Khiếm khuyết thể thao học đường

17/12/2012 16:39

Bên cạnh AFF Cup (chỉ còn 2 trận đấu nữa là kết thúc), sự kiện thể thao khu vực Đông Nam Á đáng chú ý nhất những ngày qua là Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 16 đang được tổ chức từ ngày 12/12 tại Lào. Tham dự Đại hội này, Việt Nam góp mặt 254 thành viên, gồm 170 VĐV dự tranh 12/17 môn thi đấu. Điều đáng nói là đa số các VĐV Việt Nam đều là tuyển thủ quốc gia mang “mác” sinh viên, mà điển hình là đoàn VĐV Taekwondo đều là các tuyển thủ  vừa dự giải vô địch thế giới. Xét theo điều lệ thì không sai bởi các tuyển thủ này đều là sinh viên các trường TDTT hoặc đang theo học tại chức tại các trường khác nhưng...

(Baonghean) - Bên cạnh AFF Cup (chỉ còn 2 trận đấu nữa là kết thúc), sự kiện thể thao khu vực Đông Nam Á đáng chú ý nhất những ngày qua là Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 16 đang được tổ chức từ ngày 12/12 tại Lào. Tham dự Đại hội này, Việt Nam góp mặt 254 thành viên, gồm 170 VĐV dự tranh 12/17 môn thi đấu. Điều đáng nói là đa số các VĐV Việt Nam đều là tuyển thủ quốc gia mang “mác” sinh viên, mà điển hình là đoàn VĐV Taekwondo đều là các tuyển thủ vừa dự giải vô địch thế giới. Xét theo điều lệ thì không sai bởi các tuyển thủ này đều là sinh viên các trường TDTT hoặc đang theo học tại chức tại các trường khác nhưng...

Cách đây 2 năm, dù cũng đã cử lực lượng khá hùng hậu dự đại hội nhưng đoàn Việt Nam chỉ đứng hạng 4. Nếu như thể thao Việt Nam nói chung đang xếp nhất nhì Đông Nam Á thì việc thể thao sinh viên của ta kém hơn các quốc gia khác đã lộ rõ những khiếm khuyết của thể thao học đường. Xin nhớ là thành phần VĐV Việt Nam dự đại hội có khá đông các sinh viên của các trường đại học, cao đẳng TDTT, cũng là VĐV chuyên nghiệp, vậy mà vẫn không thể hơn sinh viên nước bạn.



Các Hội khỏe Phù Đổng chưa đạt được mục tiêu phát triển thể thao học đường

Lý giải cho điều này không khó. Các quốc gia như Thái Lan, Malaysia hay Singapore đều có VĐV “xịn” đồng thời cũng là sinh viên “xịn”. Đơn giản vì ở các quốc gia này, thể thao học đường, nhất là bậc đại học, phát triển rất mạnh nên thành phần VĐV quốc gia đa số xuất phát từ trường học. Việc tại kỳ SEA Games 2007 tổ chức ở tỉnh Nakhon (Thái Lan), 2/3 địa điểm thi đấu nằm trong khuôn viên các trường đại học đủ để nói lên tất cả.

Trên thực tế, định hướng phát triển thể thao thành tích cao của các nước có thành tích thể thao hàng đầu thế giới đều lấy gốc từ việc xã hội hóa thể thao, trong đó thể thao học đường chính là một nhánh quan trọng. Họ quan tâm, chú trọng đến việc phát triển phong trào thể thao tại các trường, từ đó chọn lọc những nhân tố xuất sắc vào đội ngũ VĐV quốc gia thi đấu đỉnh cao. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta lại tranh thủ "đi tắt đón đầu", làm ngược lại. Khi có các giải đấu, các trường lại đi "mượn quân" của các đội tuyển, và hợp thức hóa bằng việc cho VĐV nhập học vào trường, như vậy, nghiễm nhiên thành tích của VĐV đó sẽ đóng góp vào cuộc chạy đua danh hiệu của nhà trường. Học sinh, sinh viên Việt Nam cũng có các cuộc thi để thi thố tài năng như Đại hội thể thao sinh viên, Hội khỏe Phù Đổng, nhưng các VĐV tham gia các cuộc thi này đều là VĐV ăn lương của các sở, ngành và là kiểu “gà chọi nửa mùa”. Do vậy, mục tiêu phát triển thể thao học đường của các cuộc thi này không thực hiện được.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được chỉ rõ là do Việt Nam chưa quan tâm đến thể thao học đường, mà điểm then chốt chính là sự phối hợp kém giữa hai ngành Giáo dục và Thể thao. Hiện tại, hai ngành trên vẫn là "đường ai nấy đi" và chưa có sự bắt tay để vạch ra một đường hướng phát triển hợp lý, nhịp nhàng cho thể thao học đường. Hệ quả không chỉ là sự thua kém trong các cuộc tranh tài thể thao trên đấu trường quốc tế, mà sâu xa hơn đó là sự tăng chậm về thể chất của người Việt Nam so với mức tăng của các nước khác trên thế giới.


Minh Quân