Tổng biên tập Nguyễn Hường: Một thời và mãi mãi...

02/11/2012 11:01

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, Báo Nghệ An đã có những bước tiến dài trong việc cải tiến nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng và chỉ số phát hành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử. Công lao ấy thuộc về tất cả mọi người đã và đang công tác tại báo, mà trước hết phải kể đến vai trò của nhà báo Nguyễn Hường- Tổng biên tập đầu tiên...

(Baonghean) - Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, Báo Nghệ An đã có những bước tiến dài trong việc cải tiến nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng và chỉ số phát hành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử. Công lao ấy thuộc về tất cả mọi người đã và đang công tác tại báo, mà trước hết phải kể đến vai trò của nhà báo Nguyễn Hường- Tổng biên tập đầu tiên...


Mỗi khi bước vào phòng truyền thống của cơ quan, chúng tôi thường dành thời gian ngắm ảnh chân dung của các tổng biên tập qua các thời kỳ, rồi dừng lại khá lâu trước chân dung nhà báo Nguyễn Hường- Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Nghệ An. Ở đây hoàn toàn không có sự "thiên vị", điều quan trọng là cánh phóng viên trẻ chúng tôi muốn biết rõ hơn về người đã chỉ huy đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên một tờ báo có bề dày lịch sử và một thành tích đáng tự hào.



Tổng biên tập Nguyễn Hường

Thêm một lý do nữa, vị tổng biên tập đầu tiên ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng gần 30 năm! Những ngày này, toàn thể cán bộ, phóng viên và nhân viên đang hướng tới kỷ niệm ngày Báo Nghệ An ra số đầu tiên (10/11/1961- 10/11/2012), chúng tôi giở lại lịch sử truyền thống, tìm cách liên lạc với gia đình nhà báo Nguyễn Hường và các đồng nghiệp thuộc thế hệ cha chú để chắp nối và mong dựng lên bức chân dung qua ngôn ngữ (dù không đầy đủ), để bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn của những kẻ hậu thế đối với bậc tiền nhân.


Nhà báo Nguyễn Hường sinh ra và lớn lên ở xã Nam Quang (nay là xã Xuân Lâm), huyện Nam Đàn- vùng quê nổi tiếng với giống chanh sai quả. Ông xuất thân trong một gia đình khá giả, người bố từng tham gia cách mạng trong phong trào đấu tranh dân chủ (1936- 1939). Từ nhỏ, ông đã được gia đình tạo điều kiện học hành đến nơi đến chốn và có được tấm bằng Tú tài, thông thạo cả chữ Hán và chữ Pháp.

Được nuôi dưỡng trong một gia đình và một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, Nguyễn Hường sớm giác ngộ lý tưởng và năm 1946 đã có mặt trong Ủy ban kháng chiến Liên khu 4 khi mới ở độ tuổi đôi mươi. Sau đó, ông trở thành cán bộ thông tin của Ty Liên khu 4, hoạt động cùng thời với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực văn hóa- văn nghệ như nhà phê bình văn học Hải Triều, nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương... Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), Nguyễn Hường giữ chức vụ Trưởng phòng Thông tin của Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An. Với chức vụ này, ông được giao cùng với các ông Phạm Đình Nguyên (sau này là Trưởng đài PT-TT khu vực Vinh, tiền thân của đài PT-TH Nghệ An ngày nay), Nguyễn Thao Lược phụ trách sáng lập và tổ chức nội dung bản Tin Nghệ An. Năm 1960, khi đang giữ chức vụ Trưởng Ty Văn hóa- Thông tin, Nguyễn Hường được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị phối hợp với ông Nguyễn Kim Ban (Thường vụ Tỉnh ủy) chuẩn bị nhân sự và nội dung để tiến tới thành lập tòa soạn Báo Nhân dân Nghệ An.

