Thầy giáo trẻ chinh phục giám khảo nước ngoài

05/12/2012 17:18

(Baonghean) - Trẻ, nhiệt tình, đam mê nghiệp gõ đầu trẻ, thầy giáo Vương Quốc Linh đã tự mày mò học tin học để thiết kế bài giảng điện tử phục vụ cho công tác dạy học. Và chính bài giảng đó hoàn toàn chinh phục được ban giám khảo của Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (viết tắt là VVOB) trong cuộc thi soạn giáo án với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tích cực”.

(Baonghean) - Trẻ, nhiệt tình, đam mê nghiệp gõ đầu trẻ, thầy giáo Vương Quốc Linh đã tự mày mò học tin học để thiết kế bài giảng điện tử phục vụ cho công tác dạy học. Và chính bài giảng đó hoàn toàn chinh phục được ban giám khảo của Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (viết tắt là VVOB) trong cuộc thi soạn giáo án với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tích cực”.

Trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, để học sinh có điều kiện thực hành các môn học với trực quan sinh động là điều rất khó thực hiện đầy đủ tại các trường học. Đặc biệt đối với các môn như Hóa học lại càng khó hơn, vì có những chất hóa học độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe, vì vậy quá trình thí nghiệm đảm bảo an toàn là cả một vấn đề đặt ra. Là giáo viên dạy môn Hóa học, thầy Vương Quốc Linh hết sức trăn trở vấn đề này. Cuối cùng, anh chọn phương án xây dựng bài giảng điện tử cho học sinh thực hành, như vậy vừa đảm bảo chất lượng bài giảng, học sinh dễ tiếp thu vừa đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò.

Bài giảng hóa học là về chất mêtan trong chương trình hóa học lớp 9, có 2 công thức hóa học cần phải cho học sinh thực hành là: Mêtan phản ứng với ôxi và mêtan phản ứng với Clo. Công thức đầu ít nguy hiểm hơn, học sinh có thể thực hành trực tiếp, nhưng với công thức thứ 2, thầy Linh chủ tâm cho học sinh thí nghiệm ảo trên máy tính thông qua bài giảng điện tử.



Thầy giáo Vương Quốc Linh giới thiệu đề án với bạn bè quốc tế ở Seoul

“Khó nhất là thể hiện được quá trình thay đổi về màu sắc của chất hóa học trong quá trình phản ứng. Có làm được vậy, các em học sinh khi thực hành ảo mới mường tượng được tác dụng trong phản ứng”, thầy Linh chia sẻ. Cuối cùng bài giảng điện tử về chất mêtan cũng hoàn thành, anh háo hức đem vào áp dụng giảng dạy cho các học trò quê thân thương vốn chịu nhiều thiếu thốn.
Trong cuộc thi “Soạn giáo án ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tích cực” do Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh tổ chức, bài giáo án điện tử của thầy Linh đã giành giải Nhất trong các giáo án điện tử dự thi môn Hóa học. Bài giảng này sau đó tiếp tục được chọn đi tranh tài cùng giáo viên 5 tỉnh bạn trong cùng chủ đề do tổ chức VVOB tổ chức. Bài giảng đã thực sự chinh phục ban giám khảo châu Âu (vốn có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các chương trình hỗ trợ về giáo dục tại các nước châu Á – Thái Bình Dương) và đã vượt qua 24 giáo án còn lại đạt giải Nhất, giành giải thưởng 200 USD với bài giảng này. Đáng mừng hơn, bài giảng đã được VVOB chọn dịch ra tiếng Anh và đem đi dự cuộc thi giáo án điện tử toàn cầu tổ chức ở Vương quốc Bỉ.

Sinh năm 1982, ngay sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Nghệ An chuyên ngành Hóa – Sinh, thầy Vương Quốc Linh về giảng dạy tại mái trường quê hương ở xã Hồng Thành, huyện Yên Thành, nay là Trường THCS Phú Hồng (sau khi sáp nhập trường THCS Hồng Thành vào xã Phú Thành vào đầu năm học 2012). Mới 30 tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, nhưng bằng sự nỗ lực, lòng yêu nghề, thầy Linh được đánh giá là một trong những giáo viên dạy giỏi. Thầy liên tiếp được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện 2 chu kỳ liên tiếp và giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhiều học sinh dưới dự dìu dắt của thầy cũng đã đạt thành tích cao trong học tập, thể hiện qua kết quả tham gia các kỳ thi học sinh giỏi huyện, tỉnh. Trên sân chơi dành cho những học sinh ưu tú của tỉnh năm học 2008 – 2009, có 2 học sinh của Trường THCS Hồng Thành khi đó đã giành được 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích môn Hóa học toàn tỉnh. Đặc biệt, thầy Linh còn là tấm gương sáng về tự học và sự tâm huyết. Thầy Phan Xuân Thông - Phó Hiệu trưởng nhà trường còn nhớ như in câu chuyện anh giáo trẻ Vương Quốc Linh tự bỏ tiền túi ra mua 7 bộ máy tính thanh lý của quán internet về lắp đặt trong trường để hướng dẫn các thầy cô về công nghệ thông tin. “Theo tôi biết, Linh tự học về máy tính rồi tận tình hướng dẫn cách sử dụng, cách tìm kiếm thông tin trên mạng cho những giáo viên còn yếu về mảng này. Trẻ mà tâm huyết lắm!”.

Với những cuộc thi, thầy Linh tiếp tục thể hiện là một thí sinh xuất sắc. Vừa qua, thầy cùng với các đồng nghiệp đã viết Dự án: “Xây dựng bản thiết kế vườn trường ở cấp THCS” theo hướng cho học sinh tham gia vẽ vườn trường theo ý tưởng, sở thích của mình. Dự án đã được tổ chức UNESCO Bangkok, Thái Lan đánh giá cao và cấp kinh phí 300 USD thực hiện tại 3 trường THCS ở Yên Thành. Vừa qua, thầy Linh được UNESCO mời qua Hàn Quốc giới thiệu và trình bày đề án này với các đồng nghiệp đến từ 28 nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Mình làm thầy không chỉ mong học sinh chủ động, hứng thú đến với kiến thức mà cũng phải luôn trau dồi, học hỏi để tìm ra cái mới, phục vụ công tác giảng dạy của mình. Là thầy giáo có nghĩa là làm học sinh suốt đời cũng chẳng sai”, thầy Linh chia sẻ.


Thành Duy