Thay vì đốn một cây, hãy trồng thêm một cây!
(Baonghean) Cách đây không lâu, chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin: Có một ngôi làng được mệnh danh là "làng ung thư", đó là xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Từ năm 1991 đến nay, xã Thạch Sơn có tới 106 người chết, chủ yếu là ung thư gan, phổi, dạ dày, vòm họng... Nguyên nhân chính là do lượng khí, chất thải độc hại quá lớn từ các nhà máy sản xuất, gây ô nhiễm nặng nề nguồn nước, đất đai, không khí của người dân...
Phải chăng, con người đang phải gánh chịu hậu quả do chính chúng ta đã gây ra?
Thế giới đang thay đổi từng ngày. Các ngành công nghiệp máy móc, khai khoáng, dầu mỏ,... phát triển để phục vụ đời sống con người. Nhờ vậy, con người ngày càng sống trong điều kiện hiện đại hơn, văn minh hơn. Nhưng trong quá trình khai thác và sinh hoạt hằng ngày, con người đã thải ra vô số những chất thải, khí thải độc, hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Trung bình mỗi năm, nhân loại đã thải ra ngoài môi trường hơn 2,2 tỉ tấn rác thải và hàng chục tỉ tấn khí thải độc hại.
Ở nước ta, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 6 thành phố bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới với lượng chất thải đáng kinh ngạc, người dân thải ra trong quá trình sinh hoạt:
Ở TP. Hồ Chí Minh, lượng khí benzen trong không khí (gây tê liệt hệ thần kinh, ung thư về máu) đã lên đến mức báo động đỏ với nồng độ trung bình là 33,6 gam/m3, cao gấp 6,72 lần tiêu chuẩn của tổ chức Y tế Thế giới. Cũng tại đây, 60 tấn túi ni lông được thải ra mỗi ngày.
Ở TP. Hà Nội, tổng lượng nước thải lên tới 300.000-400.000 m3/ngày.
80% chất thải ở khu vực nông thôn trên cả nước chưa được xử lý.
Chưa hết, cùng với những nhà máy, xí nghiệp liên tục mọc lên "như nấm sau mưa", việc bùng nổ các loại phương tiện giao thông thì con người còn khai thác dầu mỏ, khí đốt, chặt phá cây cối một cách bừa bải và mặc sức đốt rừng, ngăn sông, chặn dòng làm thủy điện mà chẳng bao giờ nghĩ đến hậu quả của việc làm ấy!
Khi "lá phổi xanh" của trái đất bị hủy hoại dần và hoàn toàn biến mất, liệu con người có còn tồn tại được hay không? Khi lượng khí thải, chất thải trong không khí, nguồn nước, đất đai bị ô nhiễm với nồng độ quá lớn, liệu con người có thể sống và sống khỏe mạnh hay không?
Thay vì đốn một cây, tại sao mỗi người lại không trồng thêm một cây?
Thay vì xả rác bừa bãi, tại sao con người không biết tìm cách sử dụng và tái chế một cách hợp lí nguồn chất thải ấy?!
Đã đến lúc, con người phải thay đổi suy nghĩ của mình, bằng những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường. Làm được như vậy, chúng ta đã và sẽ bảo vệ được chính mình và cả con cháu của chúng ta mai sau!
Lê Phương Anh (Lớp 8A, Trường THCS Lê Lợi - TP. Vinh)