“Tự nguyện” hay “thỏa thuận”!

15/10/2012 17:57

(Baonghean) - Năm học mới đã được hơn 2 tháng. Sau hội nghị cha mẹ học sinh, các khoản “đóng góp tự nguyện” là “tâm điểm” của các cuộc chuyện trò, bàn luận.

Là “đóng góp tự nguyện” nên tùy theo năng lực kinh tế của từng phụ huynh, lòng hảo tâm, sự quan tâm của mỗi người. Phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả đóng góp nhiều hơn, phụ huynh còn khó khăn thì đóng góp ít hơn và những phụ huynh thuộc diện hộ nghèo có thể đóng, hoặc không và cũng có thể đóng góp bằng ngày công... Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là việc huy động xã hội hóa giáo dục đã có những biến tướng. Là khoản đóng góp tự nguyện nhưng nhiều trường lại đưa ra “mức sàn” cho tất cả các học sinh. Ở thành phố Vinh, một số trường đưa ra mức xã hội hóa thấp nhất là 500.0000đ, một trường khác lại đưa ra mức thấp nhất là 700.000đ. Ngoài ra, phụ huynh còn phải gắng nhiều khoản “tự nguyện”, “thỏa thuận” đóng góp khác nữa. Thế nhưng, số tiền huy động xã hội hóa lên đến hàng trăm triệu đồng đó được chi như thế nào? Có đúng thực tế hay không thì phụ huynh hoàn toàn không “được biết, được kiểm tra”. Do đó, việc quản lý nguồn thu này còn bị buông lỏng.

Đáng lo ngại, do không có quy định cụ thể các mức thu, nên nhiều trường tự đưa ra hàng chục khoản “thỏa thuận” giữa nhà trường và phụ huynh. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra không phải lúc nào cũng được tiến hành “thường xuyên và đồng bộ”. Vả lại, kiểm tra rồi nhưng xử lý lại theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “giơ cao đánh khẽ” nên không có tính răn đe. Trong năm học 2011 - 2012, qua thanh tra việc thực hiện các khoản thu đầu năm học các trường trên địa bàn tỉnh đã có 31 trường thực hiện sai quy định (gồm 8 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 9 trường THCS, 5 trường THPT). Sau khi có kết quả thanh tra, Giám đốc Sở GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị vi phạm phải tổ chức hoàn trả các khoản thu không đúng quy định cho học sinh, phụ huynh; tổ chức kiểm điểm, phê bình đối với hiệu trưởng các trường có vi phạm; đặc biệt, yêu cầu tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phù hợp đối với những đơn vị có sai phạm lớn. Đáng buồn, chỉ 4/31 trường sai phạm thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định theo kết luận của Giám đốc Sở, các đơn vị còn lại “rơi vào im lặng”. Thậm chí, cuối năm học vừa rồi, một số trường vi phạm vẫn được xếp loại tiên tiến, tiên tiến xuất sắc ?.


DUY NAM