Về "thương mại hóa" báo chí gần đây
Từ khi Đảng ta chủ trương thực hiện công cuộc đổi mới, cũng như nhiều lĩnh vực khác, báo chí thay đổi điều kiện hoạt động từ bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, ngoài những cơ quan báo chí hoạt động bằng ngân sách Nhà nước theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu, hầu hết các cơ quan báo chí đều hoạt động theo cơ chế tự hạch toán kinh tế. Cũng từ đó, hiện tượng báo chí chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần bộc lộ ngày càng rõ và dần trở thành một khuynh hướng đáng lo ngại.
(Baonghean) - Từ khi Đảng ta chủ trương thực hiện công cuộc đổi mới, cũng như nhiều lĩnh vực khác, báo chí thay đổi điều kiện hoạt động từ bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, ngoài những cơ quan báo chí hoạt động bằng ngân sách Nhà nước theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu, hầu hết các cơ quan báo chí đều hoạt động theo cơ chế tự hạch toán kinh tế. Cũng từ đó, hiện tượng báo chí chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần bộc lộ ngày càng rõ và dần trở thành một khuynh hướng đáng lo ngại.
Cụm từ "thương mại hóa" báo chí được cho là được sử dụng một cách chính thức đầu tiên tại Chỉ thị 08/CT-TƯ ngày 31/3/1992, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản. Tại Chỉ thị này, Ban Bí thư cho rằng, khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận đơn thuần khá nặng nề dẫn tới đua nhau đăng và phát những tin, bài, hình ảnh giật gân, câu khách. Khuynh hướng sai lầm đó đã được các cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo uốn nắn, nhắc nhở, đã bị dư luận lên án nhưng chưa sửa chữa được nhiều. Tại Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 (khóa VIII) Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Chỉ thị 22/CT-TƯ ngày 17/10/1997 của Bộ Chính trị khóa VIII về Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản; tại các hội nghị báo chí, xuất bản toàn quốc hàng năm đều đã có những phân tích, phê phán nghiêm khắc khuynh hướng nói trên.
Mặc dù các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí đã có nhiều hình thức, biện pháp để ngăn chặn, khuynh hướng "thương mại hóa" báo chí không những chưa bị đẩy lùi mà còn diễn biến theo chiều hướng trầm trọng, phức tạp. Biểu hiện "thương mại hóa" cũng muôn hình nhiều vẻ. Trong đó, dễ nhận thấy nhất là nhiều cơ quan báo chí chạy theo các tin, bài mang tính giật gân, câu khách, câu view, câu comment (chia sẻ, bình luận), đưa nội dung các tin, bài về đề tài "cướp - giết - hiếp", "tình - tiền - tù - tội" với liều lượng đậm đặc, thái quá. Chú trọng đến việc miêu tả rùng rợn, ly kỳ, khêu gợi, dung tục... chỉ quan tâm phục vụ những thị hiếu thấp kém, tầm thường. Diễn tiến của quá trình "thương mại hóa" lại là quá trình "tầm thường hóa", "lá cải hóa" chất lượng nội dung thông tin bởi việc hạ thấp chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học của báo chí, thiếu quan tâm đến tính giáo dục, đến hậu quả, tác động của thông tin đối với cộng đồng. Nhiều cơ quan báo chí lợi dụng cái gọi là giáo dục giới tính đã đăng tải dày đặc các câu chuyện về tình dục, nhưng lại không hề có tính giáo dục.
Để thu hút bạn đọc, để được coi là nhanh nhạy, nhiều cơ quan báo chí đã bộc lộ sự cẩu thả trong việc tìm mọi cách chạy đua bằng mọi giá để có những thông tin mới, "nóng", bất chấp tính chính xác của nội dung thông tin. Gần đây, ngày 18/9/2012, phóng viên Nguyễn Chu Trinh viết bài đăng trên trang mạng VOV miêu tả cảnh "ông A. (58 tuổi) cùng nàng dâu (36 tuổi) quan hệ tình dục trong khi người con trai đi làm xa... Sau khi báo điện tử VOV đăng tải bài viết, lập tức có hàng chục báo mạng, báo viết, hàng trăm trang tin điện tử khác đều khai thác và đăng tải lại thông tin này. Trong đó, người ta thống kê có đến hàng chục bài báo đã "xào" lại câu chuyện trên...
Do sự việc thu hút quá nhiều sự quan tâm của báo chí, công luận, nên cơ quan chức năng đã vào cuộc. Sau thời gian kiểm tra, thẩm tra, ngày 20/9/2012 báo điện tử VOV đã chính thức cải chính thông tin và chính thức cho biết rằng đó chỉ là thông tin thất thiệt, do P.V Nguyễn Chu Trinh chỉ nghe tin đồn, chưa xác minh, đã vội dựng nên chuyện và viết thành bài báo. Nói tóm lại, là trên thực tế hoàn toàn không xảy ra vụ việc trên.
