Hiệu quả của một dự án
(Baonghean) Dự án "Tăng cường tiếng nói và sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số trong xoá đói giảm nghèo" tại Nghệ An được tài trợ bởi Quỹ hỗ trợ của Đại sứ quán Ai – len và Tổ chức CARE của Đan Mạch trong thời gian 2 năm (2011 -2013). Thông qua dự án, HĐND tỉnh Nghệ An là 1 trong 2 cơ quan trực tiếp thực hiện đã thể hiện rõ vai trò góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Dự án "Tăng cường tiếng nói và sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số trong xoá đói giảm nghèo" tại Nghệ An được thực hiện tại địa bàn các xã Châu Kim, Châu Thôn (Quế Phong) và Nghĩa Mai, Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn). Đến nay, dự án đã đi hơn một nửa chặng đường và thu được những thành quả khá rõ rệt trong việc cải thiện đời sống cho các gia đình dân tộc thiểu số được thụ hưởng dự án, cũng như nâng cao năng lực cho cán bộ, đại biểu HĐND các cấp, giúp HĐND có đủ năng lực giám sát các chương trình xóa đói giảm nghèo và đại diện tốt hơn cho quyền lợi của nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Xã Châu Thôn, huyện Quế Phong, từ năm 2011 đến nay đã được dự án đầu tư vào 3 thôn, bản làm mô hình điểm gồm: Mô hình nuôi vịt bầu, mô hình nuôi ong, mô hình trồng lúa SRI - ủ phân vi sinh và mô hình trồng xoan - ủ phân vi sinh. Kết quả, Châu Thôn đã lập được 6 nhóm mô hình và đã triển khai. Tiêu biểu có nhóm mô hình nuôi vịt bầu ở bản Piểu, bản Lằm được thực hiện vào tháng 4/2012 với 24 hộ tham gia. Gia đình Quang Văn Dũng ở bản Piểu là một trong các hộ tham gia mô hình. Dự án đã cấp cho gia đình anh 50 con vịt bầu Quỳ Châu, đồng thời cán bộ của dự án trực tiếp về hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giúp vịt phát triển tốt, tránh được dịch bệnh, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách chăn nuôi truyền thống. Anh Dũng cho biết: “Sau 4 tháng thì chúng tôi bán vịt, trừ chi phí, lợi nhuận thu được 3,8 triệu đồng, hiệu quả hơn trước rất nhiều. Gia đình sẽ tiếp tục thực hiện chăn nuôi theo mô hình của dự án”.
Còn tại xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, gia đình chị Hoàng Thị Mỹ, xóm 1A, xã Nghĩa Mai là một trong 7 hộ lựa chọn mô hình nuôi gà H’Mông. Với 50 con gà mua về khi mới được 1 ngày tuổi, gia đình chị được hỗ trợ đến 70% trên tất cả các khâu: Từ con giống đến vắc xin tiêm phòng dịch bệnh và kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ vậy, sau hơn 4 tháng chăn nuôi, đàn gà của chị đã có thể xuất chuồng với giá trị kinh tế cao. Đặc biệt với giống gà H'Mông này, trứng bán ra thị trường với giá 15 ngàn đồng/1 quả. Chị Hoàng Thị Mỹ chia sẻ: Ban đầu đưa gà về, trong làng ai cũng ngăn. Nói 1 ngày tuổi gà còn yếu quá, chưa nuôi được. Rồi lúc đó xung quanh mấy nhà đều có dịch bệnh, gà vịt chết hết, không ai dám nuôi. Nhưng có cán bộ bày cho cách làm chuồng trại, vệ sinh, tiêm phòng, giờ gà lớn khoẻ mạnh. Khi xuất chuồng đạt hiệu quả kinh tế cao.
Quá nửa thời gian thực hiện dự án tại Nghệ An, trên địa bàn huyện Quế Phong đã thực hiện được 7 mô hình như: nuôi gà, nuôi vịt bầu, nuôi lợn nái…, còn huyện Nghĩa Đàn cũng thực hiện được 7 mô hình. Theo đánh giá của HĐND các huyện trên, vì các mô hình được người dân lựa chọn theo sở thích, bà con tự nguyện hưởng ứng khi thấy các mô hình hiệu quả bước đầu nên phát huy được ý thức, trách nhiệm và nguồn lực có sẵn của người dân. Thậm chí bà con đã tự bỏ tiền mua con giống để mở rộng sản xuất sau khi thấy được hiệu quả, như mô hình nuôi gà ở Nghĩa Đàn, ban đầu có 7 hộ được hỗ trợ 350 con giống, sau khi nuôi lứa thứ nhất phát triển tốt, hiệu quả cao, các hộ đã bán và để lại một số làm giống, đồng thời có 3 hộ tự mua 240 con gà giống nuôi lứa mới.
Tham gia dự án, mô hình nuôi vịt bầu Quỳ của gia đình anh Quang Văn Dũng ở bản Piểu, xã Châu Thôn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Về phía HĐND các cấp, đặc biệt là HĐND cấp xã, thông qua dự án, năng lực của các đại biểu HĐND trong việc giám sát các dự án xóa đói giảm nghèo cũng được nâng cao. Ông Lữ Đình Khuyên – Phó Chủ tịch HĐND xã Châu Kim cho biết: “HĐND xã giám sát, theo dõi, đôn đốc kiểm tra trong quá trình thực hiện dự án tại địa phương. HĐND xã là cầu nối giữa người dân với Dự án CARE, nhờ đó tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người dân trong quá trình thực hiện được chuyển đến dự án, UBND kịp thời. Từ đó, hiệu quả thực hiện các mô hình sinh kế ở Châu Kim đạt khá cao như mô hình nuôi gà đen, nuôi lợn móng cái sinh sản. Năng lực của đại biểu HĐND xã trong giám sát cũng được nâng cao rõ rệt”.
HĐND Nghệ An và Tổ chức CARE là hai đơn vị tổ chức thực hiện dự án. Đánh giá vai trò của HĐND các cấp trong quá trình thực hiện dự án, ông Trần Văn Mão - Ủy viên thường trực HĐND tỉnh - Trưởng ban quản lý dự án tại Nghệ An cho biết: “Sau khi dự án kết thúc, Thường trực HĐND tỉnh đã có chương trình cụ thể để làm việc với các cấp ủy, chính quyền 2 huyện, 4 xã được thụ hưởng dự án. Đồng thời tổng kết dự án, để trên cơ sở đó có những kiến nghị với cấp ủy, chính quyền của các huyện miền núi nói riêng và cả tỉnh nói chung để triển khai, nhân rộng các mô hình ra toàn tỉnh trong việc nâng cao năng lực của đại biểu dân cử, cũng như mô hình sinh kế ở 10 huyện miền núi để hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo”.
Thành Duy