g, hành, gừng và gia vị vừa đủ. Phổi lợn rửa sạch thái miếng, cho vào nồi hầm cùng hạt sen và bách hợp cho nhừ, bỏ hành và gừng thái chỉ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Trong bài, hạt sen dưỡng tâm, ích thận, kiện tỳ; bách hợp tư âm nhuận phế, chỉ khái an thần, có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư; phổi lợn bổ phế, nhuận phế, giải độc. Cả 3 vị phối hợp với nhau tạo nên công dụng tư âm nhuận phế, chỉ khái an thần và kháng ung của bài thuốc.

Bài 2: Nấm linh chi 15g, mộc nhĩ đen 10g, mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ) 10g, đường phèn 15g. Nấm linh chi rửa sạch thái phiến, mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết rồi rửa sạch thái vụn. Tất cả cho vào bát cùng với đường phèn và một lượng nước vừa đủ, hấp cách thủy trong 60 phút, sau đó bỏ bã nấm linh chi, ăn mộc nhĩ và uống nước. Trong bài, nấm linh chi có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch dịch thể và tế bào, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư; mộc nhĩ bổ phế, hoạt huyết, hóa ứ và cũng có tác dụng kháng ung ở mức độ nhất định. Các vị thuốc phối hợp với nhau tạo nên công năng bổ hư kháng ung, tư âm nhuận phế và chỉ khái của bài thuốc.

Bài 3: Ba ba 1 con, đông trùng hạ thảo 10g, đại táo 10 quả, hành, tỏi và gia vị vừa đủ. Ba ba bỏ đầu, chia thành 4 miếng cho vào nồi luộc sôi rồi vớt ra, cắt rời 4 chân, bóc bỏ mỡ ở chân, rửa sạch, cho vào bát cùng với đông trùng hạ thảo, đại táo đã bỏ hột, gừng thái phiến, hành cắt đoạn, tỏi đập giập và gia vị vừa đủ rồi đem hấp cách thủy trong 2 giờ, ăn nóng trong ngày. Trong bài, đông trùng hạ thảo bổ hư nhuận phế, có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư; ba ba tư bổ phế thận, lương huyết dưỡng huyết và cũng có tác dụng kháng ung. Bài này có thể dùng cho cả những bệnh nhân ung thư gan và dạ dày.

Thể phế thận lưỡng hư

Tức ngực, khó thở, ho có đờm dính máu sắc không tươi, dễ đổ mồ hôi, mệt như mất sức, ngại nói, môi tím, mặt nặng, chân phù, hay hồi hộp trống ngực, đại tiện lỏng loãng lúc tảng sáng, nam giới hoạt tinh, liệt dương, nữ giới kinh bế, kinh thiểu, chất lưỡi nhợt, mạch hư nhược.

Bài 1: Vịt trắng 1 con, đông trùng hạ thảo 15g, tỏi vỏ tím 20g, gừng tươi 10g, gia vị vừa đủ. Vịt làm sạch chặt miếng, ướp với gừng, tỏi rồi đem hầm nhừ cùng đông trùng hạ thảo, khi được chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày, mỗi tuần ăn 2 lần. Trong bài, thịt vịt tư bổ ngũ tạng, huyết vịt có chứa chất kháng ung; đông trùng hạ thảo ích thận bổ phế và cũng có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Các vị phối hợp với nhau tạo nên công dụng ích phế tăng tinh, phù chính kháng ung của bài thuốc.

Bài 2: Đông trùng hạ thảo 6g, kỷ tử 15g, bào ngư 60g. Bào ngư rửa sạch, ngâm nước ấm trong 3 giờ, sau đó luộc chín rồi cho vào bát sành cùng với đông trùng hạ thảo và kỷ tử, hấp chín, ăn cái uống nước. Trong bài, kỷ tử nhuận phế tư âm, bổ thận ích tinh; bào ngư rất giàu dinh dưỡng và có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

Bài 3: Nhân sâm 6g, hồ đào nhục 20g (không bỏ vỏ), gừng tươi 9g, đường phèn vừa đủ. Đem 3 vị thuốc sắc trong 30 phút rồi bỏ bã gừng, chế thêm đường phèn, chia uống 2 lần trong ngày. Trong bài, nhân sâm đại bổ nguyên khí, có tác dụng cải thiện chức năng miễn dịch của cơ thể và chống ung thư; hồ đào bổ thận cố tinh, ôn phế chỉ khái, ích khí dưỡng huyết và cũng có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ác tính.

Thể phế tỳ khí hư

Ho nhiều, đờm trắng dễ khạc, khó thở, mệt mỏi, ngại nói, sợ gió, sợ lạnh, sắc mặt nhợt nhạt, ăn kém, đầy bụng, chậm tiêu, đại tiện lỏng loãng, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch trầm nhược.

Bài 1: Phổi lợn 100g, ý dĩ 50g, gạo tẻ 100g, gia vị vừa đủ. Ý dĩ và gạo tẻ đãi sạch cho vào nồi nấu thành cháo, khi cháo nhừ cho phổi lợn đã cắt miếng vào đun thêm một lát là được, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Trong bài, ý dĩ kiện tỳ lợi thấp, bổ phế, có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư; phổi lợn nhuận phế bổ hư, được dùng theo nguyên tắc “lấy tạng để dưỡng tạng”. Bài này thích hợp với những người bị ung thư phổi thể khí hư đàm trệ.

Bài 2: Vịt trắng 1 con (nặng chừng 1kg), đại táo 60g, sâm linh bạch truật tán 30g (dạng viên tễ mua ở các hiệu đông dược), gừng tươi và gia vị vừa đủ. Vịt làm thịt, bỏ nội tạng rồi cho đại táo đã bỏ hạt và sâm linh bạch truật tán vào trong bụng, dùng chỉ khâu kín lại rồi đem hầm nhừ, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần. Trong bài, sâm linh bạch truật tán có công năng bổ khí kiện tỳ, trừ thấp hòa vị; thịt vịt bổ ngũ tạng, huyết vịt có chứa chất chống ung thư. Các vị thuốc phối hợp với nhau tạo nên công dụng bồi bổ phế tỳ và kháng ung của bài thuốc, hỗ trợ đắc lực cho các biện pháp điều trị khác.


Theo (Sức khỏe & đời sống) - nt