Cần nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ
Năm 2012 được coi là một năm khá thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh thú y. Dịch bệnh xảy ra ít, được khoanh vùng, khống chế trong diện rất hẹp. Tuy nhiên, theo cảnh báo của ngành chức năng, hiện đang là thời điểm có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn, cả do những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
(Baonghean) - Năm 2012 được coi là một năm khá thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh thú y. Dịch bệnh xảy ra ít, được khoanh vùng, khống chế trong diện rất hẹp. Tuy nhiên, theo cảnh báo của ngành chức năng, hiện đang là thời điểm có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn, cả do những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Ông Nguyễn Sỹ Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Là địa phương thuần nông, Yên Thành có tổng đàn gia súc, gia cầm khá lớn. Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh đã xảy ra trên đàn vật nuôi, gây thiệt hại nặng nề. Hiện tại, số lượng đàn gia súc, gia cầm đều tăng do người dân nuôi phục vụ nhu cầu cho Tết Nguyên đán. Bởi vậy, Yên Thành hiện đang rất chú trọng đến vấn đề phòng chống dịch bệnh. Sau các đợt tiêm phòng chính trong năm, huyện còn chỉ đạo trạm thú y, các xã tăng cường kiểm soát nguồn gốc con giống, tiến hành tiêm bổ sung để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xảy ra.
Tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm thấp là một nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh
Theo nhận định chung, hiện nay, diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong cả nước cũng như trong tỉnh hết sức phức tạp, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, tai xanh ở lợn và LMLM ở gia súc... đã làm nhiều gia súc ốm, chết và tiêu hủy, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Dịch xảy ra trước hết do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường, độ ẩm không khí cao… làm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ đàn vật nuôi. Trong khi đó, mầm bệnh tồn tại và lưu hành rộng rãi trong môi trường và trên đàn gia súc mang trùng lớn, làm dịch xảy ra từ ổ dịch cũ, dịch lây lan qua buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật bị bệnh. Ý thức người dân chưa cao, dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, hầu hết các nông hộ không khai báo với chính quyền địa phương cũng như cơ quan thú y khi mua con giống gia súc, gia cầm về chăn nuôi, không tự giác trong việc tiêm phòng cũng như khai báo dịch bệnh. Theo thống kê của Chi cục Thú y, tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp. Trên trâu bò, vắc xin tụ huyết trùng chỉ được Nhà nước hỗ trợ ở 10 huyện miền núi, còn vắc xin tai xanh được hỗ trợ ở 8 huyện vùng khống chế quốc gia gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Tuy nhiên, ở các huyện này triển khai cũng rất khó, tỷ lệ tiêm phòng thường chỉ đạt 70%, ở các địa phương khác thì tỷ lệ được tiêm phòng còn thấp hơn rất nhiều. Với đàn lợn, hầu như chỉ tiêm được vắc xin dịch tả lợn và tụ huyết trùng, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 40- 60%.
Theo thạc sỹ Đặng Văn Minh- Phó Chi cục Thú y tỉnh, dịch tai xanh ở lợn có thể xảy ra từ nay đến cuối tháng 12 năm 2012, khi lưu lượng vận chuyển lợn gia tăng, cũng như số lượng lợn tăng lên do phát triển đàn để phục vụ cho Tết Nguyên đán. Từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2013 là những tháng có nguy cơ xảy ra dịch LMLM do thời tiết ẩm ướt. Bên cạnh đó, diễn biến dịch bệnh cúm gia cầm năm nay hết sức phức tạp, mặc dù dịch chỉ xảy ra ở một vài hộ chăn nuôi ở trên địa bàn một vài xã trong một huyện, dịch có tính chất địa phương, nhưng nguy hiểm nhất là dịch xảy ra có tính chất “nhảy cóc”, trong cùng một thời gian có thể có nhiều ổ dịch xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau, tỷ lệ chết rất cao, triệu chứng, bệnh tích rất đặc trưng, có nhiều loại gia cầm mắc bệnh. Do đó, dịch có thể xảy ra trong tháng 11 đến tháng 12/2012 và một đợt nữa vào tháng 3 năm sau. Bệnh tụ huyết trùng cũng có thể xảy ra trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin trong vụ thu 2012, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa vào những tháng cuối năm nay.
Trước tình hình đó, các huyện cần chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng các quy định và quản lý về chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn, trong đó tập trung chỉ đạo UBND cấp xã quán triệt đến từng người chăn nuôi chấp hành việc đăng ký, khai báo tình hình chăn nuôi, nguồn gốc giống gia súc, gia cầm khi nuôi mới, cũng như việc xuất nhập gia súc, gia cầm; khai báo dịch bệnh... theo quy định để kiểm soát được dịch bệnh, khống chế trong diện hẹp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân khi dịch xảy ra. Đồng thời, phải phân công toàn bộ cán bộ của Trạm Thú y bám sát địa bàn, cùng với UBND cấp xã thực hiện nghiêm công tác giám sát, phát hiện dịch sớm, báo cáo dịch kịp thời, xử lý ổ dịch nhanh chóng. Giao việc giám sát và phát hiện dịch bệnh cho chính quyền cấp xã, chịu trách nhiệm và chỉ đạo trưởng khối, xóm, thôn, bản; thú y cơ sở, người chăn nuôi. Phối hợp với các cơ quan ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương cấp xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của các bệnh LMLM, cúm gia cầm, tai xanh... và các biện pháp phòng chống.
Đặc biệt, các địa phương phải khẩn trương tiến hành rà soát lại toàn bộ số gia súc, gia cầm chưa tiêm phòng vào vụ thu 2012, lập kế hoạch để tiêm phòng bổ sung, đảm bảo phải tiêm triệt để 100% số lượng vật nuôi trong diện phải tiêm. Trong đó, chú trọng tiêm phòng các loại vắcxin như tụ huyết trùng, LMLM, dịch tả lợn, cúm gia cầm... đúng quy trình kỹ thuật, tạo miễn dịch chủ động , hạn chế dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, chỉ đạo và tổ chức, thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa toàn huyện, ưu tiên vùng dịch, vùng nguy cơ cao, vùng chăn nuôi tập trung, hướng dẫn người chăn nuôi làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để ủ phân theo phương pháp nhiệt sinh học để tiêu diệt mầm bệnh, thực hiện tốt công tác chăm sóc và nuôi dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Tăng cường thực hiện công tác kiểm dịch tại gốc, giám sát chặt chẽ công tác vận chuyển trâu bò, lợn, gia cầm nhằm ngăn chặn việc đưa gia súc, gia cầm và sản phẩm của chúng từ địa phương có dịch vào tiêu thụ làm lây lan dịch.
Theo thống kê của ngành Thú y, trên địa bàn tỉnh ta đã xây dựng được 63 điểm giết mổ gia súc tập trung, nhưng hiện chỉ khoảng 30% trong số đó còn hoạt động. Thực tế này dẫn đến vệ sinh thú y không được đảm bảo, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Các địa phương cần tăng cường chỉ đạo công tác giết mổ gia súc tập trung, quản lý chặt chẽ buôn bán gia súc, gia cầm tại các chợ, đặc biệt là các chợ đầu mối, chợ có mật độ chu chuyển đàn lớn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Phú Hương