Những mô hình hiệu quả

03/01/2013 14:31

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, tại các địa phương trong toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ…, khẳng định sự  quyết tâm chung sức đưa Nghệ An trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực, có thu nhập bình quân đầu người bằng mức trung bình của cả nước, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

(Baonghean) Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, tại các địa phương trong toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ…, khẳng định sự quyết tâm chung sức đưa Nghệ An trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực, có thu nhập bình quân đầu người bằng mức trung bình của cả nước, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện Hưng Nguyên về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã đẩy mạnh đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hưng Nguyên hiện có trên 1.000 phương tiện làm đất, thu hoạch bằng cơ giới.



Chăn nuôi bò sinh sản có giá trị cao tại xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên.

Điển hình như xã Hưng Đạo có hơn 100 máy cày đa chức năng phục vụ khâu làm đất; hơn 200 máy tuốt lúa các loại, trong đó 5 máy gặt đập liên hoàn, 50 máy gặt đa chức năng và gần 200 máy gặt bằng tay được cải tiến từ máy cắt cỏ. Việc đưa cơ giới vào sản xuất đã góp phần giải phóng sức lao động và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mùa vụ của bà con nông dân…. Nhiều xã đã chủ động bám sát điều kiện thực tế của địa phương, đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như Hưng Nhân - một xã thuần nông vùng trũng “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lụt”, đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương (đất rộng, phù sa bồi lắng)… Đảng bộ, chính quyền xã Hưng Nhân đã tập trung phát triển chăn nuôi, phát triển làng nghề, xây dựng mô hình cánh đồng thu nhập cao, trong đó xác định vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nam - Bí thư Chi bộ xóm 5, là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình liên kết xây dựng cánh đồng thu nhập cao chủ yếu từ sản xuất lạc, ngô, kê, vừng, dưa hồng, mướp, rau màu vụ đông… Chị Nam cho biết: “Tham gia mô hình liên kết giúp bà con giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và quan trọng hơn cả là làm thay đổi tư duy sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hoá, hiệu quả kinh tế cao. Nhờ được hỗ trợ về giống, KHKT nên năng suất, sản lượng tăng gấp nhiều lần so với trước đây…”. Hiện tại, toàn xã Hưng Nhân có 6 cánh đồng (diện tích 5 ha, tập hợp 20 - 30 hộ cùng làm, nhà nào nhiều khẩu hơn được chia diện tích lớn hơn), tại các xóm 2, 4, 5, 6, 7, được huyện công nhận là cánh đồng thu nhập cao, trị giá 100 - 120 triệu đồng/ha. Mỗi mô hình được huyện hỗ trợ 5 triệu đồng, địa phương hỗ trợ 2,5 triệu đồng, HTX nông nghiệp hỗ trợ toàn bộ phân, giống hè thu…

Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã cũng tạo mọi điều kiện và vận động nhân dân phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để đưa các loại rau màu cho thu nhập cao như rau ngót, rau đay, mồng tơi… từ vườn nhà ra vườn đồng; phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản với 2.350 con (lớn nhất toàn huyện), phát triển làng nghề (đan lát) giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động… Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Hoan - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hưng Nhân, tự hào cho hay: “Nghị quyết đi vào cuộc sống, KT - XH của xã đã có những chuyển biến rõ rệt. Thu nhập bình quân đạt 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18%. Tỷ lệ hộ khá, giàu tăng, trong đó có nhiều hộ trở thành “ triệu phú nông dân…”



Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Nghi Lộc.

Đối với Nghi Lộc, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành các chương trình hành động và triển khai thực hiện các chương trình đề án trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị cụ thể hóa bằng các đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, sát thực tiễn. Ví dụ như ngay khi có Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh uỷ, Huyện ủy Nghi Lộc đã ban hành Nghị quyết 09 về tiếp tục vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa” để xây dựng cánh đồng mẫu, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012 – 2015 và những năm tiếp theo, trong đó tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Điển hình như ở Nghi Lâm - xã được chọn làm điểm chỉ đạo dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, ngay sau khi có chủ trương đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương đã tích cực vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu theo phương thức liên doanh, liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp để giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm. Ý Đảng hợp lòng dân, ngay trong vụ hè thu 2012, xã đã tiến hành xây dựng cánh đồng mẫu tại 9 xóm, diện tích gần 110 ha với giống lúa VTNA2. Vụ sản xuất đầu tiên, do áp dụng KHKT đồng bộ nên năng suất lúa đạt 55 tạ/ha. Hay như xã Nghi Kiều có 32% đồng bào theo đạo Thiên chúa, dù không phải là xã điểm nhưng với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đảng ủy, chính quyền địa phương đã làm tốt việc vận động chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nổi bật là các xóm 16, 14B, 6, 8 đã vận động nhân dân xây dựng cánh đồng mẫu vụ hè thu 2012, với 113 ha lúa NA2 cho năng suất bội thu.

Tại huyện lúa Yên Thành, các địa phương trong huyện đang tích cực đẩy mạnh thực hiện dồn điền, đổi thửa để tiếp tục xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện cho thâm canh và đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa 25. Từ kinh nghiệm dồn điền, đổi thửa ở 3 xã điểm Lăng Thành, Phúc Thành và Đồng Thành, việc chuyển đổi ruộng đất cho 12 xã với quy mô khoảng trên 5.000 ha trong năm 2012 được triển khai khá hiệu quả gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng. Kinh phí huyện hỗ trợ mỗi xã khoảng 50 triệu đồng, còn lại chủ yếu do nhân dân đóng góp và trích nguồn ngân sách xã, phấn đấu đến 2014 thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa.

