Lặng lẽ với đêm...

24/12/2012 18:09

(Baonghean) - Làm "bạn" với đêm, với những xào xạc về khuya, với bóng đèn đường vàng vọt, những cơn gió hun hút từ hẻm tối... Khó ai có thể nhìn thấy những khuôn mặt nhọc nhằn đẫm mồ hôi đằng sau những khẩu trang, vòng quấn của khăn bịt mặt và chiếc nón kéo sụp. Bao nỗi buồn, vui khuất chìm trong những đôi mắt dưới vành nón ấy...

Lặng lẽ những mảnh đời

Gần 10 giờ đêm một ngày đầu đông mưa lạnh. Chỉ nghe tiếng xe tải ầm ào xé nước trên đường. Co ro trong tấm áo tơi, cái bóng già mỏng manh của bà Diên khuất lấp đằng sau những xe rác chất cao nặng mùi tại Cầu Bưu điện (T.P Vinh). Bà kéo tấm khăn bịt mặt, nhìn tôi cười, tôi hỏi: “Bác ơi, giờ này mà chưa xong việc sao?”- “Bữa ni xe về muộn chị ạ”. À, đúng rồi! Tôi chợt nhớ ra. Bà còn phải đợi xe của đội xe Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An để hoàn tất một vòng tròn công việc: thu gom rác tại từng ngõ, từng nhà, đưa rác ra tập kết tại chân cầu này, chờ xe rác đến bốc đi, đẩy chiếc xe không của mình về đầu ngõ...



Hẻm phố lúc O giờ Ảnh: Đăng Việt

Bà Diên (họ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Diên) vốn quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đi TNXP về năm 1971, thì đến năm 1972 bà theo chồng về xóm Xuân Hùng (Hưng Lộc) và trở thành cư dân của xóm này từ bấy tới nay. Không có nghề, từng xoay xở buôn bán, rồi từ năm 2003, bà xung phong làm vệ sinh viên của xóm với mức lương đầu tiên chỉ vài trăm ngàn đồng. Hàng ngày, từ 5h30 phút chiều, ngày mưa cũng như nắng, bà lại lọc cọc đẩy xe tới từng ngõ, từng nhà của 250 hộ dân trong xóm để gom rác. Tiếng kẻng cứ thế đều đặn vang lên thay cho lời nhắc nhở. Nó quen thuộc với bà đến nỗi, nếu không nghe nó mỗi ngày là bà thấy... nhớ. Người dân xóm Xuân Hùng này cũng quen với sự có mặt cần mẫn của bà qua tháng, qua năm từ tiếng kẻng và tiếng lọc cọc xe rác quen thuộc. Có khi trước lúc đi làm, bà đã ăn tạm một bát cơm nguội lót dạ, nhưng thường thì sau 9 giờ đêm bà mới ngồi vào mâm cơm đã lạnh và ngồi ăn với... cái bóng của chính mình. Từ ngày chồng mất, bữa cơm của bà lại càng lặng ngắt và đạm bạc hơn. Trong 9 năm làm nghề, bà chỉ mới nghỉ có 1 tháng do bị tai nạn, nhưng thời đó ông nhà bà còn sống nên đã thay phần việc của bà. Thế có nghĩa là 1 năm có 365 ngày thì cũng gần như ngần ấy ngày, bà gắn bó với xe rác (trừ đúng 3 ngày Tết). Mà vất vả nhất có lẽ là đêm 30 Tết. Bà thường về rất muộn, chỉ kịp thắp vội nén hương lên ban thờ.

