Phòng bệnh hô hấp cho bé khi trời trở lạnh

15/11/2012 17:51

Rửa tay với xà phòng là câu nói rất quen thuộc nhưng nhiều người ông bố bà mẹ lại quên hoặc không để ý.

Trời lạnh, bé rất dễ nhiễm bệnh

Cách đây vài hôm, thấy trời trở lạnh nên trước khi đưa bé Mi (3 tuổi) đi nhà trẻ, chị Thanh Huyền (Quận 3, TP HCM) đã trang bị quần áo rất kỹ cho cô công chúa nhỏ nhưng buổi chiều cùng ngày, chị lo lắng khi thấy bé xuất hiện triệu chứng ho hắng, nước mũi chảy ròng ròng.

Về tới nhà, cô bạn thân gọi điện nhắc nhở nên cẩn thận giữ ấm cho con vì hàng xóm của cô bạn có mấy người có con phải nhập viện vì bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, nguyên nhân là do thay đổi thời tiết.

Không nhẹ nhàng như trường hợp của bé Mi nhà chị Huyền, chị Tuyết Mai (Núi Trúc, Hà Nội) phải đưa con vào viện trong tình trạng bé sốt, ho nặng, thở khò khè. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm đường hô hấp cấp.

Môi trường ô nhiễm hay thời tiết thay đổi đột ngột là nguyên nhân làm cho trẻ dễ bị các bệnh liên quan đến hô hấp.

Trẻ mắc bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ hội học hỏi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc của cha mẹ do phải dành nhiều thời gian, tâm trí để chăm sóc con nhiễm bệnh.

Khi trời bắt đầu chuyển lạnh, trẻ dưới 5 tuổi thường hay bị các bệnh về đường hô hấp là do lứa tuổi này sức đề kháng yếu, cơ thể nhạy cảm với những thay đổi dù nhỏ của thời tiết, các bé dễ dàng bị các virus, vi khuẩn tấn công.



Những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm nhiễm đường hô hấp
là ho có thể kèm theo sổ mũi, hắt hơi, sốt,... (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, vì các bé còn quá nhỏ, chưa có ý thức giữ vệ sinh, tự bảo vệ mình trước các nguy cơ lây nhiễm bệnh từ môi trường sống (nhất là ở nhà trẻ) và người có bệnh nên càng dễ mắc bệnh. Vì vậy vai trò của bố mẹ trong vấn đề phòng ngừa bệnh cho con đóng vai trò rất lớn.

Những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm nhiễm đường hô hấp là ho có thể kèm theo sổ mũi, hắt hơi, sốt,... Thậm chí, bé có thể bị khó thở, thở khò khè...

Một điều các bậc phụ huynh cần phải lưu ý là trẻ em ở lứa tuổi này khi mắc bệnh thì diễn biến bệnh thường rất nhanh, khó lường,... Do đó, nếu những bệnh lý này không được phát hiện, điều trị xử trí kịp thời và đúng sẽ xảy ra những biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp cấp, viêm phổi…

Vậy phòng ngừa bệnh như thế nào?

Để phòng ngừa chứng nhiễm khuẩn hô hấp nói trên, bác sĩ Philippe Collin (Khoa Nhi, BV Việt Pháp) đưa ra một số lời khuyên cho các bà mẹ như sau:

Các bà mẹ cần chăm sóc trẻ kỹ hơn trước những thay đổi của thời tiết, trẻ nên được giữ ấm khi trời trở lạnh. Không cho trẻ đi chơi dưới trời lạnh hoặc đi quá khuya; tắm trẻ bằng nước ấm.

Các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý tăng cường miễn dịch tự nhiên cho trẻ thông qua dinh dưỡng. Cha mẹ cần bổ sung cho con một số chất quen thuộc như sắt, kẽm, DHA, omega 3,… trong bánh mì, một số loại nấm, hạt ngũ cốc… Dinh dưỡng nạp vào cơ thể là yếu tố cơ bản để tạo nên hàng rào miễn dịch, giúp bảo vệ trẻ khỏi sự lây nhiễm. Trẻ cần được bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất để tăng trưởng và phát triển cũng như xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Bác sĩ Collin cho rằng một trong những biện pháp tăng cường sức đề kháng cho con đó là nên cho trẻ ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm.

Rửa tay với xà phòng là câu nói rất quen thuộc nhưng nhiều người ông bố bà mẹ lại quên hoặc không để ý. Rửa tay giúp ngăn chặn vi khuẩn không xâm nhập vào cơ thể, từ đó hỗ trợ cho hệ miễn dịch trẻ được tốt hơn.

Khi cha mẹ thấy con có triệu chứng sốt cao, ho nặng tiếng, thở nhanh hơn hoặc khó thở, bỏ ăn uống, khóc quấy nhiều là dấu hiệu bệnh nặng, nhất thiết phải đưa con đến khám và điều trị ở bệnh viện.

Trẻ đang bệnh thường khó ăn và dễ bị nôn ói, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa và chia nhiều bữa trong ngày, nhưng vẫn phải đảm bảo năng lượng đủ.

Biện pháp phòng bệnh quan trọng nữa là phải cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng của ngành y tế.


Theo Tri thức trẻ - nt