Nhà báo Hồng Phương - Đi xa để trở về

03/01/2013 17:22

Tôi từng biết đến ông là một nhà báo giỏi nghề, “yêu nghề đến kỳ lạ, trách nhiệm đến cùng với từng bài viết, con chữ, tấm ảnh của mình và đồng nghiệp” (chữ dùng của nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam), biết ông đã từng là phóng viên kỳ cựu của Báo Quân đội nhân dân, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, Tổng biên tập tạp chí Nghề báo. Thế nhưng, có những điều vô cùng giản dị đã làm nên con người cũng như tác phẩm của nhà báo quê Nghệ này, thì đến giờ tôi mới biết...Từ quầng sáng bừng lên phía hạ lưu sông Hồng...

(Baonghean) - Tôi từng biết đến ông là một nhà báo giỏi nghề, “yêu nghề đến kỳ lạ, trách nhiệm đến cùng với từng bài viết, con chữ, tấm ảnh của mình và đồng nghiệp” (chữ dùng của nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam), biết ông đã từng là phóng viên kỳ cựu của Báo Quân đội nhân dân, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, Tổng biên tập tạp chí Nghề báo. Thế nhưng, có những điều vô cùng giản dị đã làm nên con người cũng như tác phẩm của nhà báo quê Nghệ này, thì đến giờ tôi mới biết...

Từ quầng sáng bừng lên phía hạ lưu sông Hồng...

Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với tôi để sẻ chia “bước ngoặt” làm báo của mình, nhà báo Hồng Phương vẫn còn nguyên cái cảm giác rưng rưng: Chính là cái vầng sáng ấy đã thôi thúc tôi cầm bút!

Sinh năm 1937 tại Hưng Nguyên, chưa đầy 17 tuổi, ông xung phong vào bộ đội với ao ước được đi đánh trận Điện Biên ở Tây Bắc. Ông được biên chế vào Trung đoàn 44 - Nghệ An, hành quân bổ sung cho Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 đang chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Chưa kịp hành quân lên đến Điện Biên thì Điện Biên đã giải phóng, thế là những người lính trẻ của Trung đoàn 44 phải “bẻ ghi” xuyên rừng, xuôi đường 6 tiến về hướng Xuân Mai. Đêm ấy, một đêm đáng nhớ nhất của cuộc đời ông, khi mà từ rừng sâu ra, ông cùng mấy đồng đội leo lên một quả đồi cao và bỗng sửng sốt, choáng ngợp trước một quầng sáng tỏa ra từ phía chân trời phía Đông Bắc. “Cái vầng sáng rực kia có phải là thủ đô ta không?”. Anh lính trẻ quê Nghệ thốt lên đầy xúc động. “Đúng là Hà Nội, Hà Nội, thủ đô ta đấy!”, Tú - một người lính quê ngoại thành Hà Nội khẳng định đầy tự hào. Chưa bao giờ tới thủ đô, anh lính trẻ lãng mạn mơ giấc mơ Hà Nội từ quầng sáng bừng lên phía hạ lưu sông Hồng ấy thấy trong lòng mình rộn lên bao cảm xúc. Không thể nói được bằng lời, những trang nhật ký dày thêm mỗi ngày trong những chặng hành quân đã gói trọn những khát vọng, ước ao được “chạm ngõ” thủ đô trong đoàn quân chiến thắng. Và niềm khát vọng cháy bỏng ấy đã trở thành hiện thực, nó tới rất nhanh, ngỡ như một giấc mơ... Hồng Phương đã có mặt trong đoàn quân hào hùng tiến vào tiếp quản thủ đô.