Cũng như bà Diên, bà Hồ Thị Xuân là công nhân viên thu gom rác của khối xóm (Khối 4- phường Trường Thi). Chồng mất sớm, đứa con trai duy nhất bị thiểu năng trí tuệ, lấy vợ không có việc làm, hai con gái đã ra riêng... Sau khi nghỉ hưu (trước đây bà là công nhân may mặc), bà Xuân đăng ký với khối làm công việc gom rác. 62 tuổi đời, có thâm niên 19 năm gom rác, bà Xuân còn thường tranh thủ ngoắc thêm thùng nhựa vào xe rác để xin thức ăn thừa về nuôi lợn. Bà trải lòng: “Thì gắng thêm vài năm nữa để “giữ nghề” cho con dâu. Lương khối trả cho 1 triệu rưỡi/ tháng; nhưng thời buổi này, không học hành, không bằng cấp thì còn đòi gì hơn được nữa”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết là công nhân gom rác của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An. Công việc cũng vẫn gắn với rác, với xe đẩy, với những tuyến đường và nỗi nhọc nhằn, đôi khi tủi hổ nữa. Chị kể về buổi đầu tiên nhận việc: Tôi đang còng lưng đẩy chiếc xe cao ngất, thế rồi nghe ai đó gọi “Rác ơi!” và sau đó là tiếng “bịch”. Ngoảnh lại, đã thấy rác tung tóe trên mặt đường. Sao người ta không gọi “cô ơi” hay “chị ơi” mà lại gọi “Rác ơi!” thế hả chị?” Tuyết quê Hải Dương, theo chồng vào đây sau thời gian làm công nhân cao su ở Tây Nguyên. Lương tháng 4 triệu đồng, nhưng chồng không nghề, ai thuê gì làm nấy, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học nên ngoài việc chính, Tuyết còn tranh thủ buôn hoa quả ở chợ ban ngày. Hai đứa con của Tuyết (đứa lớn lớp 5, đứa nhỏ 3 tuổi) nhiều bận toàn phải tự chăm sóc nhau ở nhà. Gia đình chẳng mấy khi được đoàn tụ trong bữa cơm chiều.Tuyết luôn ăn cơm trước 3 bố con để kịp ra đường trước 6h chiều. Và đến khi trở về là lúc mọi người, mọi nhà đã chìm vào giấc ngủ. Nhiều lúc trở trời, con ốm, vừa làm ngoài phố khuya, Tuyết vừa lo thắt ruột con cái ở nhà. Công nhân như Tuyết, mấy ai được đón giao thừa ở nhà. Còn nhiều công nhân trong Công ty của Tuyết, nhà xa, ở tận Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương... thì phải chung nhau tiền thuê nhà trọ để theo nghề.

"Sinh nghề", trụ lại với nghề

Không chỉ khó khăn, vất vả, không chỉ bởi cái mùi đặc trưng cố hữu ám vào khắp cơ thể, quần áo dù cố sức gột rửa, mà còn là bao nhiêu hiểm nguy rình rập, chực chờ... Do thường xuyên tiếp xúc với rác độc hại, súc vật chết, mùi hôi thối nồng nặc, ô nhiễm, bụi bặm... mà không ít người mang bệnh. Bệnh nghề nghiệp của “lao công” thì nhiều lắm, từ nhẹ như dị ứng, bệnh ngoài da, đau đầu, đau tá tràng, đại tràng đến nặng như vẹo cột sống, nhiễm trùng, lây nhiễm các bệnh khác từ... rác. Ấy là chưa kể những tai nạn vốn xảy ra như cơm bữa. Có khi mải mê làm việc mà quên phía sau mình chiếc xe tải ầm ào xô tới, tung tóe nước bẩn lên mặt, một gã say rượu loạng choạng lái xe đâm trúng mình, một chiếc taxi vượt ẩu hất mình ra xa, và bọn nghiện hút có khi đói thuốc kề dao vào cổ... Công nhân vệ sinh đô thị thường đùa nhau, làm cái nghề này phải “nhanh tai, nhanh tay, nhanh mắt”. Tai phải lắng nghe, mắt phải chú ý, tay phải nhanh quơ chổi...

Bà Diên đã từng bị tai nạn gãy tay vì một chiếc xe của người say rượu giữa đêm như vậy. Sau đó, bà đã phải nằm viện hàng tháng trời, để rồi sau đó, gắng gượng với một cánh tay còn treo trước ngực, người ta lại thấy bà đẩy xe rác đi khắp xóm Xuân Hùng. Chị Hoàng thị Hoa quê xã Nam Cát, Nam Đàn. Nhà chỉ còn có mẹ già, nhưng thi thoảng chị mới về thăm được. Đã cao tuổi rồi, như chị nói “sắp đến tuổi nghỉ hưu” nhưng chị Hoa vẫn một mình một bóng: "Do đặc thù công việc, phải làm đêm nên bọn chị không có thời gian giao lưu hay tìm hiểu chi... Nhiều người chỉ biết làm bạn với cây chổi và tuổi xuân qua lúc mô chẳng hay em ạ. Nhìn bạn bè cùng trang lứa con bồng cháu bế, không khỏi ngậm ngùi...".

