Nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát

27/12/2012 14:42

Nhiệm kỳ này, HĐND huyện Quỳ Châu đã có nhiều đổi mới về công tác chuẩn bị, cách thức điều hành, trình tự và thủ tục nên chất lượng các kỳ họp được nâng lên rõ rệt. Trong đó, hoạt động giám sát đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng công khai, dân chủ…

(Baonghean) Nhiệm kỳ này, HĐND huyện Quỳ Châu đã có nhiều đổi mới về công tác chuẩn bị, cách thức điều hành, trình tự và thủ tục nên chất lượng các kỳ họp được nâng lên rõ rệt. Trong đó, hoạt động giám sát đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng công khai, dân chủ…

Quỳ Châu là huyện miền núi chủ yếu là 2 dân tộc Kinh và Thái sinh sống (dân tộc Thái chiếm 75%). Tình hình kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, đời sống và thu nhập của người dân còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Những năm vừa qua, huyện được Nhà nước quan tâm đầu tư một số công trình quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân càng thể hiện rõ trong việc góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.

Đổi mới đáng ghi nhận trong hoạt động giám sát của HĐND huyện thời gian vừa qua là sự đa dạng về quy mô, có chiều sâu với sự tham gia tích cực của các đại biểu và cử tri. Đặc biệt đã thực hiện giám sát thường kỳ và bất thường theo chương trình, chuyên đề, những vấn đề bức xúc nổi cộm được người dân và báo chí phản ánh. Việc giám sát không chỉ tiến hành thông qua các văn bản báo cáo, làm việc với các ngành mà còn thực hiện việc giám sát trực tiếp tại công trình, hiện trường với người dân.

Phối hợp với truyền hình huyện lấy hình ảnh thực tế làm cho hoạt động giám sát thêm sinh động và thực chất. Trong giám sát có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực với các ban của Hội đồng nhân dân và giữa các ban Hội đồng nhân dân với nhau. Cụ thể như giám sát trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai thì Ban Kinh tế - Xã hội phải phối hợp với Ban Pháp chế vì liên quan đến Luật Đất đai, Luật Tài nguyên...

Trong năm qua, HĐND huyện đã tiến hành 12 cuộc giám sát, tập trung vào các lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách, chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc, công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường… Riêng giám sát về tài chính, ngân sách được xác định là nội dung giám sát thường xuyên. Qua đó góp phần đưa công tác thu - chi ngân sách đi vào nền nếp, thực hiện các bước lập dự toán theo đúng Luật Ngân sách. Việc giám sát, chất vấn tại kỳ họp cũng được tiến hành khá tập trung thông qua việc xem xét các báo cáo của UBND huyện và chất vấn các thành viên Ủy ban, lãnh đạo các phòng ban. Các báo cáo thẩm tra có tính phản biện cao, có nhiều ý kiến đã đề nghị UBND huyện làm rõ thêm một số nội dung, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và là cơ sở để đại biểu HĐND huyện thảo luận và quyết định sát đúng, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các nội dung báo cáo đề xuất, kiến nghị qua giám sát được Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo kiểm tra, xem xét, chấn chỉnh. Ví dụ như giám sát công tác quản lý, khai thác vàng trái phép ở các xã Châu Hạnh, Châu Hoàn, Diên Lãm, Châu Nga và Châu Thắng… Công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn huyện. Qua giám sát cho thấy còn có sự buông lỏng trong quản lý các lĩnh vực này ở một số đơn vị nên đã kiến nghị UBND huyện kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh. Một số vụ việc liên quan đến đất đai như tranh chấp đất rừng ở khe Bấn (xã Châu Hạnh), đất bản Khứm (xã Châu Hội)… đã được giải quyết dứt điểm. Một số công trình chậm tiến độ hay hư hỏng, xuống cấp, qua giám sát cũng được thúc đẩy kịp thời và có chất lượng theo hướng tích cực, như công trình kênh mương Kẻ Cọc, Khe Nhã ở Châu Bình…

Sự phát huy trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, UBND, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp và người dân đã tạo nên hiệu quả tích cực của hoạt động giám sát. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND huyện Quỳ Châu còn có những hạn chế nhất định so với yêu cầu và đòi hỏi của người dân và yêu cầu của công việc. Đó là nội dung giám sát vẫn còn dàn trải, chưa sâu và chưa thật quyết liệt, việc xử lý sau giám sát còn chậm và chưa đúng mức, chủ yếu là nhắc nhở, khắc phục sai sót. Có những vấn đề tái giám sát nhưng việc khắc phục vẫn chưa đạt yêu cầu. Một số công trình, dự án lớn HĐND chưa được nghe báo cáo kỹ. Việc phối hợp với các cấp, các ngành, với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhằm tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, đề xuất chủ trương chính sách, biện pháp xử lý chưa được tổ chức thực hiện tốt.

Ông Lang Văn Trung - Phó Chủ tịch HĐND huyện cho hay: Để nâng cao chất lượng giám sát phải luôn nâng cao tầm nhìn và trách nhiệm, thật sự cầu thị, lắng nghe tiếng nói người dân và biết phối hợp tốt các lực lượng có liên quan trong hoạt động giám sát. Kinh nghiệm cho thấy, để một cuộc giám sát thành công và có hiệu quả cao thì việc thu thập thông tin là rất cần thiết. Các cuộc giám sát thành công đều bắt đầu từ việc nắm chắc thông tin và các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để làm tốt thì đại biểu phải biết lắng nghe thông tin từ phía cử tri và phân tích, đánh giá tính chính xác của thông tin, đồng thời đối chiếu với các quy định của pháp luật để xem xét vấn đề toàn diện trước khi kết luận. Điều quan trọng là phải quan tâm theo dõi việc giải quyết kiến nghị sau giám sát. Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đại biểu HĐND về công tác giám sát, nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Phát huy quyền giám sát của nhân dân đối với chính quyền cơ sở và đại biểu dân cử. Có như vậy, HĐND mới thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương.


Khánh Ly