Những ngày tháng ấy, vẫn còn nguyên cảm xúc trong lòng “ông lão đầu bạc” Hồng Phương: “Chiều 9/10/1954, Trung đoàn tôi được giao tiếp quản các cửa ô để sớm hôm sau cùng các đơn vị hợp thành tiến vào trung tâm thành phố. Nhân dân ào ra đón bộ đội. Đêm ấy, cả Trung đoàn hầu như không ngủ. Ngày hôm sau, trên đường vào tiếp quản, may mắn tôi được chứng kiến đoàn làm phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của Carmen đang quay cảnh Trung đoàn Thủ đô tiến vào thành phố. Phố rợp cờ hoa, người dân đổ ra hát vang đón mừng những người con từng thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nay trở về lấp lánh hàng huân chương trên lá cờ quyết thắng. Những ngày sau đó, không khí náo nức tràn đầy gương mặt từng con người, từng hẻm phố. Tôi đã sống với niềm nao nức ấy mà ngẩn ngơ trước những ngôi nhà đẹp của Hà Nội, với những chuyến tàu điện rung chuông leng keng... Và quầng sáng bừng lên trong cái đêm đứng nhìn về Hà Nội từ một ngọn đồi trung du, cho tới một loạt các sự kiện kỳ vĩ sau này đã thôi thúc tôi phải viết”.

Hạnh phúc và nhọc nhằn nghề báo

Và Hồng Phương đã viết, bắt đầu bằng những bài báo về đại đoàn quân tiên phong, về tình quân - dân trong những ngày nao nức ấy và cất giữ chúng trong sổ tay, nhờ anh trợ lý chính trị tiểu đoàn xem giúp. Được khen là viết tốt, ông rất đỗi vui mừng và từ đây, nghiệp cầm bút đã gắn chặt với ông, là niềm thôi thúc mãnh liệt trong trái tim con người nhạy cảm, thiết tha với cuộc sống. Bài báo đầu tiên được gửi báo Quân đội Nhân dân được viết trong đêm khuya, khi đồng đội xung quanh say ngủ, Hồng Phương kê mảnh ván nhỏ, che bớt ngọn đèn cặm cụi từng chữ và hồi hộp gửi đi. 15 ngày trôi qua, rồi 3 tuần…, ông nhớ đó là một ngày cuối tháng 3 năm 1956, khi ông đi lấy báo cho Trung đoàn, cũng như mọi lần, ông lần giở từng trang và bỗng run lên khi thấy bài báo ký tên mình nằm ở trang 3 tờ báo. Bài báo có nhan đề: “Những người lính kiến thiết” viết về một đơn vị lính miền Nam tập kết ra Bắc đi… đóng gạch. Công việc ấy xem chừng như xa rời súng đạn, chính một số anh em của đơn vị cũng không nhiều hứng thú với nhiệm vụ của mình. Thế nhưng, “người làm báo” Hồng Phương đã nhìn ra vẻ đẹp riêng trong công việc của những người lính ấy. Ông đã viết bài báo với tấm lòng trân trọng, xem đây là biểu tượng của tình yêu với Hà Nội của những người lính miền Nam. Từ bài báo này, Hồng Phương đã trở thành cộng tác viên tích cực của Báo Quân đội Nhân dân.

