Một Di sản văn hóa nhân loại kết tinh từ ý thức cộng đồng dân tộc
Từ ngàn xưa, đoàn kết được coi là một chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam. Vì một chữ “đồng” mà người ta lặn lội tìm kiếm, để hội nhập với nhau: từ đồng họ, đồng môn, đồng tuế đến đồng hương, đồng quốc gia... Dường như, mỗi cá nhân ở đây đều có ý thức đặt mình trong cộng đồng, tôn trọng cộng đồng, dù đó là gia tộc, làng xóm, hàng hội ... cho đến cộng đồng lớn nhất là xã hội và tổ quốc.
(Baonghean.vn) - Từ ngàn xưa, đoàn kết được coi là một chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam. Vì một chữ “đồng” mà người ta lặn lội tìm kiếm, để hội nhập với nhau: từ đồng họ, đồng môn, đồng tuế đến đồng hương, đồng quốc gia... Dường như, mỗi cá nhân ở đây đều có ý thức đặt mình trong cộng đồng, tôn trọng cộng đồng, dù đó là gia tộc, làng xóm, hàng hội ... cho đến cộng đồng lớn nhất là xã hội và tổ quốc.
Có thể khẳng định, ý thức cội nguồn của người Việt lắm khi lặng lẽ nhưng vô cùng sâu nặng, bền bỉ. Ý thức về nguồn gốc từ Bọc trăm trứng của Bà Âu Cơ, đặc biệt là ý thức có cùng một Ông Tổ Hùng Vương gắn với Miếu Hùng Vương từ bao đời nay!
Bác Hồ đến thăm và nói chuyện tại Đền Hùng, lần thứ Nhất
Náo nức trẩy hội Đền Hùng (ảnh minh họa)
Qua nhiều tài liệu cổ sử, tài liệu địa chí còn lưu giữ được tới nay, chúng ta nắm bắt một số hiểu biết cơ bản về Miếu Hùng Vương, mà ngày nay ta thường gọi là Đền Hùng, thờ 18 đời Vua Hùng... Đền ở trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Địa điểm này tương truyền là Kinh đô của nước Văn Lang. Sách Đại Namnhất thống chí cho biết, sau khi Vua Hùng mất, dân địa phương lập Miếu thờ. Còn theo thần tích và văn bia ở Đền, thì chính An Dương Vương Thục Phán cảm kích vì được Vua Hùng nhường ngôi, nên sau khi vua băng hà, Thục Phán đã lên núi Nghĩa Lĩnh dựng Đền thờ.
Từ dưới núi đi lên, đầu tiên sẽ gặp Đền Hạ, nơi đây tương truyền Bà Âu Cơ sinh Bọc trăm trứng. Tiếp đến là Đền Trung, chốn Vua Hùng thường họp bàn việc nước cùng các Lạc hầu Lạc tướng. Trên cùng là Đền Thượng, nơi Vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời xin cho Thiên tướng xuống giúp vua quan và muôn dân đánh thắng giặc Ân xâm lược. Sau sự kiện đó, đây trở thành nơi thờ Thánh Gióng. Phía phải Đền Thượng có hai cột đá, là di tích Cổ Miếu. Gần đó, có Lăng thờ vọng Vua Hùng. Đền Giếng, nằm phía Tây Nam núi Nghĩa Lĩnh, có giếng đá tương truyền nơi con gái Vua Hùng thứ 18, tức Hùng Duệ Vương, là công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung thường đến múc nước gội đầu...
Nếu quan niệm di sản văn hóa là các giá trị văn hóa do lịch sử để lại, đã trở thành truyền thống vì được nhiều thế hệ lựa chọn, tiếp nhận, mô phỏng, làm sống lại, tạo nên mối quan hệ khăng khít giữa truyền thống với hiện đại thì Miếu Hùng - Đền Hùng chính là một di sản như thế, có vị trí hàng đầu trong đời sống tâm linh người Việt Nam. Nhiều nhà khoa học đã thống nhất, nền móng kiến trúc Đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng; và đến thời Hậu Lê, thế kỉ 15, thì Đền Hùng được trùng tu, xây dựng lại hoàn chỉnh như kiểu thức hiện ta trông thấy.
Năm Khải Định thứ 7 (1922), Lăng thờ vọng Vua Hùng gần Đền Thượng được tu sửa. Ngày nay, Khu di tích Đền Hùng đã được tôn tạo, mở rộng thêm nhiều nét mới, trong đó đáng kể có Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ và Bảo tàng lịch sử Hùng Vương. Bảo tàng được xây dựng khá quy mô, trưng bày trên 4000 hiện vật quý hiếm (có 400 hiện vật gốc) từ thời kì Hùng Vương dựng nước, trải qua các nền văn hóa đồ đá, đồ đồng, đồ sắt...
Ngày nay, ai cũng thuộc nằm lòng câu ca dao:
Dù ai đi ngược về xuôi.
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba.
Câu ca chỉ Hội tế thường gọi là Giỗ Tổ vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm. Từ năm 2000, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành Quốc Lễ, tổ chức vào các năm chẵn.
Trong số các sự kiện, nhân vật nổi bật gắn với Đền Hùng, góp phần tô đậm thêm vẻ linh thiêng cho ngôi đền thờ Tổ này, có câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần đến thăm. Lần đầu, vào ngày 19/9/1954 và lần sau vào ngày 18/8/1962, Bác về thăm lại Đền Hùng nhân kỉ niệm 17 năm Cách mạng Tháng Tám thành công. Bác về lần đầu, dưới mái Đền Hùng trên sườn núi Nghĩa Lĩnh, người trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội sau ngày giải phóng. Bác có một câu nói được khắc mãi vào lịch sử và lòng dân yêu nước: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ nước!”. Giữa hai lần Bác Hồ lên thăm Đền Hùng, tháng 4/1962, ngôi đền thiêng thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất nhà Vua trên núi Nghĩa Lĩnh đã được Nhà nước ta xếp hạng là Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp Quốc gia .
Không chỉ Đền Hùng ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam, hiện có 1417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương... Những tài sản văn hóa, là duy nhất, mất đi thì không gì thay thế được. Tác dụng vô cùng lớn lao của nó là khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc, tinh thần cộng đồng và sự gắn bó, những lúc cần thiết thì sẵn sàng hi sinh cho cộng đồng. Bởi vậy, sự kiện UNESCO sáng ngày 6/12/2012 chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã và sẽ làm nức lòng bao trái tim người Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như nhiều bạn bè tiến bộ trên thế giới...
Kim Hùng