“Phần chìm của tảng băng" - nằm ở đâu?
(Baonghean) - Qua báo chí phản ánh, có thể nói chưa bao giờ không khí thảo luận sôi nổi đến mức có phần nóng bỏng...
(Baonghean) - Qua báo chí phản ánh, có thể nói chưa bao giờ không khí thảo luận sôi nổi đến mức có phần nóng bỏng như thảo luận về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng tại kỳ họp Quốc hội lần này. Từ thái độ bức xúc đến những lời phát biểu mạnh mẽ, kiên quyết đều được nhiều đại biểu thể hiện rất rõ. Có đại biểu cho rằng, “đấu tranh chống tham nhũng của ta cứ như đánh trận giả, tổ chức rất hoành tráng, tiếng nổ rất to, súng bắn rất lớn nhưng không có đầu đạn nên chẳng sát thương được ai”; có đại biểu thì đề nghị coi tham nhũng như là hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, phải coi như “tội phản quốc”. Tóm lại, nhiều đại biểu cho rằng trận chiến chống tham nhũng trong thời gian qua đạt kết quả rất thấp. Có vị còn khẳng định: coi như cuộc chiến chống tham nhũng đã thất bại.
Qua theo dõi, hầu hết người dân đồng tình với thái độ kiên quyết cùng với những phát biểu mạnh mẽ của các đại biểu Quốc hội. Rất đơn giản, tuy không có minh chứng cụ thể, không số liệu cụ thể nhưng người dân có thể biết, có trường hợp biết rất rõ những cán bộ, đảng viên, công chức nào tham nhũng, tham nhũng ở mức nào.
Dù những vụ án kinh tế được khởi tố gần đây với những đối tượng liên quan từng là người “nổi tiếng” như: Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), cựu cục trưởng Dương Chí Dũng và nhiều nhân vật tiếng tăm trong HĐQT Ngân hàng ACB... vẫn không làm dư luận xã hội giảm bức xúc. Nhiều người am hiểu khẳng định, số vụ án tham nhũng nêu trên còn “lệch” nhiều với thực trạng tham nhũng đang diễn ra ở nước ta.
Vấn đề là tại sao lại “không tương xứng” và “phần nổi” mới như vậy thì “phần chìm” của “tảng băng tham nhũng” nằm ở đâu? Và vì sao lại chìm? Trả lời câu hỏi này, dư luận cho rằng nó “chìm” ngay ở các cơ quan có chức năng chống tham nhũng như Thanh tra Chính phủ, Cơ quan điều tra, VKS và Toà án các cấp. Một thống kê cho rằng, số vụ tham nhũng mà thanh tra chuyển cho cơ quan điều tra còn quá ít so với số vụ bị xử lý hành chính; số vụ được cơ quan điều tra, VKS chuyển tội danh từ tham nhũng sang những tội danh khác có mức án phạt nhẹ hơn như “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế”, “Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ”... chiếm tỷ lệ khá lớn; số đối tượng tham nhũng bị xử phạt án treo còn chiếm tới hơn 1/3. Đó là chưa nói đến số vụ tham nhũng, số đối tượng tham nhũng do cơ quan chức năng đồng cấp phát hiện còn quá ít; quá trình điều tra kéo dài; số vụ do các cơ quan tự phát hiện thì lại càng hiếm.
Riêng ở Nghệ An, theo một thống kê cho thấy, từ đầu năm đến tháng 10/2012 này, Cơ quan điều tra đã phát hiện, khởi tố 8 vụ tham nhũng với 16 bị cáo liên quan. Cũng thời gian trên có 11 vụ tham nhũng được toà án hai cấp ở Nghệ An đưa ra xét xử với 13 bị cáo liên quan. Số vụ tham nhũng và số đối tượng liên quan bị phát hiện, khởi tố, truy tố, xét xử hầu hết đều ở cấp xã.
Việt Long