Đối với TP Vinh, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm KT- VH của vùng Bắc Trung bộ, ngoài chỉnh trang đô thị, quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển văn hóa xã hội, giáo dục, y tế kỹ thuật cao…, đảng bộ TP Vinh xác định việc chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án "Phát triển nông nghiệp ven đô TP Vinh đến năm 2020" là cơ sở để xây dựng và thực hiện các dự án chuyên ngành, đồng thời lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại 9 xã ngoại thành. Hiện nay, thành phố đã quy hoạch phân vùng sản xuất những đối tượng cây trồng, vật nuôi chính: vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây công nghiệp ngắn ngày, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung gắn với kinh tế gia trại, vùng nuôi trồng thủy sản... 9/9 xã đã xây dựng xong Đề án sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Không chỉ các địa phương vùng đồng bằng mà các địa phương vùng miền núi, dân tộc cũng đã và đang tích cực đưa nghị quyết vào cuộc sống thông qua các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể. Huyện Quế Phong xác định muốn thoát nghèo trước hết phải thay đổi nhận thức, tư duy, từ đó thay đổi cách làm từ sản xuất “tự cung tự cấp” sang sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Tiêu biểu như Đảng bộ xã Quế Sơn tập trung chỉ đạo đưa khoai lang Nhật và hàng chục ha rau, củ, quả các loại vào canh tác. Đảng bộ xã Tri Lễ tập trung chỉ đạo phát triển mô hình chanh leo; Đảng bộ xã Tiền Phong nuôi thử nghiệm lợn rừng lai, vịt bầu Quỳ Châu…

Bên cạnh đó, việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng trong xây dựng nông thôn mới được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện hưởng ứng bằng việc hiến đất làm đường, trường học, nhà băn hóa cộng đồng, tiêu biểu như gia đình ông Vi Kim Thành (bản Nà Phày, xã Mường Nọc) hiến trên 300m2 đất, ông Lữ Văn Việt (bản Đỏm Chám, xã Mường Nọc) hiến 200m2 đất làm cầu qua sông… Còn ở Tương Dương, đảng ủy chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển mô hình kinh tế từ nhiều chương trình, dự án.

Ông Nguyễn Hồ Cảnh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Chỉ tính riêng trong năm nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án Vie/028, huyện đã triển khai xây dựng 28 mô hình; từ Chương trình 30A đã xây dựng thành công 61 mô hình kinh tế tại 17 xã (15 mô hình trồng trọt, 36 mô hình chăn nuôi). Nổi bật như mô hình chăn nuôi lợn đen, lợn đen lai lợn rừng, lợn móng cái, chăn nuôi gà đen, mô hình trồng chanh leo, cà chua, chuối tiêu hồng… Nguồn vốn từ Dự án OXFam Hồng Kông được sử dụng để triển khai thực hiện trồng mây nếp trên địa bàn 4 xã Yên Hòa, Yên Thắng, Nga My, Xiêng My; xây dựng vườn ươm giống mây tại xã Yên Hòa với diện tích 1000m2, cung cấp cho các hộ dân được 228.240 cây giống, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Lên với huyện miền núi Tân Kỳ, nơi có 13 vạn dân, trong đó 5.397 khẩu đồng bào theo đạo Thiên chúa, 27.850 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số, có thể thấy rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng địa phương cũng đã xây dựng thành công nhiều mô hình điểm như: mô hình vận động nhân dân chuyển đổi ruộng đất xây dựng giao thông, thủy lợi, đổi mới cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới ở Đảng bộ xã Nghĩa Bình; mô hình vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tại xã Tân Long; mô hình bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở xã Nghĩa Đồng; mô hình điểm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện ở xã Kỳ Sơn…

Nhờ kết hợp giữa ý Đảng và lòng dân, tại nhiều địa phương, đơn vị khác trong tỉnh cũng đã xuất hiện những mô hình “dân vận khéo” có sức lan tỏa. Điển hình như mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân không nghe theo kẻ xấu di dịch cư tự do ở xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn); mô hình Xây dựng “Bản Văn hóa” của Đội xây dựng cơ sở số 6 - Ban chỉ huy Quân sự huyện Quế Phong; mô hình “Xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế VAC và trồng chè Tuyết Shan” của Đội xây dựng cơ sở số 1,2 - Ban chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn; mô hình vận động nhân dân chuyển đổi ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thôn Hội Lâm, xã Cẩm Sơn, Anh Sơn (mỗi hộ chỉ 2 thửa đất, 1 loại đất, cho thu nhập 150 triệu đồng/ha), mô hình rau sạch Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu); mô hình vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở bản Liên Hồng xã Cam Lâm (Con Cuông)…

Có thể nói, tuy còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng những bước đi và cách làm phù hợp, các địa phương đã linh hoạt, chủ động biến các chủ trương, đường lối của Đảng thành kết quả trong thực tiễn. Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã và đang được cán bộ, đảng viên, nhân dân trong toàn tỉnh tích cực thực hiện. Đó là biểu hiện sự thống nhất cao độ giữa ý chí và hành động để hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng đi sâu, đi sát vào cuộc sống, cũng là động lực quan trọng giúp Nghệ An thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2012, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT-XH trong cả nhiệm kỳ.


Khánh Ly