Sau khi được cử đi học và tốt nghiệp xuất sắc Trường Sỹ quan Pháo binh, về Đại đoàn 312, ông càng thiết tha với nghiệp viết. Ông nhớ, năm 1962, ông đã được chọn dự hội nghị biểu dương cộng tác viên, thông tin viên xuất sắc nhất toàn quân, được nhận phần thưởng là tấm ảnh chụp của hai nhà du hành vũ trụ Gagarin và Titov có con dấu của Báo Quân đội Nhân dân. Không ngày nào ông không đọc báo, không nghiền ngẫm các bài báo hay của những người viết khác và tự hỏi: “Chi tiết hay ấy từ đâu ra ấy nhỉ?”. Năm 1964, ông trở thành phóng viên trẻ nhất của Báo Quân đội Nhân dân. Một năm đầu, ông chỉ được giao nhiệm vụ đọc bài và… quan sát, để rồi, tháng 2/1965 mới chính thức “xuất quân” trở thành phóng viên mặt trận. Ông được cử đi cùng chuyến xe với Cục tác chiến để làm bài tường thuật về cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân và dân Đồng Hới, Quảng Bình. Chuyến đi ngắn ngủi và nóng bỏng này, ông viết được 3 bài báo. Khi bài tường thuật được in ra, báo được dán trên bảng tin tòa soạn, Hồng Phương nhận được nhiều lời khen ngợi. Chưa dứt vui mừng thì ông được nhà báo Phan Hiền, một phóng viên giỏi của tòa soạn, một người anh đồng hương kéo sang phòng uống nước trà và hỏi chuyện. “Đừng thấy được khen hay mà nghĩ là tốt rồi. Bài báo này theo mình thì chưa đạt, rất đáng tiếc. Một chuyến đi quý giá như vậy mà cậu viết hời hợt quá”. Rồi Phan Hiền bắt Hồng Phương kể lại hành trình và những gì ông thấy trong chuyến đi: “Hãy bắt đầu từ việc khi được nhận nhiệm vụ cậu suy nghĩ gì, đi đường vất vả, khó khăn ra sao, gặp những ai?”

Hồng Phương nhớ lại và kể: “Tôi thấy nhiều nơi vẽ khẩu hiệu: Cả miền Bắc ra trận; Cả miền Bắc đương đầu với đế quốc Mỹ”. Tôi gặp những người dân làm việc dưới đạn bom, thản nhiên trả lời khi tôi hỏi “Bác không sợ à?” rằng: “Sợ chi, ngán chi, việc nó - nó làm, việc tôi - tôi làm”. Tôi gặp ông già kéo phà qua sông. Tôi gặp những người lính vận tải thay ca nhau lái xe để kịp tiếp viện cho miền Nam…” Phan Hiền thốt lên: “ Trời ơi, hay như rứa. Nên nhớ nhé, cả chuyến đi, cả vốn sống cuộc đời là tài liệu… Cậu hãy viết lại bài báo dạng ghi nhanh đi”. Hồng Phương chưa kịp viết lại bài báo đó, ông được giao vào Vinh vì biết ở đó sắp có trận đánh lớn với máy bay Mỹ. Cuộc trò chuyện ấy đã trở thành bài học vô giá của Hồng Phương. Trên chuyến tàu vào Vinh, ông đã ngồi quan sát và suy nghĩ… Thế rồi, mấy hôm sau, khi đang ở trận địa Vinh, cầm trên tay tờ báo mới, Hồng Phương sững người. Trên trang 2, bài báo “48 giờ đi trên mảnh đất Đồng Hới nóng bỏng” được đăng tràn gần hết trang báo, dưới ký hai chữ “P.V”. Phan Hiền, chính là Phan Hiền, với tất cả những gì được nghe kể từ Hồng Phương đã tái tạo lại trận chiến sôi động, nóng bỏng đến thế. “Tư liệu là của mình, nhưng Phan Hiền đã cho tư liệu cả cuộc đời anh ấy vào để đề tên tác giả dưới bài báo giản dị hai chữ “P.V”-ông đã nghĩ với tất cả niềm cảm phục lớn lao. Nó cũng là động lực khiến Hồng Phương viết say mê, thành công phóng sự “Vinh-những ngày sau chiến thắng” được “thầy” Phan Hiền khen: “Sáng tạo đấy, học trò học nhanh, tiến bộ rất dài…”



Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với nhà báo Hồng Phương.

Sau này, Hồng Phương đã có rất nhiều bài báo sống trong lòng độc giả khác như bài xã luận “Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược” nhân sự kiện giải phóng Buôn Mê Thuột, “Bước ngoặt chiến tranh” nhân giải phóng Huế và Đà Nẵng, “Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng” nhân chiến thắng 30/4 lịch sử... hay tấm ảnh “Nỗi đau và trách nhiệm” của một “khoảnh khắc không thể phai mờ” chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình ngày 9/9/1969...