Ngồi chờ xe rác đến tại ngã ba đường Nguyễn Văn Cừ, anh Nguyễn Văn Hiếu, chị Đoàn Thị Lưu cho biết thêm: “Con gái làm lao công khó lấy chồng lắm. Nếu không lấy người trong nghề thì nỏ lấy được ai cả. Buổi tối là thời gian đi tìm hiểu, hẹn hò thì công nhân quét rác lại đi làm. Mà trên đời có mấy người chịu được cảnh đêm nào cũng về muộn của vợ chứ? Vậy nên chỉ có đồng cảnh ngộ mới có sự đồng cảm và gắn kết lâu bền”. Chị Đinh Thi Gái (tổ quét đường) và anh Hoàng Văn Giang (tổ xe) đã bén duyên trong những lần gặp gỡ bên xe rác như thế. Giữa họ, không có những đêm hẹn hò lãng mạn, không có quà tặng vào những ngày lễ, mà chỉ có cảm thông và thấu hiểu tận cùng. Từ đó mà yêu thương nhân lên. Hơn 3 năm trong nghề, chị Gái vẫn nhớ cái cảm giác của đêm giao thừa trên phố. Gia đình, bè bạn gọi điện, nhắn tin chúc mừng, chị ngồi thụp xuống bên cây chổi và òa khóc như trẻ con. Có lẽ hơn ai hết, anh Giang (khi đó đang yêu) là người hiểu nhất chị đang nghĩ gì, đang cần gì. Sau giờ phút giao thừa bên gia đình tại Thanh Chương, anh đã phóng xe máy xuống Vinh để đón năm mới cùng chị. Giờ đây, khi sắp sửa chào đón đứa con đầu lòng, đôi vợ chồng ấy vẫn lặng lẽ làm việc trên từng con phố, lặng lẽ sẻ chia với nhau giọt mồ hôi và niềm hạnh phúc nhỏ nhoi giữa muôn sự ồn ã, xô bồ...

Có bao nhiêu lý do để người ta đến với nghề lao công cũng là ngần ấy lý do còn trụ lại với nghề. Làm riết, chịu khổ riết... rồi cũng quen. Như bà Diên, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi khi ai đó hỏi thăm. Điều mà bà mong nhất là “đi khi mô, sạch khi nớ” và lo nhất khi có “tiếng ra tiếng vô” rằng bà dọn chưa đều, chưa sạch. Bám lấy nghề vì mưu sinh, thì đã rõ, nhưng thẳm sâu hơn thế là đã quen với nghề, là ý nghĩ “mình không làm việc này thì sẽ có người khác phải chịu khổ” hay “mình không làm thì phố xá sẽ ra sao?”. Như anh Võ Anh Hoàng, công nhân gom rác trên đường Phan Đăng Lưu chia sẻ: “Giá như chủ các công trình xây dựng, các tài xế xe tải ý thức đừng để rơi vãi chất thải ra đường, người dân bỏ thói quen tiện tay là vứt rác thì công việc của những người quét rác chúng tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều”.

Lời kết

Mỗi ngày lại qua trên cung đường quen thuộc, có cây xanh, có hoa nở, và đã sạch sẽ tinh tươm trước mỗi bình minh, mấy ai biết rằng hàng đêm, những người công nhân môi trường đã thức cùng với tiếng chổi xạc xào, mồ hôi họ đã rơi dưới mỗi vết xe qua, và cung đường ấy được tính bằng khối lượng rác thải phải quét dọn, để có một diện mạo cho thành phố trong một ngày mới. Có những tuổi xuân đã mòn theo tiếng chổi khuya, có những nước mắt đã rơi trong nỗi tủi buồn, nhưng trên hết cả là niềm vui lặng lẽ, là tình yêu thương, niềm đồng cảm. Vì thế mà có những người đã gắn bó với công việc này tới 10, 20 năm. Điều nhói lòng của họ bây giờ không phải là tiếng gọi “Rác ơi” hay những sự ví dụ, so sánh vô tình, mà chính là sự vô ý thức của không ít cư dân...

Trên địa bàn Thành phố Vinh, mỗi ngày có khoảng 180-200 tấn rác thải được thực hiện thu gom tại 163 địa điểm rồi vận chuyển về Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn ở Nghi Yên (Nghi Lộc). Hiện số lượng công nhân quét đường của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An có 370 người (trong đó thuộc công ty là 335 người, còn lại là hợp đồng tại các khối, xóm) thực hiện công việc gom rác trên 18 tuyến đường vào ban ngày, 91 tuyến đường vào ban đêm. Mức lương của công nhân trong Công ty khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, còn của nhân viên gom rác khối, xóm là 1,4-1,5 triệu đồng/tháng. Khối lượng công việc nhiều, mức lương không cao, nhưng theo như các công nhân vệ sinh môi trường chia sẻ “đã khá hơn nhiều so với những năm trước đây”.


Thùy Vinh - Nguyễn Lê