Người khai lưu dẫn lộ cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu văn học, văn hoá cách mạng

20/12/2012 16:47

(Baonghean) - GS. Đặng Thai Mai sinh ngày 25/12/1902, tại làng Lương Điền (xã Thanh Xuân - huyện Thanh Chương - Nghệ An), trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, yêu nước. Ông nội đỗ cử nhân, từng làm huấn đạo, tri huyện rồi treo ấn từ quan về quê để hưởng ứng phong trào chống Pháp xâm lược, bị kết án 3 năm tù. Thân sinh của ông cũng theo Hán học, đậu Phó bảng, là Đốc học tỉnh Nghệ An, chủ nhân của "Triều Dương thương quán" để duy tân đất nước, bị thực dân Pháp khép tội mưu phản, xử tù chung thân, đày đi Côn Đảo.



Giáo sư Đặng Thai Mai

Thuở ấu thơ, Đặng Thai Mai đã nếm trải đủ mùi đắng cay của nạn "quốc phá gia vong". Gia đình ông bị thực dân phong kiến xếp vào loại "cừu gia tử đệ". Thương đứa cháu thông minh mà vắng cha, thiếu mẹ, ông nội đã mở lớp học tại gia mời thêm cụ cử Hồ Phi Thông (sau này thành nhạc phụ của Giáo sư Đặng Thai Mai) để truyền thụ một cách rất cơ bản về Nho học cho cháu. Vùi mình suốt ngày vào thư viện "Tam Thai Sơn phòng tàng thư" của ông nội, ngoài những sách kinh điển Nho gia, thơ, truyện cổ, Đặng Thai Mai còn được tiếp xúc với những sách báo tiến bộ thời bây giờ. Nhờ thế, ý thức canh tân đưa đất nước đi lên xã hội văn minh hình thành trong ông rất sớm.


Năm 1917, ông nội cho Đặng Thai Mai xuống Vinh học lớp nhì tân học. Hai thầy giáo dạy ông lúc này là GS. Lê Thước, GS. Lâm Quang Thọ. Sự tận tuỵ với nghề, kiến thức uyên bác của thầy đã ảnh hưởng rất lớn đến Đặng Thai Mai. Được tiếp xúc với các đồng chí Trần Phú, Ngô Đức Diễn, Trần Mộng Bạch, kết thân với Phạm Thiều, Lê Xuân Phương, Nguyễn Sĩ Sách, Tôn Quang Phiệt... bảy năm học tiểu học ở Vinh, những người thầy, người bạn này đã tác động sâu sắc đến nhân sinh quan của ông.


Năm 1924, Đặng Thai Mai vào học Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Được các nhà giáo nổi tiếng về Triết, Sử, Hán văn, Việt văn giảng dạy... Đặng Thai Mai không chỉ tiếp thu một nguồn tri thức phong phú, một phương pháp sư phạm tối ưu mà còn được tiếp cận một phương pháp luận nghiên cứu tiên tiến. Vào thời điểm này, hàng loạt sự kiện chính trị trọng đại của đất nước đã diễn ra dội đến sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu, lễ truy điệu Phan Châu Trinh, tiếng vọng vang của phong trào dân chủ trên thế giới, những hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc... tất cả đã khơi gợi trong tâm trí Đặng Thai Mai khát vọng tìm đến một học thuyết mới mẻ hơn những gì ông đã biết từ cách mạng Tân Hợi. Hơn nữa, những trào lưu tư tưởng từ cổ Hy Lạp qua Trung cổ đến Phục Hưng, cách mạng Vô sản của Mác, Ăng-ghen... đã bổ sung cho phần tích luỹ về phương Đông mà ông có được từ ấu thơ. Đây là thời kỳ hoàn thành phần học tập, tích luỹ kiến thức để chững chạc bước vào đời với tư cách người trí thức có học vấn thâm hậu và có hoài bão cống hiến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.


Tuổi 26, thầy giáo Đặng Thai Mai nổi danh ở Trường Quốc học Huế về sự say mê tận tuỵ, chiều rộng, chiều sâu tri thức và lòng nhiệt huyết hoạt động trong Tân Việt cách mạng. Đây là thời điểm phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh quê hương ông bị chìm trong bể máu. Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, trong đó có Đảng Tân Việt. Đặng Thai Mai bị bắt, bị tù giam gần một năm. Mãn hạn tù, bị chính quyền thực dân tước quyền giảng dạy ở các trường quốc lập, ông ra Hà Nội dạy Trường tư thục Gia Long, sau đó cùng các ông Hoàng Minh Giám, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp mở Trường tư thục Thăng Long. Tại đây, ông chuyên giảng dạy văn học Pháp ở các cấp học và hệ tú tài của trường. Ông cùng các đồng nghiệp Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Bùi Kỷ, Hoàng Xuân Hãn, Lê Thước... mở Hội truyền bá chữ quốc ngữ. Vừa là thủ quỹ vừa soạn giảng, vừa làm giáo viên, những năm 1938 - 1945, Đặng Thai Mai đã nhiệt thành đóng góp công sức, trí tuệ giúp cho hàng vạn đồng bào ta thoát nạn mù chữ.


Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến cử ông, vì đấy là "một người đã nhiều năm hoạt động trong công việc giáo dục và là người mà Quốc dân có thể tin rằng: nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì sẽ làm hết nhiệm vụ!". Chỉ trên cương vị Bộ trưởng Giáo dục một năm, bằng trí tuệ uyên thâm của một nhà sư phạm, GS Đặng Thai Mai tập hợp được đông đảo các nhà trí thức đương thời, xây dựng triết lý, lộ trình cho một nền giáo dục mới, tiên tiến, xây dựng những con người Việt Nam mới vì sự phồn thịnh của đất nước. Giáo sư đã để lại những dấu ấn sâu đậm, đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục cách mạng. Các Bộ trưởng kế nhiệm Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Thị Bình, Phạm Minh Hạc... đã có những đánh giá cao, ghi nhận vị trí mở đường của ông trong sự nghiệp giáo dục cách mạng.


Sau ngày toàn quốc kháng chiến, tỉnh Thanh Hoá đã trở thành" vùng tự do", "hậu phương trực tiếp của chiến trường Bắc Bộ". Nhiều cơ sở của Trung ương, Quân khu 4, nhiều công binh xưởng, đồng bào Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc đã di chuyển, tản cư về đây. Thanh Hoá còn là nơi quy tụ đông đảo các trí thức, văn nghệ sỹ, nhân sỹ... Cần có một vị lãnh đạo có trí tuệ uyên bác có năng lực tập hợp, đoàn kết lực lượng trí thức này và chỉ đạo việc đào tạo một đội ngũ trí thức mới cho sự nghiệp kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định bổ nhiệm GS. Đặng Thai Mai về làm Chủ tịch UBHC tỉnh Thanh Hoá. Trong cương vị nặng nề này, ông dành nhiều thời gian, tâm sức cho các hoạt động xã hội. GS. Đặng Thai Mai trực tiếp thành lập và làm Hội trưởng Hội truyền bá chủ nghĩa Mác, Hiệu trưởng Trường Đại học dự bị, lớp trưởng các lớp Văn hoá kháng chiến các trại sáng tác văn học, nghệ thuật... kiêm chức Giám đốc Giáo dục Liên khu 4.


Hoà bình lập lại, GS. Đặng Thai Mai được Chính phủ bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn khoa Hà Nội, sau đó là Chủ nhiệm khoa Văn, Đại học Tổng hợp. Những ngày đầu xây dựng ngành Giáo dục đại học khoa học xã hội, ông vừa là người lãnh đạo, vừa giảng viên, vừa người biên soạn giáo trình. Từ năm 1957, ông được phân công sang làm Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam. Xây dựng đề án công tác nghiên cứu và phát triển nền văn hoá nước nhà, GS. Đặng Thai Mai đã làm đề án và trực tiếp tổ chức, kiêm chức Viện trưởng Viện Văn học, Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ cho đến năm 1976. Dẫu cương vị nào, nghiệp làm thầy vẫn tơ vương trong lòng, ông đã trực tiếp tổ chức, lên lớp Hán-Nôm. Các nhà khoa học xã hội nhân văn đã khẳng định: Nếu không có tầm nhìn xa, rất xa của thầy Mai trong việc mở, đào tạo các chuyên gia hàng đầu về Hán-Nôm cho đất nước, thì một bộ phận trí thức của nền văn hoá Việt Nam sẽ phiêu dạt về đâu? Khi ông qua đời (1984), và trong dịp kỷ niệm 90 năm, 100 năm ngày sinh của ông, đã có nhiều bài viết vô cùng cảm động về tình thầy trò, về niềm tự hào được là học trò của GS. Đặng Thai Mai!


Công việc của một nhà lãnh đạo, một người thầy say mê lên lớp đã làm cho thời gian dành cho nghiên cứu bị hạn hẹp, nhưng Gíao sư vẫn để lại cho lịch sử văn học, văn hoá nước nhà nhiều sáng tác tiêu biểu. Đó là: Chủ nghĩa nhân văn dưới thời Phục Hưng (1949), Giảng văn Chinh phụ ngâm (1950) Triết học khái luận, Lược sử văn học Trung Quốc hiện đại (1958) Văn thơ cách mạng Việt Nam thế kỷ XX (1961)... Hai công trình được các học giả trong nước đánh giá rất cao là Văn thơ Phan Bội Châu và Văn thơ cách mạng Việt Nam thế kỷ XX. Độ dày về số trang, độ sâu về khoa học, sự phong phú về tư liệu, sự mới lạ và tiên tiến về hướng tiếp cận và phương pháp luận đã làm cho các công trình của ông có chỗ đứng lâu dài trong lịch sử văn học, văn hoá nước nhà. GS. Đặng Thanh Lê, con gái ông, đã sưu tầm được hơn 3.000 bài báo viết bằng ba ngôn ngữ Pháp-Trung-Việt trên các báo, tạp chí trong nước và nước ngoài...


Xin mượn lời GS.TS Phạm Minh Hạc, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc Hội thảo trong dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh GS Đặng Thai Mai để làm lời kết bài viết này: "GS Đặng Thai Mai người khai lưu dẫn lộ, tiên phong, mở đường cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu văn học, văn hoá cách mạng Việt Nam. Giáo sư đã chắt lọc cho mình những tinh hoá của dân tộc và cả thế giới để đào tạo nên một thế hệ trí thức mới cho dân tộc. Học giả Đặng Thai Mai đã nối tiếp các gương danh nhân văn hoá dân tộc".


Nguyễn Khắc Thuần (TP. Vinh)