Một quê hương sâu thẳm ở trong lòng

Từ anh lính viết báo, trở thành nhà báo thực thụ, sau này còn là người quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ báo chí cho thế hệ trẻ, nhưng ít ai biết rằng trong nhiều bài báo thành công của ông có một quê hương đau đáu bên trong. Xa quê, nhưng nghe nhắc đến Nghệ An, nghe nhắc đến Hưng Nguyên là trong thẳm sâu Hồng Phương lại trào lên những nhớ nhung, day dứt. Nơi đây, ông đã có một quãng tuổi thơ, một quãng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, có cả những ký ức, những kỷ niệm nghẹn ngào buồn thương. Ông kể rằng, lần về Nghệ An để viết: “Vinh - những ngày sau chiến thắng”, ông đã “viết bằng cả máu thịt với quê hương”. Năm 1966, trở lại mặt trận Nghệ An, ông cùng nhà báo Trần Tuấn viết “Vinh, những ngày tháng 8 đánh Mỹ”.

Cho đến giờ, ông vẫn nhớ đến từng chi tiết những ngày tháng đó, nhớ một Vinh đau thương và hối hả, nhớ mình đã đi bộ lên núi Quyết và gặp dân quân đang cáng thương binh, tử sỹ từ trận địa pháo trên núi bị trúng tên lửa. Nhớ đã viết bài báo “Sức lớn” được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc liên tục. Nhớ đã chụp hết một cuộc phim về Trung đoàn Pháo cao xạ Quân khu 4 khi đơn vị này được cử vào án ngữ trên đường Trường Sơn - những tấm ảnh chân thực và vô cùng quý giá phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền về đơn vị điển hình toàn quân.

Nhớ những ngày toàn quốc đánh Mỹ, nằm ở Bộ Chỉ huy trong núi Quyết thì nhận được điện báo Hòn Mắt bắn rơi máy bay Mỹ. Và chỉ thông qua cuộc điện đàm, ông đã viết bài tường thuật trong căn hầm mập mờ ánh điện, chờ lúc 2 giờ sáng mới có thể gọi điện về tòa soạn đọc cho người nhận bài chép lại. Chỉ hôm sau thôi, “Hòn Mắt bắn rơi máy bay thứ 300” đã được in. Ông cũng nhớ về lần gặp mặt ngắn ngủi với em gái mình ngay tại trận địa núi Quyết: “Em tôi - Nguyễn Thị Thảo, 17 tuổi vào đội dân quân xung kích phục vụ chiến đấu ở Phân đội 6, Trung đoàn 214 Pháo cao xạ Quân khu 4 (trên đỉnh núi Quyết). Tôi đang đi xuống, gặp em đang đi lên. Chúng tôi chỉ gặp nhau được chừng nửa phút do tính chất gấp rút, ác liệt của cuộc chiến. Sau đó thì tôi nhận được điện em đã hy sinh. Em tôi ngã xuống dưới chân núi Quyết và bây giờ nằm lại ở Nghĩa trang quê nhà Hưng Nguyên...” Trong loạt bài “Giương cao ngọn cờ “Hai nhất” trong thời kỳ mới” viết về những đơn vị điển hình như Trung đoàn Sông Gianh, Trung đoàn Pháo cao xạ Quân khu 4..., ông đã có một chương viết về một người con gái trẻ hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước và ngã xuống dưới làn đạn pháo kẻ thù, ấy chính là người em gái thân thương của ông.

Mới hiểu, cho đến giờ, qua nhiều nếm trải, đã từng sống những ngày sôi động nhất, nhưng Hồng Phương vẫn lặng lẽ trở về miền quê lam lũ xưa của ông mỗi tháng, mỗi năm. Mảnh đất đã cho ông cuộc sống, mảnh đất mà để bảo vệ nó, những người thân yêu nhất của ông đã nằm lại...


Thùy Vinh