Trên cơ sở đó, ngày 10/11/1961, Tỉnh ủy ra Nghị quyết 175 về việc thành lập Báo Nhân dân Nghệ An (đến 1962 đổi thành Báo Nghệ An)- cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An. Trụ sở báo lúc ấy được gọi là "Nhà xanh" (do được lợp bằng tranh, thưng bằng cót ép sơn màu xanh). Tờ báo do ông Nguyễn Kim Ban làm chủ nhiệm, ông Nguyễn Hường được giao làm chủ bút (tổng biên tập). Và nhà báo Nguyễn Hường đã làm nhiệm vụ chèo lái con thuyền Báo Nghệ An trong suốt chặng đường 15 năm (1961- 1976), từ khi thành lập đến khi sáp nhập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành Nghệ Tĩnh.


Quãng thời gian 15 năm của Tổng Biên tập Nguyễn Hường là thời kỳ ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiệm vụ tờ báo lúc này là tập trung tuyên truyền khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh chống Pháp, cổ vũ tinh thần lao động sản xuất xây dựng CNXH và chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Đồng thời, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân tỉnh nhà khi đối đầu với không quân Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cũng trong quãng thời gian ấy, dưới làn mưa bom, đão đạn của kẻ thù, Báo Nghệ An đã phải nhiều lần sơ tán về các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn và Đô Lương.


Các đồng nghiệp dưới quyền đều có chung một nhận xét: Nguyễn Hường là một tổng biên tập, một nhà báo có phong cách, quyết đoán và cực kỳ nhạy bén, sắc sảo. Sinh thời, ông rất nghiêm túc trong việc chữa bài của cả phóng viên và cộng tác viên (CTV), nhiều trang bản thảo dày đặc nét bút đỏ của vị tổng biên tập. 15 năm đó, ông chuyên viết xã luận, hầu như không có số báo nào thiếu vắng những bài xã luận sắc sảo, lôi cuốn của vị "tổng tư lệnh" của tòa soạn. Ông đã chỉ đạo mở nhiều chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền có chất lượng như "Người tốt việc tốt", "To nhỏ bảo nhau", "Đầu làng cuối xóm", "Nghệ An - đất nước, con người"...


Vị "tư lệnh" đầu tiên của Báo Nghệ An còn được đánh giá là người tinh tường trong việc lựa chọn và sử dụng người, thực hiện tốt phương châm "dụng nhân như dụng mộc". Ông coi trọng việc chăm lo và phát hiện năng lực, sở trường của lực lượng phóng viên, bồi dưỡng họ trở thành "chuyên gia" trong các lĩnh vực đời sống kinh tế- xã hội. Thời kỳ đó, viết về nông nghiệp, bạn đọc nhắc đến phóng viên Tô Quốc Bảo; viết về xây dựng Đảng, bạn đọc nhớ đến phóng viên Dương Huy; viết về lực lượng vũ trang, bạn đọc nghĩ ngay đến phóng viên Thanh Phong; viết về giao thông, bạn đọc thường nhắc đến phóng viên Văn Hiền; viết về đề tài phụ nữ, bạn đọc không thể quên giọng văn của phóng viên Thanh Hảo; viết về đề tài miền núi- dân tộc, bạn đọc thường ấn tượng với phóng viên Lăng Phước và Hồ Kim Tuấn...

Tổng Biên tập Nguyễn Hường luôn chỉ đạo và khuyến khích phóng viên bám sát và lăn lộn với thực tế đời sống để có được những bài viết nóng hổi, mang đậm hơi thở hàng ngày và tổng kết thành những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đời sống. Từ đó, với nhãn quan sắc bén của người đứng đầu một cơ quan báo chí của Đảng, Nguyễn Hường đã tham mưu và chỉ đạo xây dựng các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất và chiến đấu. Có thể nói, ở mỗi lĩnh vực đời sống, nhà báo Nguyễn Hường đã chỉ đạo tuyên truyền thành công những tập thể và cá nhân điển hình, sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, góp phần cổ vũ phong trào thi đua yêu nước của thời kỳ đất nước chiến tranh và công cuộc kiến thiết đất nước.


