Tại sao lại như vậy?
Bước vào năm học 2012-2013, đa số các bậc phụ huynh giật mình sửng sốt khi tiếp xúc với cuốn sách giáo khoa Tập đọc lớp 3, có bài viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Nhưng tác giả cuốn sách lại nói một cách mù mờ các kiến thức lịch sử về cuộc khởi nghĩa đó. Đã là người Việt Nam có quan tâm đến lịch sử nước mình, ai lại không biết Hai Bà Trưng chống lại kẻ thù nào và ở thời điểm lịch sử nào?
(Baonghean) - Bước vào năm học 2012-2013, đa số các bậc phụ huynh giật mình sửng sốt khi tiếp xúc với cuốn sách giáo khoa Tập đọc lớp 3, có bài viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Nhưng tác giả cuốn sách lại nói một cách mù mờ các kiến thức lịch sử về cuộc khởi nghĩa đó. Đã là người Việt Nam có quan tâm đến lịch sử nước mình, ai lại không biết Hai Bà Trưng chống lại kẻ thù nào và ở thời điểm lịch sử nào?
Nếu quả thật có ai đó không biết lịch sử thì hàng năm Hội Phụ nữ Việt Nam vẫn tổ chức kỷ niệm cuộc khởi nghĩa này. Trong lễ kỷ niệm, tất phải có diễn văn ôn lại lịch sử cuộc khởi nghĩa và phải nói rõ trong cuộc khởi nghĩa đó Hai Bà Trưng chống lại kẻ thù nào chứ! Kẻ thù của Hai Bà Trưng là ai phải coi là việc hiển nhiên người Việt Nam nào cũng biết, không có gì còn phải né tránh cả! Nếu kẻ thù từ thời Hai Bà Trưng mà đến nay viết sách còn phải né tránh, thử hỏi ngày nay ta làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, liệu khi viết sách về hai cuộc kháng chiến có đề cập đến hai kẻ thù của lịch sử thời đó là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ không? Hay lại cứ phải né tránh? Và nói chung, lịch sử dân tộc phải đương đầu với đủ loại kẻ thù, mà ngày nay viết sách cứ phải né tránh, không nêu tên kẻ thù đó ra thì e rằng chúng ta không còn mấy lịch sử để truyền dạy cho các thế hệ nối tiếp.
Lúc đầu, đọc cuốn sách Tập đọc lớp 3, tôi cứ nghĩ không hiểu tại sao các tác giả cứ nói chung chung về kẻ thù mà không hề chỉ ra thời điểm nào Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (Thái thú của quân Nam Hán) sang xâm lược và đô hộ nước ta!
Về sau, tôi mới biết đó là chủ trương của người soạn sách! GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - một trong những thành viên biên soạn - nói rằng: Ở lớp 3, các em chưa biết kẻ thù của Hai Bà Trưng là ai thì sau này lớn lên các em cũng biết! Ông lại nói: Nếu trong sách, chưa nói kẻ thù của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là ai thì ông bà, bố mẹ các em cũng có thể nói cho các em biết! Ơ hay! Sao sách giáo khoa chính thống của Nhà nước không nói rõ kẻ thù của hai Bà Trưng là ai, mà lại dựa vào sự học truyền miệng qua ông bà, bố mẹ? Ngộ nhỡ ông bà, bố mẹ là nông dân vùng núi cao hoặc những người nghèo do điều kiện nào đó mà thất học, không biết rõ lịch sử thì các em hỏi ai?
Ngày nay, trong tiến trình hội nhập toàn cầu, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có không ít các nước trước đây từng là kẻ thù của một giai đoạn lịch sử dân tộc. Điều đó không ngăn cản sự hợp tác hai bên cùng có lợi, cùng phát triển và không ai lại ngây thơ để cho các sự việc của giai đoạn lịch sử đã qua ảnh hưởng đến nhiệm vụ, mục tiêu hưng thịnh và phát triển đất nước ở thời hiện tại. Tình hữu nghị giữa các dân tộc của ngày hôm nay và các vấn đề của quá khứ là hai chuyện khác nhau, cần được phân biệt rõ ràng. Sách giáo khoa viết về lịch sử vẫn cứ phải tôn trọng sự thật lịch sử vốn có, không sợ ảnh hưởng gì đến các quan hệ khác!
Thạch Quỳ