Văn hoá "làm phiền"

20/12/2012 18:59

Tôi có một anh bạn thoắt ẩn thoắt hiện như ma, khá buồn cười. Thời bình ăn nên làm ra đừng hòng nhận được lời hẹn gặp hay cuộc điện thoại thăm hỏi của cậu ta bao giờ. Không lên tiếng thì thôi, chứ một ngày đẹp trời cậu ta gọi điện hỏi han thì không vay tiền cũng là nhờ cậy việc to, việc nhỏ.

(Baonghean) - Tôi có một anh bạn thoắt ẩn thoắt hiện như ma, khá buồn cười. Thời bình ăn nên làm ra đừng hòng nhận được lời hẹn gặp hay cuộc điện thoại thăm hỏi của cậu ta bao giờ. Không lên tiếng thì thôi, chứ một ngày đẹp trời cậu ta gọi điện hỏi han thì không vay tiền cũng là nhờ cậy việc to, việc nhỏ.

Một, hai lần, ai cũng vui vẻ giúp. Ba, bốn lần, thôi thì tặc lưỡi làm cho xong, dù sao cũng là chỗ bạn bè. Năm, sáu lần, có người bắt đầu thấy phiền toái, tìm cách lẩn tránh. Đến nỗi anh này bây giờ đã thành giai thoại, chủ đề châm biếm mỗi lần bạn bè gặp nhau. Chỉ là câu chuyện nhỏ thôi, nhưng khiến tôi trăn trở nghĩ mãi về văn hoá "làm phiền" đang ngày một phổ biến trong xã hội, chứ chẳng riêng gì anh bạn của tôi.

Nói về văn hoá "làm phiền", thực ra nó là một cái nạn hay là xu hướng chung của toàn xã hội, tôi cũng không dám chắc. Vì dù ít, dù nhiều, những mối quan hệ của chúng ta khó mà tách rời khỏi lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, khi sự nhờ vả, yêu cầu giúp đỡ của ta trở thành yêu sách, phiền phức cho người khác, có nghĩa là ta cần phải xem lại chừng mực hành vi của mình. Phải chăng ta đang quá đề cao bản thân và mối quan hệ với người, dẫn đến tự cho mình quyền đòi hỏi người ta cái này, cái kia? Là do người ta hẹp hòi, chi li với ta hay là do ta quá vô tâm, vô tư hoặc thậm chí là vô liêm sỉ? Làm sao để xác định được ranh giới chừng mực để mối quan hệ giữa ta với người "có đi có lại cho toại lòng nhau"?


Người Á Đông chúng ta từ xưa đến nay vẫn luôn xem trọng tình, nghĩa, lấy đó làm nguyên tắc, đạo lý sống, ăn ở, cư xử với nhau. Nhưng trước khi đòi hỏi mọi người phải sống có nghĩa (chứ chưa nói đến có tình) với mình, hãy ngẫm xem bản thân mình đối với họ đã có nghĩa (có tình) hay chưa? Nếu chưa biết trân trọng người khác, sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân thì xin đừng đòi hỏi người ta phải sống vì mình hay cho mình điều gì dù chỉ là nhỏ nhặt.

Một nhà triết học phương Tây đã nói, "Hãy đối xử với người khác như cách mà bạn muốn mình được đối xử", vậy nên nếu muốn người vì mình trước tiên hãy vì người, còn trong trường hợp cần thiết phải yêu cầu, đòi hỏi điều gì từ người khác, làm ơn đặt mình vào vị trí của họ mà nghĩ xem liệu điều đó có gây phiền phức, khó xử cho người được yêu cầu hay không, mối quan hệ giữa ta và họ ở mức độ nào, có trách nhiệm, ràng buộc gì đối với nhau? Chỉ cần mỗi người chúng ta có ý thức tự lực cánh sinh, tránh yêu sách, phiền hà đến những người xung quanh một chút thôi, xã hội sẽ văn minh mà quan hệ giữa người với người sẽ rõ ràng, thuần tuý. và nhẹ nhàng, dễ chịu hơn nhiều lắm.


Nói thế không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn việc nương tựa, nhờ cậy lẫn nhau trong cuộc sống, vì làm gì có ai sống mà không cần đến sự giúp đỡ của những người xung quanh. "Sông có khúc, người có lúc", gia đình, người thân, bạn bè chính là để ta yên tâm dựa dẫm, tin tưởng những lúc thăng trầm. Nhưng sông khúc khuỷu đến đâu rồi cũng chảy xuôi về biển, người long đong lận đận mấy cũng phải biết tự đứng lên và bước đi trên đôi chân của mình, chứ có bấu víu, phụ thuộc vào người khác mãi được không? Vấn nạn của xã hội ngày nay chính là những người thụ động, biếng nhác không chịu tự thân vận động, cứ mãi chờ đợi người khác sống hộ, làm hộ cho mình. Những người như thế rồi đây sẽ làm được gì cho đời, hay chỉ là gánh nặng cho những người xung quanh, dù vương thì tội nhưng bỏ thì thương, sao đành!


Quay trở về với người bạn của tôi, đã khá lâu rồi chưa gặp, không biết cậu ta có còn lẵng nhẵng bám theo người này, gọi điện cho người kia để nhờ vả, xin xỏ mỗi khi cần còn bình thường thì chẳng thấy tăm hơi đâu hay không? Nhiều khi cũng giận nhưng nghĩ lại thấy thương nhiều hơn, vì những người như thế thường chẳng bao giờ nghĩ được rằng so với chút lợi ích cỏn con, sự trân trọng và tình cảm của mọi người mà họ đánh đổi còn to lớn hơn nhiều lắm. Còn bạn, khi đọc bài này, liệu bạn có đang định nhấc máy điện thoại gọi cho một người bình thường chẳng bao giờ bạn nhớ tới, nhờ vả bằng những lời ngọt nhạt đầu môi mà không nghĩ rằng rất có thể, người ta đang tiếp chuyện mình bằng những cái nhíu mày khó chịu?


Hải Triều (Email từ Paris)