Tổng Biên tập Nguyễn Hường còn được ghi nhận về khả năng huy động, tập hợp và coi trọng vai trò của đội ngũ CTV. Thời kỳ đó, dù viết bài được trả nhuận bút bằng... báo nhưng ông đã tập hợp được một đội ngũ CTV đông đảo và hùng hậu. CTV có bài đăng được biếu báo trong vòng 1 tháng (8 số). Nhận được bài, tổng biên tập giao nhiệm vụ cho ông Phan Đình Sung (phụ trách phát hành) viết thư cảm ơn và kèm theo một xấp giấy viết. Tuy điều kiện chiến tranh ác liệt, nhưng các cuộc họp mặt, gặp gỡ CTV năm 1969- 1970 có tới 370 người tham dự, trong đó có những CTV nổi bật như các nhà thơ Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Quang Huy, các nhà văn Hồng Nhu, Nguyễn Xuân Phầu, các nhà giáo Cao Thế Lữ, Nguyễn Tài Đại, PGS- TS Nguyễn Đình Noãn, PGS Ninh Viết Giao, họa sỹ Trần Thanh Tâm, kỹ sư Trần Văn Cung... Điều đáng nói là trong số lực lượng CTV đông đảo năm xưa, có nhiều người vẫn thủy chung và gắn bó với Báo Nghệ An đến tận hôm nay, như các ông Thạch Quỳ, Đậu Kỷ Luật, Nguyễn Đình Noãn...


Trong cuộc sống đời thường, Tổng Biên tập Nguyễn Hường được anh em cán bộ, phóng viên và nhân viên nhìn nhận là một người sống hòa đồng, giàu lòng nhân ái, cư xử với tấm lòng bao dung, rộng lượng. Thời kỳ ấy, phóng viên thường chứng kiến cảnh tổng biên tập vừa duyệt bài vừa ăn mì hột. Trong bữa ăn tập thể, tiêu chuẩn ăn của ông vẫn như tất cả mọi người, vẫn là những con cá khô và bát canh rau muống lõng bõng. Những năm sơ tán về xã Quang Sơn (Đô Lương), cuộc sống vô cùng gian khổ và thiếu thốn, ông chỉ đạo cấp dưỡng mua thịt lợn cho anh em mỗi khi về quê nhân dịp lễ, tết. Những lần ấy, ông luôn nhường phần thịt chắc cho anh em và vui vẻ nhận cho mình phần thịt bạc nhạc. Khi tập thể báo giúp bà con xã Quang Sơn thu hoạch lúa, vị "tư lệnh" Nguyễn Hường cũng có mặt ngoài đồng để bó lúa. Trong mắt mọi người, Nguyễn Hường luôn là một vị tổng biên tập hiền lành và đức độ, thường xuyên quan tâm đến hoàn cảnh của từng anh em trong cơ quan. Khi có ai đó vi phạm kỷ luật, ông ra sức tìm hiểu tận ngọn ngành để có quyết định xử lý đúng mức trên cơ sở tính nhân văn và tạo cho người đó một cơ hội làm lại. Khi sơ tán về xã Tân Sơn (Đô Lương), cơ quan phải đào hầm trú ẩn, Tổng Biên tập Nguyễn Hường nhắc anh em đào cho mẹ con chị Hồ Thị Ba- người có chồng đang chiến đầu ở miền Nam một căn hầm thật chắc chắn. Chị Thanh Hảo, phóng viên của báo lập gia đình muộn, khi đã bước sang tuổi 41, nhận thấy hoàn cảnh chị Hảo quá khó khăn, vất vả, khó có thể tiếp tục tham gia hoạt động báo chí, Tổng Biên tập đã bàn bạc với lãnh đạo ngành Giáo dục tạo điều kiện để chị chuyển sang làm công tác dạy học.


Nhà báo Nguyễn Hường mất năm 1983, sau một cơn bạo bệnh. Ít lâu sau, ông được Nhà nước truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Cách mạng, anh em cán bộ, phóng viên đã đem ra mộ và thắp nén hương để báo cáo với ông về danh hiệu cao quý này. Đã gần 30 năm nhà báo - Tổng Biên tập Nguyễn Hường đã về nơi yên nghỉ cuối cùng, nhưng trong lòng các thế hệ cán bộ, phóng viên và nhân viên Báo Nghệ An, cái tên Nguyễn Hường còn sống mãi!


Công Kiên