Vì thế, ngày 3/10, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã ký Quyết định thi hành kỷ luật phóng viên Nguyễn Chu Trinh với hình thức Cảnh cáo, không được hoạt động nghiệp vụ báo chí vô thời hạn và bố trí làm công việc khác do vi phạm viết tin sai sự thật, không tuân thủ quy trình sản xuất tin, bài. Cùng ngày, Tổng Giám đốc VOV cũng ký Quyết định thi hành kỷ luật ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng Biên tập Báo Điện tử VOV thuộc VOV với hình thức Khiển trách do đăng tin sai sự thật, không tuân thủ quy trình sản xuất tin, bài. Sự việc này không chỉ làm cho VOV bị "mất mặt", Tổng Biên tập và phóng viên bị kỷ luật, mà nhiều báo điện tử, báo viết, trang tin điện tử, nhiều phóng viên khác cũng một phen bị "hố", bị lộ chân tướng vì đã chạy theo tin "hot" nhằm mục đích bán báo.
Một số cơ quan báo chí, lợi dụng một số điểm gần nhau giữa hoạt động kinh tế báo chí với "thương mại hóa" báo chí nên đã thực hiện những cách làm hết sức sai lệch, thiếu trách nhiệm. Đó là việc biến báo chí, một bộ phận thuộc lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng, thành đối tượng kinh doanh; đồng nhất báo chí, một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, với các loại hàng hóa thông thường, tầm thường khác nhằm mục tiêu lợi nhuận. Nhiều cơ quan báo chí đã không ngần ngại chuyển giao ấn phẩm của mình cho một cá nhân hoặc nhóm cá nhân, cơ sở kinh doanh nào đó, để mặc sức cho cá nhân, nhóm cá nhân hoặc cơ sở kinh doanh nào đó "tự tung tự tác", tự chủ hoàn toàn trong việc tổ chức tin bài, in ấn, phát hành, tổ chức hoạt động báo chí và sử dụng nhân sự đi làm báo. Cách làm này thường gọi là "bán cái".
Hoạt động "bán cái" thường thấy ở một số báo, tạp chí của các cơ quan ngành, hội... ở Trung ương. Các cơ quan, tổ chức này "bán cái" dưới nhiều hình thức, có khi là bán từng trang (bán "đất"-diện tích mặt báo), có khi là bán các chuyên mục, có khi là bán hẳn từng số ra, và tệ hơn, là đã xuất hiện hiện tượng bán hẳn các ấn phẩm cho một hoặc một số cá nhân, tổ chức khác. Hậu quả của "thương mại hóa" theo dạng "bán cái" này rất nghiêm trọng, đó là sự xa rời tôn chỉ, mục đích, coi nhẹ chức năng tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, chức năng văn hóa, thẩm mỹ. Đánh mất vai trò quản lý, giám sát, chịu trách nhiệm của cơ quan chủ quản, đồng thời bỏ qua sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước.
Trong thời gian vừa qua, ngay tại địa bàn Nghệ An, cơ quan quản lý báo chí đã từng phát hiện không dưới một ấn phẩm báo chí bị "bán cái" hoàn toàn "dạt" vào hoạt động trên địa bàn. Tuy măng sét, tên gọi của tờ báo, đơn vị chủ quản và tôn chỉ mục đích của các tờ báo này thuộc địa bàn khác, đối tượng và phạm vi phản ánh khác, nhưng những ấn phẩm này lại hoàn toàn đăng tin bài về Nghệ An, thậm chí được tổ chức in ấn và phát hành chỉ trên phạm vi địa bàn Nghệ An. Cơ quan quản lý báo chí tỉnh nhà đã kịp thời phát hiện và có ý kiến với cơ quan chủ quản về tình trạng "bán cái" nói trên và đã "đẩy" được một ấn phẩm bị "bán cái" ra khỏi địa bàn.
Hậu quả, tác động tiêu cực của khuynh hướng "thương mại hóa" đối với đời sống xã hội, với cộng đồng là rất nguy hiểm. Một số tờ báo vì lấy tiêu chí kinh tế làm đầu nên đã không ngại chà đạp lên pháp luật, chân lý, luân lý đạo đức, bỏ qua chức năng tuyên truyền, định hướng thông tin và giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội, ngược lại còn tạo ra những tác động tiêu cực, làm đảo lộn các giá trị văn hóa và tiềm ẩn những nguy hại về an ninh tư tưởng. Vì vậy, việc ngăn chặn khuynh hướng "thương mại hóa" báo chí là một trong những công việc mà các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí cần có biện pháp quyết liệt và hữu hiệu hơn. Trước hết, các cơ quan chủ quản báo chí cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí.
Thường xuyên quan tâm, theo dõi sâu sát hoạt động của cơ quan báo chí, tránh tình trạng buông lỏng, khoán trắng cho cơ quan báo chí hoặc để xảy ra tình trạng thẳng tay "bán cái", chuyển nhượng, cho thuê mượn mặt báo để tổ chức đăng tải tin, bài một cách tư do, tự nhiên chủ nghĩa. Bên cạnh đó, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí phải có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí khi để xảy ra tình trạng "thương mại hóa".
Việc ngăn chặn, đẩy lùi "thương mại hóa" báo chí là một trong những việc cần làm ngay, làm quyết liệt để tạo cho môi trường hoạt động của báo chí ngày càng trở nên minh bạch hơn, trong sạch, thực sự hữu ích hơn đối với yêu cầu ổn định, hội nhập và phát triển đất nước.
Ngô Kiên